Japan Airlines ước tính thiệt hại 105 triệu USD do vụ va chạm tại sân bay Haneda

Một máy bay chở khách của Japan Airlines đã bốc cháy tại sân bay Haneda, Tokyo sau khi va chạm với phương tiện của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Vụ việc ước tính sẽ để lại thiệt hại hàng tỷ USD đối với hãng hàng không Nhật Bản...

Tàn tích của chiếc máy bay Airbus A350 bị cháy sau khi va chạm với máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản tại Sân bay Quốc tế Haneda ở Tokyo, Nhật Bản
Tàn tích của chiếc máy bay Airbus A350 bị cháy sau khi va chạm với máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản tại Sân bay Quốc tế Haneda ở Tokyo, Nhật Bản

Trong một công bố mới đây của Japan Airlines về vụ tai nạn xảy ra tại Sân bay Haneda Tokyo vào ngày 2/1, ước tính vụ va chạm sẽ dẫn đến khoản lỗ hoạt động lên tới 15 tỷ yên (104,81 triệu USD) đối với hãng hàng không Nhật Bản.

Thiệt hại về máy bay sẽ được bảo hiểm chi trả và công ty đang tiếp tục đánh giá tác động sâu rộng hơn của vụ việc đối với dự báo thu nhập cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 tới.

Một số nguồn tin trong ngành bảo hiểm tiết lộ, công ty AIG của Mỹ là đối tác chính trong hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro trị giá 130 triệu USD cho chiếc máy bay phản lực thân rộng Airbus A350 hai năm tuổi của Japan Airlines, đã bị thiêu rụi do hỏa hoạn.

Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, đây là tổn thất thân tàu (hull loss - khi máy bay bị hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được) đầu tiên trên toàn thế giới đối với mẫu Airbus A350. Dòng máy bay này được làm chủ yếu từ hỗn hợp carbon và đưa vào sử dụng thương mại kể từ năm 2015.

Trích dẫn thông tin được chia sẻ từ chính quyền Nhật Bản, máy bay chở khách của Japan Airlines đã được phép hạ cánh, nhưng chiếc máy bay nhỏ hơn của Cảnh sát biển vẫn chưa được phép cất cánh, dựa trên bản ghi của tháp điều khiển.

Hiện tại, các nhà chức trách chỉ mới bắt đầu quá trình điều tra và vẫn chưa chắc chắn về các tình huống xung quanh vụ tai nạn, bao gồm cả việc tại sao hai máy bay lại cùng ở trên cùng một đường băng. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng thường thì phải có nhiều rào chắn an toàn bị hỏng thì tai nạn máy bay như vậy mới xảy ra.

Cổ phiếu của Japan Airlines đóng cửa nhích nhẹ 0,5% trong phiên giao dịch 3/1, cho thấy không có nhiều phản ứng về vụ tai nạn khi giao dịch tiếp tục trở lại sau kỳ nghỉ Năm Mới. Ban đầu, cổ phiếu trượt giảm 2,4% trước khi phục hồi trở lại.

Tóm tắt lại thông tin của vụ việc, chuyến bay JL516 của Japan Airlines đã va chạm với một máy bay Cảnh sát biển khi hạ cánh xuống sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản vào ngày 2/1. Toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay 516 đã sơ tán an toàn khỏi chiếc Airbus A350 bốc cháy. Tuy nhiên, năm trong số sáu thành viên trên máy bay của Cảnh sát biển đã thiệt mạng sau vụ tai nạn. Theo báo cáo ban đầu, máy bay của Cảnh sát biển đang hướng tới Niigata để cứu trợ sau trận động đất ngày 1/1.

Gần 200 hành khách đã bị mắc kẹt qua đêm tại sân bay New Chitose gần thành phố Sapporo phía bắc Nhật Bản, nơi chuyến bay JL516 khởi hành, do các chuyến bay đến muộn vì bị trì hoãn, người phát ngôn của nhà điều hành sân bay Hokkaido Airports cho biết vào 4/1.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…