Hiện các cuộc đàm phán để nâng trần nợ không đạt được nhiều tiến triển. Trong khi đó, Mỹ đang đối diện với khả năng vỡ nợ sau 4 tháng nữa.
Trong một báo cáo mới trước phiên điều trần của Quốc hội, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của công ty xếp hạng tín dụng Moody's đã mô tả bế tắc về việc tăng giới hạn nợ là một mối đe dọa tức thời đối với nền kinh tế quốc gia và có thể tác động tiêu cực đến hầu như tất cả người Mỹ.
Mark Zandi, tác giả của báo cáo được đưa ra trong phiên điều trần này cùng với Cristian deRitis và Bernard Yaros, nói với các nhà lập pháp rằng điều quan trọng nhất hiện tại là "tăng, đình chỉ hoặc loại bỏ" trần nợ trước khi Bộ Tài chính hết tiền, điều mà ông ước tính có thể xảy ra vào giữa tháng Tám.
Ông Zandi phát biểu: “Nhiều người có thể bỏ qua vấn đề nợ đang gia tăng khi nghĩ rằng nó sẽ kết thúc giống như những kịch bản khác trong nhiều năm qua với việc các nhà lập pháp đi đến các điều khoản và ký ban hành luật đúng lúc. Suy nghĩ này khả năng là một sai lầm khi tình trạng rối loạn chức năng ngày càng gia tăng trong Quốc hội và sự khác biệt lớn về chính trị đang bao trùm cả nước".
Mark Zandi cũng nghi ngờ ý kiến cho rằng Kho bạc có thể tránh vỡ nợ bằng cách ưu tiên thực hiện các nghĩa vụ của mình, thanh toán một số khoản nợ, chẳng hạn như lãi suất trái phiếu, trong khi vẫn chưa thanh toán các hóa đơn khác. Ông nói: “Các nhà đầu tư trái phiếu, không chắc chắn về cách giải quyết sự không chắc chắn về mặt pháp lý này sẽ yêu cầu mức lãi suất cao hơn nhiều để bù đắp".
“Việc vỡ nợ sẽ là một đòn giáng thảm khốc đối với nền kinh tế vốn đã mong manh,” ông Zandi cho biết và nhấn mạnh: “Thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với nền kinh tế, vì ngay cả trước khi bóng ma về giới hạn nợ bị vi phạm, nhiều CEO và nhà kinh tế tin rằng một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong năm nay".
Moody's ước tính rằng chỉ cần vi phạm giới hạn nợ trong thời gian ngắn cũng sẽ giết chết gần một triệu việc làm và khiến nền kinh tế chìm vào suy thoái "nhẹ". Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,4% vào đầu năm nay lên gần 5%. Các thị trường sẽ bị rung chuyển, xóa sạch một phần tiền tiết kiệm hưu trí của nhiều người Mỹ.
“Có vẻ như đây là thời điểm thích hợp để đưa ra chương trình TARP (Chương trình cứu trợ tài sản gặp sự cố)", Zandi viết trong báo cáo, đề cập đến sự kiện cuối năm 2008 khi Quốc hội ban đầu không thông qua chương trình cứu trợ nhưng sau đó nhanh chóng đảo ngược hướng đi sau khi thị trường lao dốc.
Trong khi đó, Douglas Holtz-Eakin, người điều hành Văn phòng Ngân sách Quốc hội dưới thời chính quyền George W. Bush đã kêu gọi các nhà lập pháp nâng giới hạn nợ càng sớm càng tốt. “Việc không làm như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến vỡ nợ đối với chứng khoán Kho bạc, tạo ra sự sụp đổ tài chính toàn cầu, rủi ro suy thoái và chi phí đi vay của Mỹ cao hơn”, ông nói trong bài phát biểu trước cho ủy ban.
Cũng có những lo ngại tương tự, nhà kinh tế Michael R. Strain của Viện Doanh nghiệp Mỹ nói rằng Quốc hội đang đối diện với rủi ro khi xem nhẹ vấn đề vỡ nợ tiềm tàng. “Việc tăng trần nợ ở phút cuối cùng sẽ là một sự kiện kinh tế và thị trường trọng yếu khiến những người nộp thuế ở Mỹ gặp khó khăn với hàng tỷ USD tiền lãi bổ sung", ông cho biết.
Thật khó để biết chính xác điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ, bởi vì điều này chưa từng xảy ra trước đây. Một điều rõ ràng là bức tranh kinh tế của Mỹ sẽ không tốt đẹp. Một vụ vỡ nợ có thể đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng tài chính lịch sử, kéo phần còn lại của thế giới đi xuống, vì thị trường nợ chính phủ Mỹ là một khía cạnh quan trọng của tài chính toàn cầu.
Nếu xảy ra vỡ nợ, Moody's dự đoán hai kịch bản. Kịch bản đâu tiên là xảy ra trường hợp vỡ nợ ngắn và nhanh chóng dẫn đến việc Quốc hội thông qua tăng trần nợ, khiến Mỹ rơi vào suy thoái nhẹ vào cuối năm khi 1 triệu việc làm bị mất. Khả năng thứ hai là tình trạng vi phạm trần nợ kéo dài, dẫn đến 7 triệu việc làm bị ảnh hưởng và tài sản hộ gia đình giảm 10 nghìn tỷ USD do giá cổ phiếu sụt giảm gần 1/5.