Động thái cắt giảm nhập khẩu từ các nhà sản xuất phần cứng lớn dường như phù hợp với cam kết của Thủ tướng Narendra Modi trong việc thúc đẩy sản xuất theo chương trình “Make in India”và định vị Ấn Độ là trung tâm sản xuất công nghệ cao toàn diện, từ điện tử tiêu dùng cho đến chất bán dẫn.
Tuy nhiên, những sắc thái của chủ nghĩa bảo hộ này dường như đang mâu thuẫn với sự háo hức của Ấn Độ trong việc đánh bóng danh tiếng toàn cầu của mình khi nước này chuẩn bị đón tiếp các nhà lãnh đạo từ Nhóm 20 nền kinh tế công nghiệp hoá.
CHÍNH SÁCH MÂU THUẪN
Vào thời điểm khi các liên minh địa chính trị đang nâng tầm quan trọng của Ấn Độ, thì những hạn chế như vậy làm tăng thêm mâu thuẫn mà các nhà đầu tư toàn cầu phải đối mặt khi họ tìm kiếm các giải pháp thay thế khả thi trước một Trung Quốc đang chậm lại.
Các quy định mới - được ban hành vào ngày 3/8 - hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính cá nhân “all-in-one” cũng như máy tính và máy chủ “dạng siêu nhỏ”. Ban đầu chúng có hiệu lực ngay lập tức, nhưng sau đó bị trì hoãn đến tháng 11 năm nay.
Có một số trường hợp miễn trừ, bao gồm cả việc mua hàng một lần từ các nhà cung cấp trực tuyến.
Trả lời trên nền tảng X (trước đây là Twitter), Bộ trưởng công nghệ thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar cho biết các quy định này nhằm đảm bảo rằng hệ sinh thái công nghệ của Ấn Độ chỉ sử dụng các hệ thống đáng tin cậy, được xác minh nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước, từ đó dần giảm bớt sự phụ thuộc về nhập khẩu nước ngoài”.
“Mặc dù động thái này chắc chắn sẽ nâng cao vị thế của các công ty địa phương sánh vai với các doanh nghiệp toàn cầu có hoạt động tại Ấn Độ (chẳng hạn như Apple) nhưng chúng tôi cho rằng việc đưa ra các hạn chế sẽ gây áp lực lên các nhà cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông nước ngoài”, các nhà phân tích của BMI Industry Research của Fitch đã viết trong một ghi chú ngày 8/8.
Họ cảnh báo thêm động thái này sẽ làm tăng thêm chi phí sản phẩm cuối cùng cho các nhà cung cấp nước ngoài và chuyển chi tiêu của người tiêu dùng sang các công ty Ấn Độ hoặc các nhà cung cấp nước ngoài lâu đời có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.
Ba thương hiệu di động hàng đầu ở Ấn Độ hiện nay – Xiaomi và Vivo của Trung Quốc, cùng với Samsung của Hàn Quốc – đã thành lập cơ sở sản xuất tại nước này, cho thấy bất kỳ doanh nghiệp mới nào cũng cần phải hợp tác với một công ty nội địa có kinh nghiệm, có cơ sở sản xuất hoặc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực mới.
Ông Pravin Krishna, giáo sư kinh tế quốc tế tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận xét: “Tôi không muốn gọi nó là một bí ẩn của hệ thống, nhưng nó chắc chắn là một khía cạnh hơi nghịch lý. Theo tôi thấy, chính phủ Ấn Độ có thể khuyến khích sản xuất trong nước theo phương thức liên kết sản xuất thay vì hạn chế nhập khẩu theo cách này”.
Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ của Thủ tướng Modi đã tăng gấp đôi ngân sách ban đầu lên 170 tỷ rupee (2,04 tỷ USD) vào tháng 5 cho chương trình khuyến khích liên kết sản xuất cho phần cứng CNTT đã được phê duyệt vào năm 2021.
ẤN ĐỘ VS TRUNG QUỐC
Các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất cũng là lý do chính dẫn đến quyết định của Apple trong việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ. Foxconn của Đài Loan, nhà lắp ráp chính iPhone của Apple, đã công bố khoản đầu tư 600 triệu USD vào Ấn Độ kể từ đầu tháng 8 như một phần của dự án sản xuất điện thoại và cơ sở thiết bị bán dẫn riêng biệt.
