Năm mới chờ tân Tổng thống Joe Biden

Năm 2020 là năm chính trường Mỹ đầy biến động. Bầu cử tổng thống diễn ra theo cách chưa có tiền lệ. Người tiến khó tiến và người thoái không muốn thoái. Đại dịch COVID-19 bùng nổi càng khiến cho quốc gia hùng mạnh này đối mặt với càng nhiều khó khăn.
Năm mới chờ tân Tổng thống Joe Biden

Vì sao Donald Trump thất cử?

Bốn năm trước, ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng trong tiếng reo hò của những người ủng hộ ông – một lực lượng cử tri hùng hậu đang chán ghét sự nhàm chán nền chính trị Mỹ truyền thống. Chiến thắng của một tỷ phú có tiếng là “không khoan nhượng bất cứ ai và bất cứ điều gì” khi đó đã gây ngỡ ngàng cho không ít người, ở cả trong và ngoài nước Mỹ.

Bốn năm cầm quyền đã cho người dân Mỹ nhìn thấy hết những điểm mạnh và yếu của ông. Và ông đã bị đánh bại, trở thành một trong bốn vị tổng thống đương nhiệm duy nhất trong kỷ nguyên hiện đại không được tái đắc cử (trước đó là George H.W. Bush, Jimmy Carter và Gerald Ford).

Câu hỏi đặt ra: Vi sao ông Trump bị đánh bại?

Nền chính trị Mỹ, trong quá khứ, nghệ thuật điều đình và đối thoại với tôn trọng để đi tới thỏa hiệp, đã giúp cho nước Mỹ lớn mạnh vì tính chất đoàn kết chung. Chỉ mới nhiều năm gần đây, nghệ thuật đó đã mất đi, nhường chỗ cho hai thái cực chọi nhau, ngày càng lớn, đến độ không ai tin ai. Mỗi nhóm có tư tưởng trong thế giới của chính họ, và đòi hỏi của chính họ.

Công bằng mà nói sự phân hóa và chia rẽ giữa hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) đã diễn ra từ trước thời Donald Trump, nhưng ông vừa là tác nhân vừa là sản phẩm của sự chia rẽ, làm cho hố phân cách càng lớn.

Theo một khảo sát, 73% người theo đảng Cộng hòa và Dân chủ bất đồng với nhau về những vấn đề cơ bản, 60% cử tri Mỹ của Đảng này nghĩ rằng người của đảng kia là mối đe dọa với Mỹ. Cứ 5 người Mỹ thì có một người cho rằng bạo lực là chính đáng nếu đảng kia thắng cử. Đó là tâm thế cực đoan.

4 năm dưới chính quyền Trump, xã hội đã phân hóa thành phe “cuồng Trump” và phe “chống Trump”, gây chia rẽ trong cộng đồng và gia đình cộng với hệ quả của đại dịch corona làm hơn 24 triệu người Mỹ bị lây nhiễm và hơn 400 ngàn người chết, gây tâm lý hoang mang lo sợ. Đồng thời những biến động về dân số trong cộng đồng làm xung đột sắc tộc trở thành bạo lực và khủng hoảng (như phong trào BLM) đã làm cho Trump thất thế trong cuộc đua tranh đến chiếc ghế Nhà Trắng lần thứ 2 của ông.

Năm mới chờ tân Tổng thống Joe Biden ảnh 1

Trước khi virus cập bến, các dấu hiệu sống còn trên chính trường của Trump vẫn rất mạnh mẽ. Ông đã“sống sót” qua phiên tòa luận tội. Phần trăm chấp thuận ông cao hơn bao giờ hết - 49%. Ông có thể lấy làm kiêu hãnh về một nền kinh tế mạnh mẽ và lợi thế khi đương nhiệm: hai yếu tố sóng đôi thường giúp giữ chắc chiếc ghế tổng thống cho nhiệm kỳ thứ hai. Thông thường, bầu cử tổng thống sẽ đặt ra một câu hỏi đơn giản: đất nước hiện tại có tốt hơn so với bốn năm trước hay không? Sau khi COVID-19 ập đến, kéo theo khủng hoảng kinh tế sau đó, dường như đây là điều bất khả.

Nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống của Trump lụn bại bởi virus corona. Các đời tổng thống thường trở nên nổi bật hơn sau khi đất nước rung chuyển. Những điều vĩ đại cũng có thể hiển lộ từ trong khủng hoảng. Điều này đúng với Franklin Delano Roosevelt, người đã giải cứu nước Mỹ khỏi Đại suy thoái và khiến ông trở nên bất bại trên chính trường. Phản ứng ban đầu của George W Bush với các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 cũng đã thúc đẩy danh tiếng của ông, và giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Vì vậy, không thể nói COVID -19 đặt dấu chấm hết cho Donald Trump. Công bằng mà nói, chính việc xử lý không thành công với cuộc khủng hoảng đã góp vào sự thất bại của ông.

Vì sao Joe Biden được lựa chọn?

Chiến lược chính của ông Biden là “Lấy lại linh hồn của nước Mỹ”. Vì thế ông để cho Tổng thống Trump tự vận động chống lại chính ông Trump, qua những trình diễn công chúng của ông, và hậu quả của chính ông tạo ra. Từ cách đối phó dịch, cho đến đối phó con người.

Ông Biden vẫn “vận động từ hầm nhà ông”, biểu tượng cho cách đối phó tránh dịch có trách nhiệm của ông.

Ông không cho người của ông đi gõ cửa từng nhà vì sẽ có tiếp xúc trong đại dịch, trái với phía đảng Cộng Hòa. Ông kiên định chiến lược gìn giữ tư cách, nhân phẩm của ban vận động tranh cử của ông, biểu tượng cái gì đẹp nhất của nước Mỹ, để cho người dân thấy sự khác biệt giữa 4 năm rối loạn vừa qua, và bức hình tương lai ông làm tổng thống.

Khi Tổng Thống Trump bị dính COVID-19, ông Biden lúc đó, đã không đánh người ngã ngựa. Ngược lại, ông đã ra lệnh lấy tất cả các quảng cáo truyền hình có tính cách tấn công ông Trump xuống, trong hai tuần ông Trump dưỡng bệnh.

Ông là một con người ôn hòa. Ông được biết là người có thể đưa nhiều người tư tưởng bất đồng ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề. Ông đã chứng tỏ quyết tâm khắc phục bệnh nói lắp, ông có quyết tâm đi theo con đường của ông đến cùng. Ông là người ưu tiên sự đoàn kết và rất hiểu đất nước Mỹ cần gì trong lúc này, mặc dù điều này gần như không thể xảy ra với tình trạng xanh nước, đỏ lửa rõ nét như hiện nay.

Những thách thức lớn đang chờ tân Tổng thống Biden

Theo nhà ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quang Dy, thách thức đầu tiên mà chính quyền Biden phải đối mặt là tình trạng phân hóa và chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ mà một số người lo ngại có nguy cơ “nội chiến”. Trong diễn văn tuyên bố thắng cử, ông Biden nhấn mạnh đến mục tiêu đoàn kết để “hàn gắn” (healing) và hợp tác, nhưng chuyển giao quyền lực (trước mắt) và hợp tác (về lâu dài) trong quốc hội chắc sẽ khó khăn.

Tuy ông Trump đã thất cử, nhưng Trumpism vẫn tồn tại, với hội chứng “nước Mỹ trên hết”, nên chính quyền Biden dễ trở thành “vịt què”(lame duck).

Thách thức lớn thứ hai là hệ quả của đại dịch coronavirrus trong năm qua không chỉ làm số người lây bệnh và bị chết đứng đầu thế giới (tuy chưa dừng lại), mà còn làm cho kinh tế suy thoái và bộc lộ những góc khuất yếu kém về quản trị của chính quyền Trump. Nhiều cử tri Mỹ hy vọng chính quyền Biden coi đây là ưu tiến cấp bách để xử lý tốt hơn, ngay trong năm đầu. Vì vậy, đối với chính quyền Biden, đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội.

