Kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, viết lại Luật Doanh nghiệp?

Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, chuyển danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.
Kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, viết lại Luật Doanh nghiệp?

Bộ Kế hoạch và đầu tư hiện đang chủ trì soạn thảo Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, quyền và lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan.

Theo đó, đối với Luật Đầu tư, dự thảo sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng như thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với Luật Doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của doanh nghiệp, bãi bỏ con dấu doanh nghiệp, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, rất cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nói riêng và các luật khác nói chung và sửa càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt. 

Hơn nữa, việc sửa đổi không phải là đổi mới, mà chủ yếu là sửa sai. Ví dụ như Điểm b, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật bổ sung giải thích “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi” là lấy lại nguyên văn quy định tại khoản 2, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã bị bỏ đi trong Luật năm 2014.

Bên cạnh đó là những vấn đề bất cập từ lâu nhưng chưa được giải quyết trong luật 2014, như không tập trung đăng ký kinh doanh tất cả các hoạt động kinh doanh không chỉ của doanh nghiệp mà của mọi pháp nhân.

"Ông Đức cho rằng, nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Do đó, cần bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản quan điểm.

Cụ thể, về ngành, nghề đầu tư kinh doanh, luật đã bỏ toàn bộ việc ghi nhận ngành, nghề đầu tư, kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay vì chỉ bỏ những ngành, nghề tự do đầu tư, kinh doanh không cần điều kiện. Các ngành, nghề tự do kinh doanh nhưng lại vẫn phải thông báo ngành nghề, kinh doanh như đối với 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thực chất vẫn là một dạng đăng ký.

Ông Đức kiến nghị đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì vẫn cần ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kinh doanh) như trước đây. Song cần bỏ hẳn việc thông báo ngành nghề kinh doanh vì hầu như không có ý nghĩa pháp lý, kể cả việc thống kê. Chỉ có ý nghĩa pháp lý và cần quản lý khi doanh nghiệp tiến hành kinh doanh thực tế thông qua quản lý hóa đơn, chứng từ, kế toán, tài chính.

Về chủ thể kinh doanh, cần loại bỏ hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Bởi hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là và phải là doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế. 

Về loại hình công ty, bản chất pháp lý và nguyên lý quản trị, điều hành giữa hai loại công ty TNHH và cổ phần là như nhau (đều là công ty đối vốn và chịu trách nhiệm hữu hạn như nhau), nhưng pháp luật hiện nay lại được quy định rất khác nhau không vì lý do chính đáng, không phù hợp với thực tế. 

Ví dụ công ty cổ phần gồm ba cổ đông là vợ, chồng và con, đã có Đại hội đồng cổ đông, lại buộc phải có thêm Hội đồng quản trị, được bán cổ phần tăng vốn ra công chúng và được tự do chuyển nhượng vốn cổ phần công ty; trong khi công ty TNHH có 50 thành viên thì chỉ có Hội đồng thành viên, không được bán tăng vốn ra công chúng và không được tự do chuyển nhượng vốn công ty. 

Do đó, việc phân chia công ty TNHH có từ 1 đến 50 thành viên và công ty cổ phần có từ 3 cổ đông trở lên là không hợp lý. Việc phân chia thành hai loại như trên, tạo ra quá nhiều sự trùng lắp, dài dòng, phức tạp, rắc rối, vô lý về pháp lý. 

Ông Đức cho rằng, đã đến lúc phải sửa sai, mạnh dạn xoá bỏ việc phân biệt về số thành viên, mô hình, yêu cầu tổ chức, hoạt động khác nhau giữa công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Chỉ cần phân biệt sự khác nhau giữa các công ty khi đạt đến một quy mô cổ đông nhất định có thể ảnh hưởng đến yêu cầu quản lý, quyền lợi của cổ đông và công chúng, như từ 11 thành viên (gọi chung là cổ đông) trở lên thì phải thực hiện thêm một số yêu cầu(đã được quy định trong Luật hiện hành với cả hai loại hình công ty). Đặc biệt là công ty đại chúng từ 100 cổ đông trở lên thì phải thực hiện thêm nhiều yêu cầu cao hơn (hiện nay chỉ đặt ra đối với công ty cồ phần).

Khi đó công ty có từ 2 đến 10 cổ đông được tổ chức và hoạt động giống nhau (không phân biệt giữa Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng thành viên, giữa cổ đông và thành viên, giữa tối thiếu 1 hay 3 và tối đa 50 hay bao nhiêu cổ đông). Khi có từ 11 và 100 cổ đông trở lên thì phải đáp ứng một số yêu cầu, chẳng hạn có Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hoặc Ủy ban kiểm toán nội bộ, cơ chế tự do chuyển nhượng cổ phần.

Về Luật Đầu tư, theo ông Đức, cốt lõi của Luật Đầu tư là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. Điểm a, khoản 1, Điều 1 của Dự thảo Luật giải thích “Đầu tư kinh doanh là việc bỏ vốn bằng tiền và các tài sản khác để kinh doanh”.

Trong đó, ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây. Vì vậy, ông Đức kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển Danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.

Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy. Việc đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài, vị luật sư này nhận định.

Theo An Chi/TheLEADER

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…