Mỹ tự tin tiến tới không phát thải, châu Âu trở lại với... than đá

Tiếp sau công bố của California, bang New York cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các phương tiện không phát thải ở tất cả mọi hạng xe trong vòng 5 năm tới.
Mỹ tự tin tiến tới không phát thải, châu Âu trở lại với... than đá

Nhắc lại những cam kết của bang California về vấn đề khí thải, Thống đốc New York Kathy Hochul đã thông báo về việc New York sẽ yêu cầu tất cả “xe du lịch, xe bán tải và SUV” được bán tại bang này kể từ năm 2025 sẽ phải là những mẫu xe không phát thải. 

California "phất cờ"

Và bên cạnh lệnh cấm bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hoá thạch, bà Kathy Hochul cũng đã công bố một loạt sáng kiến ​​mới cho bang, bao gồm mục tiêu 35% ô tô mới được bán ra là phương tiện không phát thải vào năm 2026 và đạt 68% vào năm 2030. Một sáng kiến nhỏ khác giúp đạt được những con số tiêu chuẩn về phát thải cũng sẽ bao gồm việc chuyển đổi sang xe buýt không phát thải cho trường học vào năm 2027.

Để giúp các tài xế thực hiện chuyển đổi, 10 triệu USD sẽ được đầu tư vào chương trình “Drive Clean Rebate”, cung cấp cho các tài xế khoản giảm giá lên tới 2.000 USD khi mua xe. Cơ quan Điện lực New York gần đây đã hoàn thành việc lắp đặt bộ sạc tốc độ cao thứ 100 ở bang cho phép xe điện sạc trong vòng 20 phút và bang sẽ đầu tư tổng thể hơn 1 tỷ USD vào các phương tiện không phát thải ở mọi hạng xe trong năm năm tới.

xe không phát thải

Chúng tôi đang thực sự đẩy nhanh và tăng cường nỗ lực của bang để đảm bảo rằng New York sẽ có được sự chuyển đổi này một cách tối ưu nhất. Đây không phải là lời hứa về một ngày nào đó trong tương lai, mà là vào một ngày cụ thể, một năm cụ thể,” Thống đốc Hochul nhấn mạnh trong một cuộc họp với báo giới. 

Vào năm 1970, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Không khí Sạch, cho phép bang California tự đặt ra luật khí thải cao hơn so với mức chung của Liên bang, do mức độ ô nhiễm không khí đáng lo ngại vào thời điểm đó. Theo Đạo luật, bất kỳ động thái thực thi quy tắc khí thải nào của các tiểu bang khác sẽ phải dựa trên căn cứ các quy tắc đã áp dụng tại California.

TT Hoa Kỳ Joe Biden là một trong số những nhà lãnh đạo thế giới tích cực tuyên truyền và đưa ra cam kết chống biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cả lời hứa nhanh chóng chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe của chính phủ sang xe điện không phát thải để làm gương. Vào năm ngoái, ông Biden đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ thống nhất chỉ mua các loại xe không phát thải do Mỹ sản xuất vào năm 2027 và các phiên bản chạy điện của các loại xe khác vào năm 2035.

"Chúng tôi sẽ khai thác sức mua của chính phủ liên bang để thúc đẩy sự phổ biến của các loại xe sạch, không phát thải", TT Biden từng nói ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021.

Andrew Mayock, giám đốc phát triển bền vững liên bang của Nhà Trắn cho biết điện khí hóa toàn bộ đội xe của chính phủ sẽ là “nền tảng” trong nỗ lực của TT Biden để khử phát thải carbon trong chính phủ liên bang. “Tương lai là điện khí hoá và chính phủ liên bang đã xây dựng một nền tảng vững chắc cho hành trình mà chúng ta đang triển khai trong thập kỷ tới.”

Khoảng 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Hoa Kỳ đến từ lĩnh vực giao thông vận tải, khiến nó trở thành nguồn phát thải làm nóng hành tinh lớn nhất trong cả nước.

Châu Âu không có quyền lựa chọn

Không thể tiếp tục duy trì chiến lược giảm phát thải như điều Mỹ đang làm, châu Âu lại đang phải quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch như than đá để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Than đá vốn có tác động xấu đến môi trường, được Greenpeace mô tả là “cách sản xuất năng lượng bẩn nhất, ô nhiễm nhất hiện nay.”

phát thải ô nhiễm

Mới đây, công ty năng lượng Đan Mạch Orsted cho biết họ sẽ khởi động lại hoạt động của ba cơ sở sử dụng nhiên liệu hóa thạch sau khi được cơ quan quản lý yêu cầu, khi các chính phủ trên khắp châu Âu buộc phải tìm kiếm phương án B trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn.

Vài ngày trước thông báo của Orsted, RWE một công ty năng lượng lớn của Đức cho biết ba đơn vị sử dụng than nâu của họ, sẽ “tạm thời quay trở lại thị trường điện để tăng cường an ninh cung cấp và tiết kiệm khí đốt trong sản xuất điện”.

Không chỉ vậy, người dân các nước Đức, Hà Lan, Bỉ... đã chuyển sang tích trữ củi như một biện pháp sưởi ấm thay thế. Hungary đã tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu củi, đồng thời nới lỏng một số hạn chế đối với việc khai thác gỗ.

Nga là nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất cho EU vào năm ngoái, theo Eurostat. Chính phủ của TT Putin đã giảm đáng kể nguồn cung khí đốt tự nhiên đến châu Âu sau khi các quốc gia phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin để đáp trả cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng. 

Có thể bạn quan tâm