Thách thức lớn thứ ba là suy thoái kinh tế do đại dịch cũng như chiến tranh thương mại và các nguyên nhân khác. Đây là một thách thức to lớn đối với bất cứ chính quyền nào (Cộng hòa hay Dân chủ), nhưng chính quyền Trump làm khá tốt cho đến đầu năm (khi có dịch). Tuy ông Biden nhấn mạnh đến vai trò của tầng lớp trung lưu (middle class), nhưng trong tranh luận vừa rồi, vẫn chưa thấy ông đưa ra một kế hoạch phục hồi kinh tế có sức thuyết phục.

Năm mới chờ tân Tổng thống Joe Biden ảnh 2

Về đối ngoại, tuy chưa phải là vấn đề cấp bách nhất, nhưng chắc chính quyền Biden sẽ ưu tiên củng cố quan hệ đồng minh vốn đã bị rạn nứt dưới chính quyền của Trump.

Đối với Trung Quốc, Biden cũng cho rằng Mỹ phải cứng rắn vì “đó là thách thức đặc biệt”. Chính quyền Biden chắc không thay đổi mục tiêu chiến lược mà chính quyền Trump đã định hình, nhưng có thể khác về phong cách và mức độ.

Đối với Việt nam quan hệ đối tác toàn diện (Comprehensive - Partnership) đã phát triển thêm một bước dài dưới thời cựu Tổng thống Trump, tiệm cận với đối tác chiến lược "trên thực tế" gồm hợp tác kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Đây cũng là một "di sản về đối ngoại" của chính quyền Trump mà chính quyền Biden chắc sẽ tiếp quản và tiếp tục với một số điều chỉnh theo phong cách của Biden, nhất quán hơn.

Theo Anne-Marie Slaughter (New America), các trụ cột trong chính sách đối ngoại của Biden có thể gồm ba chữ D (3D) là Domestic (Đối nội), Deterrence (Răn đe) và Democracy (Dân chủ).

Về khu vực Indo-Pacific Tự do Rộng mở (FOIP) và Biển Đông, chắc chính quyền Biden sẽ duy trì khuôn khổ đối tác chiến lược với đồng minh khu vực như “Bộ Tứ” (Quad) và “Bộ Tứ mở rộng” cũng như với ASEAN, như một “di sản đối ngoại” của chính quyền Trump. Biden có thể điều chỉnh một chút cho gần với mô hình “chuyển trục sang Châu Á” (Pivot) hay “tái cân bằng” dưới thời Obama, và mô hình hợp tác“TPP- 12” (như “trở về tương lai”).

Nói gì thì nói Donald Trump sẽ tiếp tục là nhân vật chủ đạo của phong trào bảo thủ trong nhiều năm tới. “Chủ nghĩa Trump” có thể dẫn đến một hiệu ứng chuyển đổi trở thành chủ nghĩa bảo thủ của người Mỹ tương tự như “chủ nghĩa Reagan”.

Vị tổng thống mãn nhiệm này sẽ tiếp tục là một nhân vật nổi bật được đông đảo công chúng biết đến và có thể sẽ tái tranh cử vào năm 2024. Những tiểu bang bị phân rẽ này không ngẫu nhiên sau một đêm mà đoàn kết trở lại, ít nhất là có rất nhiều người Mỹ sẵn sàng dung chứa những khác biệt tâm tư tình cảm đó với Trump, từ sùng bái cho đến thù ghét.

Và đó cũng là khó khăn, thách thức không hề nhỏ của tân Tổng thống Joe Biden

Có thể bạn quan tâm

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Elon Musk sắp tiếp quản TikTok?

Theo một báo cáo mới đây từ Bloomberg, các nhà chức trách tại Trung Quốc đang cân nhắc về khả năng bán TikTok Mỹ cho tỷ phú Elon Musk…

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…