Khi Châu Âu “tranh giành” các nhân tài AI

Cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy làn sóng chiêu mộ nhân tài công nghệ ở châu Âu ngày một “nóng lên”, khiến các doanh nghiệp trong ngành như Google DeepMind phải lựa chọn giữa việc bổ sung lương thưởng hậu hĩnh hoặc chịu rủi ro đánh mất những bộ óc tài giỏi vào tay đối thủ…

Thành công vang dội của ChatGPT thuộc OpenAI đã tiếp thêm sinh lực cho các nhà đầu tư, những người đang đổ hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp AI đầy triển vọng với mong muốn trải nghiệm thành công chỉ sau một đêm.

Thúc đẩy làn sóng đầu tư, một loạt các công ty AI nước ngoài - bao gồm Cohere của Canada và Anthropic cũng như OpenAI của Mỹ - đã mở văn phòng ở châu Âu vào năm ngoái, gây thêm áp lực lên các công ty công nghệ đang cố gắng thu hút và giữ chân nhân tài trong khu vực.

“Chúng tôi đến nơi có tài năng, và có rất nhiều tài năng ở London và khắp châu Âu”, ông Aidan Gomez, giám đốc điều hành của Cohere nhận xét.

Được thành lập vào năm 2010 và được Google mua lại vào năm 2014, DeepMind có trụ sở tại London đã tạo nên tên tuổi khi áp dụng AI vào mọi thứ, từ trò chơi cờ bàn (board game) cho đến sinh học cấu trúc. Giờ đây, công ty phải đối mặt với một loạt đối thủ có hậu phương vững chắc đang “tràn” vào lãnh thổ của mình, trong khi ngày càng nhiều thành viên của công ty xin nghỉ việc để khởi động các dự án kinh doanh của riêng họ.

Những sự ra đi gây chú ý gần đây phải kể đến nhà đồng sáng lập Mustafa Suleyman, người đã rời DeepMind để thành lập Inflection AI có trụ sở tại California cùng với tỷ phú LinkedIn Reid Hoffman, và nhà khoa học nghiên cứu Arthur Mensch, hiện là Giám đốc điều hành của Mistral AI. Cả hai công ty đều được định giá hàng tỷ USD dù mới có thời gian ngắn hoạt động.

Nhà nghiên cứu AI Mustafa Suleyman gần đây đã bắt đầu tuyển dụng nhân viên kỹ thuật ở London cho Inflection AI, trong khi Arthur Mistral của Mensch đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty khởi nghiệp nổi tiếng nhất trên lục địa, huy động được 415 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm vào tháng 12.

Công ty khởi nghiệp Bioptimus có trụ sở tại Paris, cũng do cựu nhân viên DeepMind thành lập, đã huy động được 35 triệu USD vào tháng 2.

Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn cản việc nhân viên gia nhập công ty khác hoặc thành lập công ty riêng, DeepMind đã trao cho một số nhân viên ưu tú số lượng cổ phiếu trị giá hàng triệu USD vào đầu năm nay, theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề tiết lộ.

Người phát ngôn của DeepMind nói với Reuters: “Đây chắc chắn là một không gian cạnh tranh” và đồng thời cho biết thêm rằng công ty vẫn luôn nỗ lực trong việc thu hút và nuôi dưỡng nhân tài.

Theo công ty tìm kiếm điều hành Avery Fairbank, lương của nhân viên C-Suite tại các công ty AI ở Vương quốc Anh đã tăng theo cấp số nhân trong năm qua. “Sự gia nhập của những gã khổng lồ AI nước ngoài như Anthropic và Cohere vào thị trường London sẽ làm tăng thêm tính cạnh tranh trong việc tuyển dụng nhân tài về trí tuệ nhân tạo”, Charlie Fairbank, giám đốc điều hành của công ty giải thích.

Do đó, các giám đốc điều hành có mức lương cơ bản vào khoảng 350.000 bảng Anh đã chứng kiến bậc lương của mình tăng vọt lên đến 50.000 - 100.000 bảng Anh.

Cohere, công ty thiết kế các chatbot và công cụ nội bộ cho doanh nghiệp, đã thuê Phil Blunsom, từng nhà nghiên cứu chính tại DeepMind trong bảy năm, làm nhà khoa học trưởng của công ty vào năm 2022. Sebastian Ruder từ DeepMind chuyển sang gia nhập Cohere vào tháng 1/2024.

“Tất cả các công ty này đều đang cạnh tranh để có được những nhân tài đó. Thị trường nhân sự AI giờ giống một cái ao hơn là một đại dương”, Ekaterina Almasque đối tác chung của công ty đầu tư mạo hiểm OpenOcean so sánh.

Cuộc chiến tranh giành nhân tài thế giới công nghệ giờ đây có nghĩa là người lao động ngày càng có nhiều cơ hội hơn để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng tiềm năng. Công ty âm thanh AI ElevenLabs có trụ sở tại London đang cung cấp các lựa chọn cổ phiếu cho nhân viên mới, mức lương hậu hĩnh và làm việc hoàn toàn từ xa, mặc dù hầu hết các vị trí đều yêu cầu nhân viên phải có sinh sống tại Châu Âu.

