Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang, nhóm 1% các tỷ phú hàng đầu đã kiếm được hơn 6,5 nghìn tỷ USD từ cổ phiếu doanh nghiệp và tài sản quỹ tương hỗ trong đại dịch Covid-19, trong khi 90% người dân bình thường chỉ kiếm được 1,2 nghìn tỷ USD.
Thị phần cổ phiếu doanh nghiệp và quỹ tương hỗ do nhóm 10% người giàu sở hữu đạt mức cao kỷ lục trong quý II, trong khi 90% người Mỹ chỉ nắm giữ khoảng 11% cổ phiếu riêng lẻ, giảm so với mức 12% trước đại dịch.
Thị trường chứng khoán, đã tăng gần gấp đôi kể từ đợt giảm tháng 3/2020 và tăng gần 40% kể từ tháng 1/2020, là nguồn đầu tư sinh lợi hàng đầu tại Mỹ trong thời kỳ đại dịch - đồng thời là động lực chính thúc đẩy sự bất bình đẳng giàu nghèo. Theo dữ liệu của Fed, tổng tài sản của nhóm 1% hiện đạt mức cao kỷ lục 32%. Gần 70% tài sản của họ tăng lên trong một năm rưỡi qua - một trong những mức tăng tài sản nhanh nhất trong lịch sử - đến từ cổ phiếu.
Trong thời kỳ đại dịch, riêng tại Hoa Kỳ đã có thêm hàng triệu nhà đầu tư mới lần đầu tiên tham gia vào thị trường chứng khoán. Robinhood đã thêm hơn 10 triệu tài khoản mới trong hai năm qua và hiện có hơn 22 triệu người dùng - nhiều trong số đó được nắm giữ bởi các nhà đầu tư trẻ tuổi.
Tuy nhiên, mặc dù cổ phiếu có thể được sở hữu rộng rãi hơn, nhưng lợi ích và sự giàu có mà nó tạo ra không được phân phối tương tự. Ông Rosenthal nói rằng mặc dù đội quân các nhà đầu tư mới có thể rất nhiều, nhưng họ cũng vẫn còn nhỏ, với quy mô tài khoản trung bình tại Robinhood vào khoảng 4.500 USD. Khi thị trường tăng, họ sẽ thu được lợi nhuận USD nhỏ hơn nhiều so với các nhà đầu tư giàu có với hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu cổ phiếu đang nắm giữ.
“Nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi cũng đã mua với mức giá cao hơn, so với những nhà đầu tư lớn đã tham gia thị trường trong nhiều năm và nhận được mức lợi nhuận lớn hơn.”
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mới có tâm lý “chơi lướt sóng” - mua và bán cổ phiếu một cách nhanh chóng, với hy vọng sớm thu được lợi nhuận. Mặc dù chiến lược này có thể tạo ra những người thắng lớn, nhưng cũng có những người chỉ nhận được lợi nhuận thấp hơn nhiều so với chiến lược của các nhà đầu tư có kinh nghiệm chỉ đơn giản là mua và nắm giữ trong dài hạn.
Nhóm 10% người giàu nhất nước Mỹ đã chứng kiến giá trị cổ phiếu của họ tăng 43% trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021, theo Fed. Nhóm 90% còn lại có tỷ lệ thấp hơn - 33%.
“Họ có thể chiếm tỷ trọng lớn hơn trong hoạt động giao dịch, nhưng quyền sở hữu và sự giàu có thì lại khác,” Rosenthal nói.