Làn sóng “di tản” ấy diễn tại Trung Quốc của không chỉ các DN Nhật Bản nổi tiếng như Panasonic, Nidec, Daikin... mà cả những tập đoàn Trung Quốc khác, tiêu biểu nhất là TCL. Và có thể, một chuỗi giá trị toàn cầu mới đang được thiết lập lại.
“Đại bàng” Châu Á tìm đường tránh bão
“Chiến tranh thương mại Trung Mỹ sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa” là nhận định của Giám đốc điều hành Tập đoàn Nidec Nhật Bản Shigenobu Nagamori tại một cuộc họp báo cuối tháng 10 vừa qua.
Đó cũng chính là lý do khiến Nidec muốn nhanh chóng tiếp bước Panasonic chuyển việc sản xuất một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc và trở thành một trong nhiều doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng các nhà máy tại Đông Nam Á hay Mexico.
Theo Nidec, tập đoàn này sẽ đầu tư khoảng 20 tỷ yên (178 triệu USD) để xây dựng nhà máy sản xuất động cơ lái trợ lực cho xe hơi, các linh kiện cho máy điều hòa không khí gia đình tại Mexico. Mục đích của sự đầu tư này cũng được Nidec thể hiện rõ ràng: tăng gấp đôi công suất vào tháng 3/2019.
Không chỉ có Nidec, Panasonic - một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cũng đang tính di dời việc sản xuất linh kiện ô tô như dàn âm thanh nổi đến Thái Lan, Malaysia và Mexico.
Tập đoàn Yokowo cũng đã lên phương án “thoát ly” việc sản xuất lượng hàng hoá chiếm đến 70% tổng sản lượng xuất khẩu tại Trung Quốc sang Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản này đang nỗ lực hiện thực hoá kế hoạch trên vào cuối năm nay thay vì giữa năm 2020 như dự tính trước đó.
GoerTek – một công ty “thuần Trung Quốc”, có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, chuyên lắp ráp tai nghe AirPods của Apple cũng thông báo chuyển sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam để tránh vạ lây trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Hai nhà cung cấp thiết bị khác của Apple là Pegatron và Cheng Uei Precision Industry của Đài Loan cũng tính đến việc “nới” quy mô sản xuất ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc vì lý do tương tự dù không đề cập đến việc di dời việc sản xuất các thiết bị liên quan đến Apple.
Nhưng tiêu biểu nhất, phải kể đến TCL – doanh nghiệp nổi tiếng toàn cầu đến từ Trung Quốc đang muốn tăng cường sản xuất tivi màn hình tinh thể lỏng tại nhà máy Mexico để thay thế các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. TCL cho biết, sản lượng sản xuất sẽ tăng từ 3 triệu đến 4 triệu chiếc trong năm tới thay vì 2 triệu chiếc trong năm 2017.
“Thị trường Trung Quốc đang chứng khiến làn sóng “tháo chạy” của các doanh nghiệp nước ngoài khỏi thị trường này nhằm “né thuế”, “lách thuế” và hạn chế các đòn giáng thương mại của Mỹ theo cách “ngang nhiên” hơn bao giờ hết.
Lợi thế “Made in China” đang hết thời?
Thực chất, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc không phải là hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại mà là xu hướng đã hình thành từ vài năm trở lại đây.
Hầu hết các doanh nghiệp này đều nhận thấy rủi ro khi phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, chi phí lao động và phí bảo vệ môi trường ngày một tăng khiến Trung Quốc không còn quá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Và khi làn sóng trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ nổ ra, về bản chất, chỉ là một hành động "đổ thêm dầu vào lửa” nhằm thúc đẩy các cuộc dịch chuyển sản xuất trở nên nhanh hơn, quy mô hơn, rõ ràng hơn và thậm chí “ngang hiên” hơn.
“Nhờ” ngòi nổ mang tên chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Trung Quốc đều đã có thêm một lý do không thể thuyết phục hơn để từ bỏ thương hiệu “Made in China”.
Thống kê tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ
Chiến tranh thương mại bỗng nhiên trở thành “chiếc nôi cứu cánh” để các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất theo quy mô đa quốc gia khi xuất phát từ mục đích cơ bản nhất: “lách thuế”.
Xét về thực tế, Trung Quốc vẫn là nơi có cơ sở hạ tầng, mạng lưới cung ứng và đội ngũ kỹ thuật tốt nhất để nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác. Báo cáo do Viện Brookings công bố vào tháng 7/2018 cũng đánh giá, vai trò trung tâm sản xuất của Trung Quốc “không dễ dàng bị thay thế”.
Tính đến thời điểm này, năng lực sản xuất của Trung Quốc vẫn đang ở vị trí “ngôi vương” với giá trị sản xuất lên khoảng 2.000 tỷ USD/năm. Thống kê này là một minh chứng cho thấy, ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ không thể biến mất qua một đêm nhưng sự dịch chuyển sản xuất sang quốc gia khác, có lẽ là điều không tránh khỏi.
“Cho đến nay, chính quyền Trump đã áp thuế nhập khẩu 25% trên 50 tỷ đô la Mỹ giá trị hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, đưa tổng giá trị hàng hóa bị đánh thuế trong cuộc chiến thương mại lên 100 tỷ đô la. Con số này có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi chính quyền Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu 10% - 25% trên 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Các biện pháp trả đũa thuế quan leo thang có vẻ như đang “thúc” quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn. Tính đến thời điểm hiện nay, căng thẳng thương mại dường như không có xu hướng “thuyên giảm”. Hai cường quốc hàng đầu thế giới cũng không có ý định nhường nhịn nhau.
Và khi làn sóng “sơ tán” của các doanh nghiệp hàng đầu Châu Á tại Trung Quốc vẫn diễn ra thì dù muốn hay không, “sự xê dịch” của hàng loạt các dây chuyền sản xuất đến từ hàng loạt các doanh nghiệp Châu Á “sừng sỏ” kể trên đang mơ hồ tái thiết lập một thị trường dịch vụ và cung ứng dịch vụ mới. Mà từ đó, chuỗi giá trị toàn cầu vô hình chung được định hình lại nhưng trong đó, không có cái tên được nhắc đến thường xuyên bao lâu nay: Trung Quốc.