Mỹ cũng lúng túng trong việc kiểm soát Uber

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, không chỉ Việt Nam mà cả Mỹ, nơi Uber khai sinh, cũng lúng túng trong việc kiểm soát nền tảng công nghệ này.
Mỹ cũng lúng túng trong việc kiểm soát Uber

Hội thảo "Mô hình kinh tế chia sẻ: Kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam" diễn ra sáng nay (15/12/2017) đã thảo luận về kinh tế chia sẻ và phương hướng giải quyết các vấn đề do mô hình này đem lại. Chương trình do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.

Đến nay, kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở tất cả các châu lục. Doanh thu toàn cầu của các công ty sử dụng mô hình kinh tế chia sẻ hiện đạt 15 tỷ USD, dự báo đến năm 2035 con số này sẽ tăng 22 lần, đạt 335 tỷ USD. Mặc dù phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước nhưng phản ứng chính sách của các quốc gia đối với mô hình này lại rất khác nhau. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nêu ra một số ví dụ.

Ở Hàn Quốc, mô hình kinh tế chia sẻ được coi là công cụ chính sách để giải quyết các vấn đề đô thị như tắc nghẽn giao thông. Chính phủ Hàn Quốc có mục tiêu xây dựng thành phố chia sẻ Seoul. Để làm được điều đó, Hàn Quốc ra quy định thúc đẩy kinh tế chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp với một số tiêu chí nhất định, rà soát sửa đổi luật và quy định hiện hành và thực hiện nhiều biện pháp khác.

Singapore cũng là quốc gia khá cởi mở với mô hình kinh tế mới này. Chính phủ Singapore xem đây là cơ hội để phát triển bền vững, giảm mua sắm và rác thải. Dần dần, các điều chỉnh và các quy định mang tính điều kiện ra đời để vừa thúc đẩy vừa kiểm soát kinh tế chia sẻ. Ví dụ, đối với dịch vụ cho thuê nhà, nước này có quy định về thời hạn cho thuê, giới hạn số người được ở chung trong từng loại nhà.

Tại Úc, cơ quan thuế tích cực giải quyết các vấn đề thuế. Quy định về thuế với mô hình kinh tế chia sẻ là một mục riêng trên website của Cục thuế liên bang.

Tại Việt Nam, câu chuyện về thuế hay cạnh tranh giữa Uber, Grab với taxi truyền thống vẫn rất nóng trong thời gian qua. Có thể thấy, Uber hay Grab chỉ là một ví dụ của nền kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ. Và Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đau đầu với vấn đề này.

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, không chỉ Việt Nam mà cả Mỹ, nơi Uber khai sinh, cũng lúng túng trong việc kiểm soát nền tảng công nghệ này. Tại Mỹ, mỗi bang lại có quy định khác nhau. New York coi đây là một hãng taxi nên buộc phải tuân thủ nhiều điều kiện ngặt nghèo, nhưng rốt cục bang này cũng không quản lý được.

San Francisco cởi mở hơn, coi Uber là loại hình vận tải đặc thù. Chỉ có tại Washington, D.C thì Uber mới được coi là một loại hình hoàn toàn mới, thành phố này có các điều khoản riêng đảm bảo địa vị pháp lý cho Uber. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Uber ở đây khá ổn định.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, nêu quan điểm: “Bản chất của nền kinh tế chia sẻ hết sức bình thường, giống như những hoạt động kinh doanh khác. Chúng ta phải quan tâm đến nó, sống cùng với nó, tận dụng và khai thác nó.” Đối với trường hợp của Uber và Grab tại Việt Nam, ông cho rằng các nền tảng công nghệ này mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người dân, vì vậy không nên cấm mà phải tìm cách kiểm soát.

Thách thức đối với Việt Nam và các nước trên thế giới là đảm bảo nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia. Khi các bên chưa hiểu rõ cấu trúc chi phí và rủi ro mà họ phải chịu thì sẽ sinh ra mâu thuẫn. Ông Thành lấy Uber làm một ví dụ. Tài xế phàn nàn rằng tiền công không xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Trong khi nhìn từ góc độ của Uber, công ty này phải đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường và gánh chịu nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Ông Vũ Tú Thành cho rằng giống như tất các các giao dịch thương mại, dân sự khác, cần có cơ chế quy định lợi ích và rủi ro của các bên tham gia trong mô hình kinh tế chia sẻ. Việt Nam cần xây dựng từ đầu khung pháp lý mới thay vì chỉ “cơi nới” chính sách. Ông nhấn mạnh “Chủ nghĩa cơi nới là kẻ thù lớn nhất của sáng tạo.”

Nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện từ những năm 1990. Tuy nhiên, chỉ sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 thì mô hình này mới thật sự phát triển do nhu cầu chia sẻ tài sản dư thừa để tiết kiệm chi phí kết hợp với sự phát triển của nền tảng công nghệ.

Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) đề cao tính hợp tác hơn tính sở hữu. Với những hàng hóa có giá thành đắt đỏ hoặc việc sở hữu hàng hóa đó bất tiện thì mọi người không có nhiều động lực sở hữu. Việc “chia sẻ” tài sản, dịch vụ có tác dụng giảm chi phí mua sắm mới, tăng hiệu quả sử dụng tài sản và phân phối lại nguồn lực trong nền kinh tế một cách hợp lý.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…