Gần 300 người thiệt mạng và 900 người bị thương trong tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng ở Ấn Độ

Một thảm hoạ đường sắt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Ấn Độ đã làm bị thương hơn 900 người và khiến gần 300 người thiệt mạng…

Ít nhất 288 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn tàu hoả nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ trong hơn hai thập kỷ qua, sau khi một đoàn tàu chở khách chệch khỏi đường ray và đâm vào một đoàn tàu khác tại quận Balasore thuộc bang Odisha ở phía đông đất nước.

Một nhân chứng của Reuters cho biết các thi thể vẫn bị mắc kẹt trong các toa tàu và chiến dịch giải cứu đang được tiếp tục. Dự kiến số người thiệt mạng sẽ còn tăng lên. 

Báo cáo sơ bộ cho thấy nguyên nhân của vụ tai nạn là bởi lỗi tín hiệu. "Tàu tốc hành Coromandel đáng lẽ phải đi trên tuyến chính, nhưng thay vào đó, một tín hiệu được đưa ra cho tuyến vòng khiến đoàn tàu đâm vào một đoàn tàu chở hàng đang đậu ở đó. Các toa tàu sau đó đổ ập xuống đường ray ở hai bên và làm trật bánh tàu Howrah Superfast Express”, ông K. S. Anand, giám đốc quan hệ công chúng của South Eastern Railway tiết lộ. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới hiện trường, nói chuyện với các nhân viên cứu hộ và kiểm tra đống đổ nát. Ông cũng tới gặp những người sống sót tại các bệnh viện.

“Tôi đã đánh giá tình hình tại nơi xảy ra thảm kịch ở Odisha. Không lời nào có thể diễn tả hết nỗi buồn sâu sắc của tôi. Chính phủ cam kết sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho những người bị ảnh hưởng", Thủ tướng Modi phát biểu. 

Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ashwini Vaishnaw cho biết, gia đình của những người thiệt mạng sẽ nhận được 1 triệu rupee (12.000 USD), trong khi những người bị thương nặng sẽ nhận được 200.000 rupee và 50.000 rupee cho những người bị thương nhẹ.

Ông Vaishnaw nói với các phóng viên sau khi thị sát hiện trường vụ tai nạn: "Chúng tôi hoàn toàn tập trung vào hoạt động cứu hộ và cứu trợ, và chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng những người bị thương được điều trị tốt nhất có thể”.

tai nạn tàu hoả

Một đoạn video được ghi lại cho thấy các toa tàu bị lật đổ và đường ray bị hư hại, trong khi các đội cứu hộ đang tích cực tìm cách kéo những người sống sót ra ngoài và đưa họ đến bệnh viện. Trong khi đó, các thi thể người đã khuất được đặt ở một ngôi trường gần đó được sử dụng làm nhà xác tạm thời trong thời gian cảnh sát giúp người thân nhận dạng. 

Vụ va chạm xảy ra vào khoảng 7 giờ tối ngày 2/6 (theo giờ địa phương) khi tàu tốc hành Coromandel từ Kolkata đến Chennai va chạm với tàu siêu tốc Howrah từ Bengaluru đến Howrah ở Tây Bengal. 

Theo các dữ liệu được công bố, hệ thống đường sắt Ấn Độ vận chuyển hơn 13 triệu người mỗi ngày; tuy nhiên cơ sở hạ tầng cũ kỹ và các quy định về an toàn hiện còn quá lỏng lẻo. 

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã triển khai các chuyến tàu cao tốc như một phần trong kế hoạch hiện đại hóa mạng lưới, nhưng giới phê bình cho rằng nó đã không tập trung đủ vào sự an toàn và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia nhận định vụ tai nạn tàu hỏa hôm thứ Sáu đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch thay đổi hệ thống đường sắt của ông Modi.

Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ xảy ra vào năm 1981 khi một đoàn tàu lao khỏi cầu xuống một con sông ở bang Bihar, khiến khoảng 800 người thiệt mạng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…