Meta dọa xóa tin tức khỏi nền tảng của mình nếu dự luật được thông qua. Theo các nguồn thông tin thân cận tóm tắt về vấn đề này cho biết, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang xem xét bổ sung Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí nếu Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm (NDAA) như một cách để hỗ trợ ngành báo chí vốn đang gặp khó khăn. Dự luật truyền thông này là một đề xuất nhằm giúp các tổ chức/đơn vị tin tức có thể liên kết đưa ra đàm phán với các công ty công nghệ như Google và Facebook dễ dàng hơn.
Người phát ngôn của Meta, Andy Stone, trong một bài đăng trên Twitter cho biết công ty sẽ buộc phải xem xét việc xóa tin tức nếu dự luật được thông qua thay vì tuân theo các cuộc đàm phán do chính phủ ủy quyền, “bởi dự luật này coi thường bất kỳ giá trị nào mà chúng tôi [Facebook] cung cấp cho các hãng tin tức thông qua việc thúc đẩy lưu lượng truy cập và đăng ký." Ông Stone nói thêm rằng đề xuất này không nhận ra rằng các nhà xuất bản và đài truyền hình đưa nội dung của họ lên nền tảng vì "nó mang lại lợi nhuận cho họ - chứ không phải ngược lại."
News Media Alliance, một nhóm đại diện cho các nhà xuất bản báo chí, đang thúc giục Quốc hội Mỹ bổ sung dự luật, lập luận rằng "các tờ báo địa phương không thể chịu đựng thêm vài năm bị "lạm dụng" bởi Big Tech. Nếu Quốc hội không hành động sớm, chúng ta có nguy cơ cho phép các trang mạng xã hội trở thành báo chí trên thực tế của nước Mỹ."
Tuy nhiên, hơn hai chục tổ chức bao gồm cả Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ, Trí thức cộng đồng và Hiệp hội Công nghiệp Máy tính & Truyền thông đã kêu gọi Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật truyền thông, nói rằng nó sẽ "tạo ra một sự miễn trừ chống độc quyền cho các nhà xuất bản và đài truyền hình”, đồng thời lập luận rằng dự luật không nói rõ về việc liệu “số tiền thu được thông qua đàm phán có được trả cho các nhà báo hay không”.
Một điều luật tương tự ở Úc - có hiệu lực vào tháng 3/2021, dẫn đến việc tạm dừng đăng tải tin tức trên Facebook ở nước này - phần lớn đã phát huy tác dụng, một báo cáo của chính phủ cho biết. Báo cáo cho biết thêm, kể từ khi Bộ luật thương lượng truyền thông tin tức có hiệu lực, nhiều công ty công nghệ khác nhau bao gồm Meta và Alphabet đã ký hơn 30 thỏa thuận với các hãng truyền thông, đền bù cho họ đối với các nội dung tạo ra cú nhấp chuột và tiền quảng cáo.