Các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á có thể sẽ “kén chọn” nhiều hơn các doanh nghiệp mà họ sẽ rót vốn đầu tư trong năm tới với việc định giá lao dốc và những “cơn gió ngược” kinh tế làm chậm tốc độ tăng trưởng vào năm 2022.
Yinglan Tan, Giám đốc điều hành và đối tác quản lý sáng lập tại Insignia Ventures Partners có trụ sở tại Singapore cho biết: “Kỷ nguyên kiếm tiền dễ dàng giờ chỉ còn là lịch sử”.
Theo công ty dữ liệu Crunchbase, các công ty được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm chỉ huy động được 369 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2022, khác xa so với kỳ tích phá kỷ lục năm 2021 với 679,4 tỷ USD được đầu tư trên toàn cầu — tăng 98% so với cùng kỳ năm 2020.
Jeffrey Joe, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Alpha JWC Ventures có trụ sở tại Indonesia nhận định: “Điều quan trọng nhất cần chú ý trong năm tới là cách các công ty phát triển, bảo vệ giá trị của họ và tồn tại trong môi trường đầy thách thức.”
Theo ông Jussi Salovaara, đồng sáng lập và đối tác quản lý của Châu Á tại Antler cho biết: “Hầu hết các quỹ đều có vốn để triển khai nhưng họ lại thận trọng hơn trong việc lựa chọn một danh mục xứng đáng".
‘Vòng quay tiền tệ’
Các cổ phiếu công nghệ đã sụt giảm vào đầu năm trong bối cảnh lãi suất tăng và kết quả thu nhập đáng thất vọng. Startup ở Đông Nam Á phần lớn vẫn chưa có lãi, với những cái tên như Sea Group và Grab hứng chịu hàng tỷ thiệt hại hàng năm.
Peng. T Ong, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại Monk's Hill Ventures cho biết: “Trong 10 năm qua, đó là đầu tư FOMO (fear of missing out - sợ bỏ lỡ)”, đề cập đến cách các nhà đầu tư tên tuổi đổ tiền vào sàn giao dịch tiền điện tử FTX đã sụp đổ vì “sợ bỏ lỡ”.
Các công ty công nghệ Đông Nam Á đã mất hầu hết giá trị kể từ khi lên sàn. Gã khổng lồ thương mại điện tử Sea được niêm yết trên NYSE chứng kiến mức vốn hoá thị trường sụt giảm xuống mức khoảng 30 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với 200 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Mức định giá 400 nghìn tỷ rupiah (28 tỷ USD) của GoTo cũng đã giảm hơn 75% kể từ khi lên sàn ở Jakarta vào tháng 4, trong khi Grab đã mất 69% so với mức định giá ban đầu khoảng 40 tỷ USD kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2021.
“Chúng ta phải trở lại với thực tế. Bạn cần có một con đường dẫn đến lợi nhuận. Bạn cần phải ‘sống sót mặc định’,” ông Ong nhấn mạnh, sử dụng thuật ngữ để chỉ các công ty có thể kiếm được lợi nhuận trước khi hết tiền. “Bạn cần phải có biên độ đóng góp tích cực. Đây là những điều lẽ ra chúng ta phải nói từ đầu, nhưng lại quá bị cuốn vào vòng quay tiền tệ.”
Các công ty đầu tư mạo hiểm đã và đang thúc đẩy các công ty trong danh mục đầu tư của họ mở rộng phân ngành, vì sự không chắc chắn đang ở phía trước.
“Các nhà đầu tư đang dành nhiều thời gian và số vốn có thể triển khai để hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của họ,” ông Yinglan Tan của Insignia cho biết.
“Không phải là chúng tôi không quan tâm đến khả năng sinh lời,” ông Jeffrey Joe của Alpha JWC Ventures lưu ý. “Nhưng hầu như không có công ty khởi nghiệp nào có lãi trong 5 năm đầu tiên. Có lẽ sự thay đổi trong suy nghĩ là chúng ta hãy thận trọng hơn trong việc tìm kiếm con đường phát triển. Họ không cần phải có lãi ngay bây giờ, miễn là sử dụng vốn hiệu quả và có kinh tế đơn vị vững mạnh.”
Tuy nhiên, bối cảnh gây quỹ khô khan hiện nay là phép thử cho thấy tính bền vững thực sự của các mô hình kinh doanh và nhu cầu của ngành.
“Những công ty thực sự tồn tại qua mùa đông này sẽ chứng tỏ là những công ty vẫn sống sót khi tình trạng thị trường đi xuống. Vì vậy, theo một cách nào đó, thị trường đang làm rất nhiều việc cho chúng tôi,” Jessica Koh, giám đốc đầu tư của Vertex Ventures cho biết.
Một số lĩnh vực như thương mại nhanh - dịch vụ hứa hẹn sẽ đặt hàng đến tận tay khách hàng trong vòng chưa đầy 30 phút - đã chứng kiến “thương vong”.
Công ty thương mại nhanh Bananas của Indonesia đã thông báo đóng cửa hoạt động kinh doanh vào tháng 10 sau khi không thể đáp ứng được kỳ vọng. Công ty lần đầu tiên được ra mắt vào tháng Giêng.
Bên cạnh đó, công ty tạp hóa điện tử HappyFresh có trụ sở tại Indonesia cũng đã dừng hoạt động tại Malaysia sau 7 năm, trong khi Grab cũng dịch vụ thương mại nhanh GrabMart Kilat tại Indonesia. Trên bình diện quốc tế, một số công ty – Gopuff, Gorillas, Jiffy, Getir, Zapp và Buyk – đều đã tuyên bố đóng cửa, thay đổi chiến lược hoặc sa thải nhân viên.