Lý do bất ngờ đang kìm hãm tham vọng kinh tế khổng lồ của Ấn Độ

Thất bại của Ấn Độ trong việc đưa thêm phụ nữ vào lực lượng lao động đang làm ảnh hưởng tới tham vọng kinh tế của quốc gia này. 

Lý do bất ngờ đang kìm hãm tham vọng kinh tế khổng lồ của Ấn Độ

Tờ WSJ mở đầu bài viết nói rằng nhiều quốc gia cùng đi theo một quỹ đạo kinh tế là: Khi đất nước phát triển, phụ nữ sẽ ngày càng tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển đi lên của quốc gia.

Việc này đã xảy ra ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào nửa sau của thế kỷ 20. Mỹ cũng chứng kiến ​​tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động (tỷ lệ phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hoặc đang tích cực tìm việc) tăng từ 32% năm 1948 lên 59% vào năm 2000.

Tuy nhiên, Ấn Độ - quốc gia đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm ngoái, lại không đi theo con đường đó. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, kể từ năm 1990, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của nước này đã đạt mức cao nhất là 31% vào năm 2000. Năm ngoái, con số này tụt xuống chỉ còn 24%.

Tỷ lệ đó nằm trong số 12 nước thấp nhất trên thế giới, gồm cả Afghanistan và Somalia. Ả Rập Saudi thậm chí còn có tỷ lệ phụ nữ đi làm hoặc tìm việc cao hơn Ấn Độ.

PHỤ NỮ CHỈ NÊN Ở NHÀ

Điều đáng nói là thời gian gần đây, Ấn Độ đã đạt được một số tiến bộ kinh tế nhất định. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động đã tăng nhẹ từ mức thấp 21% vào năm 2018, nhưng ngay cả những mức tăng nhỏ đó cũng đã rất khó đạt được. Thậm chí những công ty đã cố gắng thuê phụ nữ cũng gặp khó khăn. Tổng thể, đóng góp tỷ lệ thấp của Ấn Độ đã làm giảm tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động toàn thế giới từ khoảng 51% năm 2000 xuống còn 47% vào năm ngoái.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng kể trên ở Ấn Độ, các nhà kinh tế nhận định là do hai yếu tố chính: Khả năng tạo việc làm yếu dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt để giành lấy các cơ hội sẵn có và một nền văn hóa bảo thủ sâu sắc nhấn mạnh vị trí của phụ nữ là ở nhà.

Mặc dù là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây, nhưng Ấn Độ không tạo thêm được việc làm mới nào trong thập kỷ qua.

Thất bại của Ấn Độ trong việc đưa thêm phụ nữ vào lực lượng lao động đang làm phức tạp tham vọng tận dụng cơ cấu dân số trẻ của nước này khi các công ty phương Tây tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc để sản xuất.

Theo McKinsey, quốc gia đông dân nhất thế giới có thể tăng tổng sản phẩm quốc nội thêm 734 tỷ USD nếu quốc gia này tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ lên 11 điểm phần trăm vào năm 2030. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP của Ấn Độ vào khoảng 3,4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.

Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ - một nhóm chuyên gia cố vấn ở Mumbai, chỉ có 38 triệu phụ nữ có việc làm được trả lương ở Ấn Độ vào năm ngoái, so với 368 triệu nam giới. Áp lực văn hóa lớn đến mức Anamika Pandey, một doanh nhân 26 tuổi ở New Delhi, cho biết nhiều phụ nữ tin rằng làm việc bên ngoài là một hoạt động đáng xấu hổ chỉ dành cho người nghèo.

Năm ngoái, Pandey thành lập công ty thực phẩm tự nhiên có tên Naario. Ban đầu, cô muốn thuê nhân viên nữ, bao gồm cả những vị trí ở kho bãi, hậu cần và bán hàng, nhưng phụ nữ sợ bị công chúng chỉ trích.

Pandey cuối cùng đã thuê những người đàn ông cho tất cả các công việc liên quan đến việc ở bên ngoài gia đình. Cô nói rằng mình đã có thể tìm được hơn 500 phụ nữ để bán các sản phẩm của Naario trên mạng xã hội và tại các sự kiện tại nhà của họ cho bạn bè và hàng xóm, mặc dù điều đó không dễ dàng.

ANDO.jpg

Anmol Jaggi, đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp gọi xe BluSmart, cho biết ông muốn các tài xế nữ phản ánh cơ sở khách hàng, trong đó 50% là nữ. Vào năm 2021, BluSmart đã công bố kế hoạch thuê 500 tài xế nữ trong vòng một năm.

