Myanmar đang dần "kém hấp dẫn" vì cuộc đảo chính?

Các chuyên gia thương mại dự báo, cuộc đảo chính ở Myanmar có khả năng khiến một số công ty quốc tế lớn rút lui đồng thời làm giảm sự quan tâm của phương Tây trong việc đầu tư vào Myanmar.
Myanmar đang dần "kém hấp dẫn" vì cuộc đảo chính?

Trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng thương mại hàng hóa giữa Myanmar và Hoa Kỳ lên tới gần 1,3 tỷ USD, tăng từ 1,2 tỷ USD trong cả năm 2019, theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ. Panjiva, đơn vị nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence cho biết, các sản phẩm quần áo và giày dép chiếm khoảng 41% tổng nhập khẩu hàng hóa, tiếp theo là va li - chiếm gần 30% và cá - chỉ chiếm hơn 4%. 

Nhà sản xuất hành lý Samsonite và nhà sản xuất quần áo tư nhân LL Bean là một trong những nhà nhập khẩu lớn, cùng với H&M và Adidas, Panjiva cho biết. 

Ngân hàng Thế giới báo cáo, tổng cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Myanmar đã tăng 33% lên 5,5 tỷ USD trong năm tài chính 2019/2020, dẫn đầu là Singapore và Hồng Kông, nhưng cảnh báo rằng triển vọng không còn khả quan do đại dịch và diễn biến thị trường.

Hôm qua, quân đội Myanmar đã trao quyền cho Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, nói rằng họ đang phản ứng lại với những gì họ đánh giá là gian lận bầu cử.

Động thái này làm dấy lên sự bất bình từ các nhà lãnh đạo phương Tây và có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mới từ chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời đặt ra câu hỏi về tình hình của một triệu người tị nạn Rohingya.

Lucas Myers, nhà phân tích của Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson cho biết, cuộc đảo chính sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Myanmar từ sau các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt vào tháng 12/2019 và sẽ làm phức tạp thêm quan hệ thương mại song phương. “Về thương mại, các vấn đề liên quan đến người Rohingya và hồ sơ nhân quyền đầy khó khăn của Myanmar đã khiến việc đầu tư vào kém hấp dẫn hơn đối với các công ty phương Tây so với Trung Quốc.”

William Reinsch, chuyên gia thương mại của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét các công ty Hoa Kỳ có thể chọn cách rút khỏi Myanmar, khi mà những cam kết và kế hoạch của chính quyền Biden tập trung nhiều hơn vào nhân quyền.

Trong khi một số công ty Mỹ đã chuyển dây chuyền cung ứng từ Trung Quốc sang Myanmar trong những năm gần đây để tận dụng lợi thế của mức lương lao động thấp, tuy nhiên sự thiếu hụt trong cơ sở hạ tầng và rắc rối chính trị đã khiến đầu tư không thể bùng nổ như kỳ vọng. 

Hầu hết các hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ tại Myanmar đều nằm trong ngành thâm dụng vốn tương đối thấp và có thể được di dời khá dễ dàng, ngay cả khi làm như vậy sẽ mất nhiều thời gian. 

Stephen Lamar, chủ tịch Hiệp hội Quần áo & Giày dép Hoa Kỳ, cho biết nhiều thành viên của nhóm thương mại đã kinh doanh ở Myanmar và nhận thấy cuộc đảo chính có vô cùng đáng lo ngại. “Chúng tôi kêu gọi sự khôi phục đầy đủ và ngay lập tức các quyền và thể chế dân chủ. Trái tim và những lời cầu nguyện của chúng tôi hướng tới người dân Myanmar, hy vọng cho một giải pháp nhanh chóng, hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng này - một giải pháp không làm mất đi những tiến bộ kinh tế mà người dân Myanmar chăm chỉ đạt được”.

Người phát ngôn của H&M chia sẻ, công ty đang theo dõi các sự kiện và giữ liên hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp, nhưng chưa có kế hoạch thay đổi chiến lược cung ứng của mình ngay lập tức.

Nguồn: Reuters

Có thể bạn quan tâm