Liệu thị trường trái phiếu quan trọng nhất thế giới có "lâm nguy"?

Thị trường trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất trên thế giới, cung cấp chuẩn mực cho giá của hầu như tất cả các tài sản tài chính nhưng lại đang rơi vào trạng thái “cảnh báo đỏ”.

Trong phần lớn năm nay, các nhà giao dịch và phân tích thị trường đã phàn nàn về sự biến động và tình trạng “thanh khoản eo hẹp” trên thị trường quan trọng nhất thế giới - thị trường trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trị giá 24.000 tỷ USD. Sự bất ổn này được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính Hoa Kỳ và thế giới. 

Nếu thị trường trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ gặp khủng hoảng - điều đã từng xảy ra một thời gian ngắn năm 2019 và khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020, thì thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị chịu hiệu ứng “domino”. Vì trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ là tiêu chuẩn cho việc định giá tài sản tài chính toàn cầu. Đây cũng là thị trường tài chính được đánh giá là an toàn nhất thế giới.

Cuộc khủng hoảng gần đây ở thị trường tài chính Anh cho thấy, sự “co thắt” trên thị trường trái phiếu có thể gây ra những hậu quả khó lường. Cuộc khủng hoảng đó - xuất phát từ một khoản ngân sách (do cựu thủ tướng Anh Lizz Truss công bố) đã ảnh hưởng không nhỏ tới Quỹ hưu trí của Vương quốc Anh.

Tháng trước, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (NY Fed) đã công bố một bài báo điều tra về tính thanh khoản và biến động bất thường trên thị trường chứng khoán kho bạc. Phát hiện chính của báo cáo là - mặc dù  thanh khoản thị trường không eo hẹp vào năm 2022 - nhưng mức độ biến động của thanh khoản lại cao một cách bất thường. 

Thanh khoản trên thị trường tài chính Mỹ có thể có “độ co giãn” lớn vì chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng NY Fed cho biết, vẫn cần phải cực kỳ thận trọng. 

Khả năng xử lý “kém mượt” các dòng tiền lớn trên thị trường đã trở thành mối lo ngại mới kể từ tháng 3/2020, khi nợ tồn đọng của Kho bạc tiếp tục tăng. “Hơn nữa, thanh khoản thấp hơn bình thường là một minh chứng cho thấy, một cú “sốc” thanh khoản sẽ tạo ra tác động lớn hơn mức bình thường đối với giá cả thị trường và có thể gây ra nhiều phản ứng tiêu cực giữa doanh thu thị trường chứng khoán, sự biến động và tính thanh khoản của thị trường tài chính,” bài báo đưa ra cảnh báo.

Lạc quan nhưng vẫn rất thận trọng

Mặc dù các ngân hàng có vẻ tương đối lạc quan, nhưng vẫn thận trọng về tình trạng hiện tại của thị trường trái phiếu Hoa Kỳ.  Tuy nhiên vẫn có một chi tiết trong bài báo có lẽ xác thực rõ ràng về mối quan tâm của các nhà nhà đầu tư trái phiếu. 

Kể từ khi tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát, buộc Fed phải bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ và thu hẹp bảng cân đối kế toán do ảnh hưởng từ đại dịch. Và chính thị trường trái phiếu là yếu tố phản ánh rõ nhất phản ứng của thị trường đối với các hành động của Fed, từ kỳ vọng về các quyết định trong tương lai của cơ quan này đến triển vọng ngắn hạn đối với lãi suất và lạm phát.

Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi NY Fed nhận thấy rằng, chênh lệch độ giá mua - giá bán đối với những trái phiếu đó (chênh lệch giữa số tiền người mua sẵn sàng trả và số tiền người bán sẵn sàng chấp nhận) lớn hơn so với mức trung bình lịch sử từng được thiết lập (tháng 3/2020).

Thậm chí, lý do tạo nên khoảng cách chênh lệch đó gần giống với những gì đã xảy ra vào tháng 3/2020. Những tác động này phản ảnh rõ nét giá trị thực tế của các giao dịch mua bán trái phiếu. Tháng 3/2020, thị trường tài chính ghi nhận một thực tế rằng, nếu giá mua trái phiếu càng cao (đặc biệt là trái phiếu kỳ hạn 2 năm) thì tính thanh khoản càng giảm. Đây là điều đã từng xảy ra vào tháng 3/2020 và là yếu tố tạo nên khủng hoảng của thị trường tài chính thời điểm đó. 

Độ “co giãn” của thị trường tài chính cũng sẽ cao hơn. Báo cáo của NY Fed cho biết, sự biến động đặc biệt cao này đã thiết lập một kỷ lục mới trong lịch sử giao dịch chứng khoán hai năm qua đồng thời khẳng định, đây sẽ là nguyên nhân tạo nên một “thị trường tài chính không chắc chắn” trong ngắn hạn nếu không có những chính sách tiền tệ can thiệp kịp thời. 