Công ty đã phát động một chương trình đào tạo, hợp tác với chính phủ Ấn Độ, để dạy phụ nữ cách lái xe và giúp họ lấy bằng lái xe. BluSmart đã cài đặt ba nút khẩn cấp trong mỗi ô tô để giải quyết các vấn đề về an toàn, cho phép nữ tài xế chỉ làm ca ngày… Tuy nhiên, chỉ 80 trong số 800 phụ nữ học lái xe tìm được việc làm. Công ty có 6.500 tài xế nam. Jaggi cho biết nhiều phụ nữ muốn đi làm nhưng phải nhượng bộ trước những thành viên trong gia đình phản đối ý tưởng này.

Phần lớn phụ nữ làm việc cho công ty là những bà mẹ đơn thân như Deepa Shankar, những người có nhu cầu cấp bách về tài chính vượt hơn cả mối lo ngại về sự phản đối của gia đình họ.

Người phụ nữ 25 tuổi ở New Delhi cho biết cô trở thành tài xế sau khi bị chồng bỏ rơi. Mẹ, anh trai và hàng xóm của cô đều tìm mọi cách khiến cô xấu hổ rồi bỏ việc. Họ nói cô đang làm hoen ố thanh danh của gia đình.

Tuy nhiên, tiền dần thay đổi suy nghĩ của họ. Thu nhập của Shankar cho phép cô trả tiền điều trị cho cha mình, xây nhà cho mẹ cô và tài trợ cho việc học của anh trai. Shankar kiếm được khoảng 490 USD một tháng. “Bây giờ họ rất vui khi tôi làm việc”, cô nói.

Giấc mơ có hàng nghìn nữ tài xế taxi của Jaggi vẫn còn quá xa vời. “Tôi có thể mất cả cuộc đời để đạt được mục tiêu đó”, anh nói.

Ở nhiều khu vực của nền kinh tế Ấn Độ, việc làm đang bị thiếu hụt. Nhiều công việc đã biến mất trong đại dịch và không bao giờ quay trở lại. Công việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực sử dụng lao động lớn nhất của Ấn Độ từ lâu, đã biến mất trong những thập kỷ gần đây khi các trang trại trở nên cơ giới hóa hơn. Các lĩnh vực khác, đặc biệt là sản xuất, không thể bù đắp.

Alice Evans, giảng viên cao cấp tại King's College London cho biết: “Một khi bạn hết đàn ông, bạn phải thuê một số phụ nữ. Nhưng tình trạng thiếu lao động kiểu đó có lẽ không bao giờ thành hiện thực ở Ấn Độ”.

Các nhà kinh tế cho rằng sự bùng nổ việc làm có thể giúp vượt qua sự kỳ thị xã hội vẫn là rào cản để nhiều phụ nữ đi làm hơn.

Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động dưới 50% trước khi nền kinh tế của họ bắt đầu cất cánh vào những năm 1970 và 1980.

3.jpg
Một xưởng may ở New Delhi toàn là nhân viên nam.

Ngày nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động là khoảng 55% ở Hàn Quốc và 54% ở Nhật Bản, mặc dù nếu loại trừ phụ nữ trên 64 tuổi thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi là 60% ở Hàn Quốc và 74% ở Nhật Bản. Còn ở Ấn Độ, con số này là 25%.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi việc những phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Theo dữ liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc, khi hàng triệu phụ nữ đổ xô đến các nhà máy ở thành phố, tỷ lệ tham gia của phụ nữ đã tăng lên hơn 70% vào đầu những năm 1980.

Khi một quốc gia phát triển đến một mức độ nhất định, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thường giảm xuống do sự giàu có lớn hơn mang lại cho phụ nữ lựa chọn quyết định ở nhà hoặc dành nhiều thời gian hơn để học lên cao. Việc thiếu các lựa chọn chăm sóc trẻ em cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Các nhà kinh tế nói rằng những yếu tố đó đã góp phần làm giảm tỷ lệ phụ nữ đi làm ở Trung Quốc, nơi tỷ lệ phụ nữ đi làm đã giảm từ 73% vào năm 1990 xuống còn 61%. Tỷ lệ này vẫn cao hơn so với nhiều nước phát triển.

Tại Mỹ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã dao động trong hai thập kỷ qua khi nhiều phụ nữ ở lại trường học hơn và những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số bắt đầu nghỉ hưu. Tỷ lệ này là khoảng 56% vào năm ngoái, giảm nhẹ so với gần 59% vào năm 2000, theo Ngân hàng Thế giới.

Đại dịch cũng đã khiến một số phụ nữ rời khỏi lực lượng lao động, nhưng gần đây nhiều phụ nữ đã quay trở lại. Theo Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ phụ nữ từ 25 đến 54 tuổi ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục 77,8% trong tháng 6.

Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Úc đều đã chứng kiến ​​sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ đang làm việc hoặc đang tìm kiếm việc làm kể từ năm 2000.

Một phần nguyên nhân khiến sự sụt giảm của Ấn Độ kể từ năm 2000 khiến các nhà kinh tế lo ngại là tình trạng này xảy ra trước khi nước này thoát khỏi hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình thấp. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ khoảng 2.400 USD, chưa bằng 1/5 của Trung Quốc.

Ở nước láng giềng Bangladesh, công nhân nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp phát triển ngành may mặc. Bangladesh có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động là 38% vào năm ngoái, tăng từ 28% vào năm 2000. GDP bình quân đầu người của nước này đã vượt qua Ấn Độ kể từ năm 2019.

Các nhà kinh tế cho biết so với Ấn Độ, Bangladesh có luật lao động lỏng lẻo hơn, cho phép các nhà máy mở rộng nhanh chóng và không có nhiều quy tắc mạnh mẽ khuyến khích sự tuân thủ xã hội.

NHỮNG THAY ĐỔI

Về phần mình, các quan chức Ấn Độ thì cho biết số lượng tham gia thấp đã bị phóng đại bởi dữ liệu không nắm bắt đầy đủ những gì phụ nữ làm ở đó. Trong báo cáo kinh tế hàng năm mới nhất, chính phủ lập luận rằng những công việc nội trợ không được trả lương như kiếm củi, nấu ăn và dạy kèm con cái nên được tính là công việc hữu ích.

Kanchana Balachandar, 32 tuổi, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và từng làm việc cho một trong những công ty tư vấn hàng đầu của Ấn Độ. Cô đã có một thời gian nghỉ ngơi kéo dài một thập kỷ bắt đầu ngay trước khi kết hôn, sau đó vào năm ngoái cô quyết định muốn quay trở lại với một công việc toàn thời gian. Chồng, bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng đều nhất quyết yêu cầu cô ở nhà chăm sóc con trai.

“Cả 3 bên đều đồng lòng đặt câu hỏi cho tôi: Ai sẽ chăm sóc con của con đây?”, Balachandar, sống ở Chennai cho biết. Kết quả là, Kanchana phải từ chối một số lời mời làm việc do áp lực gia đình.

New Delhi đã nỗ lực mở rộng việc làm cho phụ nữ, bao gồm mở các viện dạy nghề cho phụ nữ và tăng thời gian nghỉ thai sản có lương từ 12 lên 26 tuần. Chính phủ yêu cầu các công ty có ít nhất 50 nhân viên phải có cơ sở giữ trẻ trong nhà.

Deepak Shetty, giám đốc điều hành của JCB cho biết công ty này đã bắt đầu nỗ lực phối hợp để thuê phụ nữ từ hơn một thập kỷ trước, một phần vì công ty nhận thấy rằng phụ nữ làm tốt một số nhiệm vụ sản xuất phức tạp.

Shetty cho biết JCB đã thuê một nhà tâm lý học đến thăm các nhà máy của mình ở Ấn Độ, một phần để tư vấn cho các nhân viên nữ về cách giải quyết áp lực gia đình.

im-836267.jpg
Một phụ nữ tham gia làm việc tại cây xăng ở New Delhi.

Công ty đã thương lượng hợp đồng thuê các căn hộ gần một số nhà máy của công ty vì nhiều phụ nữ muốn sống gần nhau. Họ cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển đến và đi từ nhà máy mỗi ngày. Các hội thảo đã dạy cho nam giới và phụ nữ về những hành vi không phù hợp, chẳng hạn như nói với phụ nữ rằng họ không thuộc về công việc sản xuất.

Tại một trạm xăng ở New Delhi, hầu hết các công việc như đổ xăng và thay dầu đều do một đội gồm 27 phụ nữ đảm nhiệm. Aarti Shakya bắt đầu làm việc tại trạm xăng này cách đây 7 năm sau khi chồng cô bị ốm. “Mặc dù khi đó anh ấy ốm tới mức không thể đi làm nhưng anh ấy vẫn phản đối việc tôi đi làm và kết quả tôi đã phải nghỉ việc sau tám ngày”.

Shakya nghỉ việc về nhà cũng là lúc chồng phải nhập viện và cần tiền để chăm sóc y tế. Bây giờ tiền lương tổng hợp của cả 2 vợ chồng đủ để mua một căn hộ lớn hơn và chi trả học phí trường tư thục cho con gái họ. Mặc dù vậy, Shakya cho biết cô hy vọng con gái mình sẽ không phải làm việc.

Cô nói: “Nếu phụ nữ bước ra ngoài làm việc, mọi người sẽ không nhìn họ với sự tôn trọng. Tốt hơn là họ nên có một cuộc hôn nhân hạnh phúc”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…