Những nỗ lực của Apple nhằm chuyển hoạt động lắp ráp sản phẩm ra khỏi Trung Quốc trở nên cấp bách hơn trong vài năm qua khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách zero Covid của Bắc Kinh gây ra đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
“Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, sự tăng tốc nhanh chóng của thương mại điện tử, đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine đều khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại chiến lược tìm nguồn cung ứng nước ngoài, đa dạng hóa các tuyến cung ứng và nội địa hóa sản xuất”, bà Sumedha Dasgupta, nhà phân tích cấp cao của Đơn vị Tình báo Kinh tế, nói với CNBC.
“Các nền kinh tế Đông Nam Á như Việt Nam cho đến nay vẫn là nước hưởng lợi chính từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Ấn Độ ngày càng có vị trí tốt để tận dụng những xu hướng này, vì về lâu dài, Ấn Độ là thị trường duy nhất có quy mô tiềm năng tương đương với Trung Quốc”, bà Dasgupta đánh giá.
Chắc chắn rằng, chính phủ của Thủ tướng Modi đã làm nỗ lực rất nhiều để củng cố nền kinh tế Ấn Độ trong thập kỷ mà Đảng Bharatiya Janata nắm quyền, từ tự do hóa các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung mạnh mẽ để cải thiện cơ sở hạ tầng và cả thúc đẩy số hóa.
“Thị trường nội địa rộng lớn và đang phát triển, sự ổn định trong chính trị và các chính sách dài hạn đã thúc đẩy sức hấp dẫn của Ấn Độ đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, hồ sơ nhân khẩu học trẻ tuổi hứa hẹn nguồn lao động dồi dào, kết hợp với quy định lao động ít phiền hà hơn, sẽ giúp hạn chế chi phí lao động sản xuất, trái ngược với tình hình hiện nay ở Trung Quốc”, bà Dasgupta cho biết.
Các động thái thận trọng của chính quyền Modi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đã giúp Ấn Độ tránh được các vấn đề lạm phát hiện đang gây khó khăn cho hầu hết các nước công nghiệp hóa.
GIỚI HẠN ĐẦU TƯ
Bất chấp một số rủi ro, Goldman Sachs vẫn kỳ vọng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075, xếp sau Trung Quốc và đứng trước Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay.
Bị thu hút bởi những dự đoán đầy tích cực như vậy, các nhà đầu tư toàn cầu cũng đã đổ xô vào thị trường chứng khoán Ấn Độ trong năm nay.
Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ là một trong những chỉ số hoạt động khá tốt - tăng hơn 8% từ đầu năm đến nay so với mức giảm gần 2% của chỉ số CSI300 Trung Quốc. Điều này là bởi các nhà đầu tư toàn cầu tìm cách rời khỏi Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và quá trình phục hồi sau Covid-19 không được như mong đợi đã khiến giới đầu tư lo lắng về tiềm năng dài hạn của quốc gia tỷ dân.
Kết quả là, tính đến thời điểm hiện tại, các tổ chức đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 17 tỷ USD vào cổ phiếu Ấn Độ, theo thống kê của Goldman Sachs.
Tuy nhiên, điều tương tự lại không xảy ra với thị trường trái phiếu của Ấn Độ. Kiểm soát vốn có thể hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp Ấn Độ trong thời gian tới.
Các nhà phân tích của S&P Global cho biết, Ấn Độ đã bị loại khỏi một chỉ số trái phiếu chính do lo ngại về sự thiếu hụt của hệ thống thanh toán trái phiếu trong nước và nhận thức rằng các yêu cầu đăng ký của nhà đầu tư cũng như chế độ thuế lãi vốn của Ấn Độ không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
“Việc nới lỏng quy định để các công ty Ấn Độ tăng nợ và vốn chủ sở hữu bên ngoài, cũng như sử dụng rộng rãi hơn ở các thị trường quốc tế lớn sẽ mở rộng nguồn tài trợ cho Ấn Độ. Tốc độ mà thị trường vốn Ấn Độ có thể bắt kịp với các kế hoạch phát triển đầy tham vọng sẽ còn phụ thuộc vào hành động cân bằng của chính phủ giữa kiểm soát vốn và ổn định tài chính”, báo cáo của S&P Global chỉ ra.