"Môi trường mới lạ"

Năm 2022 đã tạo ra một “môi trường mới lạ” cho các nhà đầu tư, dù là trái phiếu hay các loại chứng khoán khác. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho đến nay, các nhà đầu tư chưa phải trải qua những khủng hoảng nào khác ngoài lãi suất cực thấp và ngân hàng trung ương bơm tiền ồ ạt. 

Giờ đây, lãi suất đang tăng lên nhanh chóng và thanh khoản đang bị rút ra. Đại dịch và gần đây hơn là cuộc chiến ở Ukraine đã “châm ngòi” cho lạm phát và khiến các ngân hàng trung ương ngừng mua trái phiếu và các loại chứng khoán khác – một chính sách được gọi là “cuộc nới lỏng định lượng và đảo ngược quá trình” đối với thị trường.

Trong trường hợp của Fed, sau khi bổ sung gần 5.000 tỷ USD vào bảng cân đối kế toán để đối phó với đại dịch, giờ đây họ đang loại bỏ chúng bằng cách cho phép chứng khoán đáo hạn mà không cần tái đầu tư với số tiền thu được. Fed đã bắt tay vào tiến trình “thắt chặt định lượng” với mục tiêu là 95 tỷ USD/tháng.

Đối với thị trường trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là người mua chứng khoán lớn nhất - Fed đang rút tiền. Fed đã từng mua 40% lượng chứng khoán được phát hành trên thị trường.

Các ngân hàng trung ương khác, đáng chú ý nhất là Nhật Bản (là nước nắm giữ trái phiếu kho bạc lớn thứ hai) cũng đang bán tài sản bằng USD để bảo vệ đồng yđen vì chính sách tài khóa của Mỹ đang diễn ra nhanh và mạnh hơn so với chính sách tài chính của Nhật; đe dọa làm mất giá đồng yên, khiến lạm phát gia tăng và tăng chi phí cao hơn để mua hàng hóa hoặc trả nợ bằng USD.

Các ngân hàng thương mại và các tổ chức đầu tư khác thì lại dường như không chắc chắn về triển vọng từ những chính sách tiền tệ cũng như tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Họ chỉ đang đứng ngoài và theo dõi bên lề.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường thiếu thanh khoản và biến động gia tăng bởi có ít người mua hơn và vì các khoản vay của chính phủ Hoa Kỳ đang tăng vọt do các biện pháp cứu trợ đại dịch cùng biện pháp kích thích tài chính của cả chính quyền cựu TT Trump và TT Biden - nguyên nhân tạo nên lượng trái phiếu chính phủ khổng lồ được bán ra. 

Bên cạnh đó, cũng đã có những thay đổi đối với cấu trúc của thị trường. Cải cách ngân  hàng sau năm 2008 có nghĩa là các ngân hàng từng đóng vai trò đại lý chính trong quá khứ nay sẽ phải nắm giữ nhiều vốn hơn để chống lại rủi ro thị trường tài chính, khiến việc cung cấp thanh khoản trở nên tốn kém hơn.

Các biện pháp cải cách cũng bao gồm thêm các nhà giao dịch tần suất cao và các quỹ phòng hộ, vốn có hoạt động dễ biến động và sử dụng nhiều đòn bẩy hơn, điều này sẽ có xu hướng khuếch đại các biến động về lợi suất và độ sâu của thanh khoản sẵn có trong bất kỳ thời điểm căng thẳng nào.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ (và cựu chủ tịch Fed) Janet Yellen tỏ ra “lo lắng” về việc mất khả năng thanh khoản toàn diện trên thị trường” và “quan ngại tới mức chính quyền TT Biden cần xem xét một loạt giải pháp cải cách tiềm năng để cải thiện hoạt động và tính minh bạch của thị trường đồng thời đưa những nhà đầu tư phi ngân hàng vào mạng lưới điều tiết.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ (và cựu chủ tịch Fed) Janet Yellen.

Các giải pháp cải cách sẽ cải thiện khả năng hấp thụ các cú sốc, gián đoạn thị trường thay vì khuếch đại chúng,” bà nói thêm. 

Mặc dù thị trường trái phiếu biến động hơn và tính thanh khoản kém hơn trong năm nay, nhưng nó vẫn chưa gặp phải trục trặc nghiêm trọng, mặc dù những người tham gia lo ngại rằng việc tiếp tục thắt chặt định lượng, việc các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra và khả năng lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa khiến thị trường vốn đang yếu ớt có thể sụp đổ, gây hệ luỵ tới khắp tất cả các thị trường tài chính trên thế giới.

Tất nhiên, điều đó sẽ buộc Fed phải can thiệp một lần nữa - và như kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - bằng cách cứu trợ thị trường và các nhà đầu tư nói chung. 

Sydney Morning Herald

Có thể bạn quan tâm