Thomas Clozel, một nhà đầu tư ban đầu vào Bioptimus cho biết các công ty khởi nghiệp đang tìm cách tuyển dụng nhân tài từ Big Tech bằng cách mang lại cho họ nhiều tiếng nói hơn đối với định hướng của công ty: “Google là một trong những công ty giỏi nhất trong lĩnh vực của mình và sản sinh ra một số tài năng xuất sắc nhất. Nhưng sức hút tại những công ty khởi nghiệp nhỏ hơn là họ có cơ hội để tiếp tục cống hiến hết mình cho công việc và có tầm ảnh hưởng nhất định tại công ty”.

Và trong khi làn sóng trí tuệ nhân tạo tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng con đường phát triển AI vẫn còn quá tốn kém và đòi hỏi nhiều nguồn lực, do đó nó sẽ trực tiếp tạo ra thêm công việc thay vì chiếm lĩnh các công việc của con người.

Thêm vào đó, AI được tạo ra như một công cụ để hỗ trợ, chứ không thể thay thế hoàn toàn lực lượng lao động, kể cả là trong tương lai. Dưới đây là một số dẫn chứng về những ngành nghề cụ thể có nhu cầu nhân sự cao mà AI không thể nào thay thế con người.

Kế toán: Mặc dù AI có thể dễ dàng xử lý các con số nhưng nó không thể đưa ra các quyết định chiến lược thông qua khả năng phán đoán quan trọng như con người.

Biên tập viên: Trí tuệ nhân tạo có thể viết văn bản một cách chuyên nghiệp, tuy nhiên, các mô hình ngôn ngữ AI, như ChatGPT vẫn gặp phải vô số lỗi sai, thiếu chính xác khi sử dụng nguồn thông tin có sẵn. Các sản phẩm AI vẫn cần có con người chỉnh sửa và kiểm tra tính xác thực của văn bản.

Chuyên gia y tế: Ngành chăm sóc sức khỏe đã được hưởng lợi rất nhiều từ AI và những tiến bộ kỹ thuật, với những đột phá trong mô phỏng và phẫu thuật bằng robot. Tuy nhiên, y học là một trong những ngành quan trọng nhất luôn cần tới sự tiếp xúc của con người. Việc xử lý các tình huống khó khăn, bất ngờ đòi hỏi sự đồng cảm và kết nối giữa người với người, đó là điều mà AI không thể bắt chước được.

Âm nhạc: Lĩnh vực nghệ thuật đã áp dụng nhiều chức năng của công cụ AI để hỗ trợ quá trình sản xuất âm nhạc, biên tập phim ảnh, điều chỉnh hình ảnh… Tuy nhiên, các ý tưởng và nền tảng sáng tác nghệ thuật lại phụ thuộc lớn nhất vào việc tạo ra trải nghiệm. Bởi lẽ, ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, vũ công và nhà làm phim đều lấy cảm hứng từ những trải nghiệm, cảm xúc và sự kết nối trong đời thực để tạo ra tác phẩm nghệ thuật gây được tiếng vang với khán giả - điều mà AI không thể làm được.

Nhân viên xã hội: Là công việc cần tiếp xúc với con người mỗi ngày, cho dù là trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, công tác thanh thiếu niên hay tư vấn sức khoẻ tinh thần…, công việc của nhân viên xã hội đều tập trung vào sự tương tác giữa con người với nhau. Bản chất công việc này không thể được sao chép bởi AI.

Thợ thủ công: Một mô hình trí tuệ nhân tạo không thể sửa đường ống bị rò rỉ, đặt một viên gạch hay xây nhà - vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những người thợ thủ công sẽ không lo bị AI thay thế.

Chuyên gia về nhân sự: Các chuyên gia nhân sự giải quyết nhiều vấn đề đòi hỏi sự tương tác của con người. Họ phải có suy nghĩ chín chắn cũng như sự đồng cảm, thấu hiểu để có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến con người tại nơi làm việc.

Giáo viên: Để dạy dỗ và hướng dẫn cho các thế hệ học sinh không phải là điều mà AI có thể làm được. Bởi nó còn liên quan đến một loạt các kỹ năng giao tiếp và trí tuệ cảm xúc, cũng như khả năng giải quyết vấn đề và kết nối con người.

Kĩ sư an ninh mạng: Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và phổ biến, do đó thế giới ngày nay cần đến các chuyên gia về an ninh mạng hơn bao giờ hết. Mặc dù AI có thể hỗ trợ lập kế hoạch nhưng con người vẫn cần thiết để triển khai các hệ thống bảo mật. Các chuyên gia an ninh mạng cần sử dụng các kỹ năng điều tra, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, điều mà AI khó có thể làm được.

Quản lý dự án: Theo Viện Quản lý Dự án của Mỹ, các nhà quản lý dự án có trách nhiệm xác định mục tiêu và phạm vi dự án, lập kế hoạch và ghi lại các nhiệm vụ của dự án cũng như đảm bảo các sản phẩm bàn giao được giao đúng thời hạn. Mặc dù AI là một công cụ hữu ích nhưng một người quản lý dự án thực có thể luôn cần thiết để đảm bảo quy trình được diễn ra trơn tru.

Có thể bạn quan tâm