Tiêu dùng Ấn Độ có thể trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới vào năm 2027

Theo báo cáo của Fitch Solutions, tiêu dùng của Ấn Độ dự kiến sẽ trở thành thị trường lớn thứ ba thế giới vào năm 2027 khi số lượng hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao tăng lên…

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng Apple mới ở New Delhi, Ấn Độ
Khách hàng mua sắm tại cửa hàng Apple mới ở New Delhi, Ấn Độ

Mặc dù thị trường tiêu dùng của Ấn Độ đang đứng ở vị trí thứ năm trên thế giới, nhưng theo dự đoán của Fitch Solutions, chi tiêu thực tế của các hộ gia đình vào năm 2027 sẽ tăng 29%, giúp quốc gia này leo lên hai bậc trong danh sách.

Trên thực tế, báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng mức tăng trưởng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình Ấn Độ sẽ vượt xa các nền kinh tế châu Á đang phát triển khác như Indonesia, Philippines và Thái Lan ở mức 7,8%.

Nhìn chung, khoảng cách giữa tổng chi tiêu hộ gia đình trên khắp ASEAN và Ấn Độ cũng sẽ tăng gần gấp ba.

Các nhà nghiên cứu của Fitch Solutions ước tính, chi tiêu hộ gia đình của Ấn Độ sẽ vượt quá 3 nghìn tỷ USD khi thu nhập khả dụng tăng 14,6% hàng năm cho đến 2027. Đến lúc đó, dự kiến 25,8% hộ gia đình Ấn Độ sẽ đạt mức thu nhập khả dụng hàng năm là 10.000 USD.

“Phần lớn những hộ gia đình này sống ở các trung tâm kinh tế như New Delhi, Mumbai và Bengaluru. Các hộ gia đình giàu có hơn chủ yếu sống ở khu vực thành thị, giúp các nhà bán lẻ dễ dàng nhắm mục tiêu vào thị trường chính của họ”, báo cáo cho biết thêm.

Dân số trẻ đông đảo của Ấn Độ cũng là động lực thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng lên. Ước tính khoảng 33% dân số cả nước ở độ tuổi từ 20 đến 33 và Fitch Solutions kỳ vọng nhóm này sẽ thúc đẩy chi tiêu cho đồ điện tử.

Trong khi đó, chi tiêu cho truyền thông sẽ tăng trung bình 11,1% hàng năm lên 76,2 tỷ USD vào năm 2027 do tầng lớp trung lưu thành thị có hiểu biết về công nghệ với mức thu nhập khả dụng ngày càng cao sẽ khuyến khích chi tiêu cho các sản phẩm hiện đại như điện tử tiêu dùng.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra ở Ấn Độ cũng sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu của người dân, một phần là bởi các công ty có thể dễ dàng tiếp cận tới khách hàng hơn và mở thêm nhiều cửa hàng bán lẻ thực tế để phục vụ nhu cầu.

Ví dụ, Apple đã mở hai cửa hàng bán lẻ ở Delhi và Mumbai vào tháng 4 vừa qua, song song với công bố của Samsung về việc thành lập 15 cửa hàng trải nghiệm cao cấp trên khắp Ấn Độ vào cuối năm nay tại các thành phố lớn như Delhi, Mumbai và Chennai.

Báo cáo cũng nhấn mạnh thêm rằng các nhà đầu tư toàn cầu như Blackstone Group và APG Asset Management đều đã bơm thêm vốn vào hoạt động kinh doanh trung tâm mua sắm của Ấn Độ để tận dụng xu hướng tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Mỹ công bố áp thuế 25-40% với nhiều nước

Mỹ công bố áp thuế 25-40% với nhiều nước

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã đưa ra tuyên bố về việc nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao theo hình thức "áp thuế đồng loạt", có hiệu lực từ ngày 1/8 tới...

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Cuộc khủng hoảng gạo tại Nhật Bản

Giá gạo tại Nhật Bản liên tục tăng cao do sản lượng sụt giảm và làn sóng quá tải khách du lịch. Những yếu tố này đang đẩy chi phí tiêu dùng lên mức kỷ lục, đồng thời gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương…

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chồng chất thách thức, khi dân số sụt giảm mạnh, thu nhập đình trệ và lượng nhà tồn kho khổng lồ. Những yếu tố này liên tục giáng đòn mạnh vào tâm lý của cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư, khiến triển vọng phục hồi trở nên mờ mịt…

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Quốc hội Iran vừa thông qua nghị quyết cho phép đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 1/5 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển quốc tế…