Một chi tiết nhỏ khá thú vị là thông thường báo giới nước ngoài đi đâu cũng khá cẩn thận mang theo nước uống của mình, nhưng đến Nàng tấm... họ yên tâm dùng cả thức uống do bà chủ tự pha chế.
Nhân dịp cơm Nàng Tấm vừa được nhận Giải thưởng thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt năm 2019 và cũng là DN duy nhất tại Việt Nam được nhận giải thưởng về lĩnh vực ẩm thực Việt - Cơm Tấm. Thương Gia có cuộc trao đổi với doanh nhân Nguyễn Thị Thu Thủy - Giám đốc cơm Nàng Tấm (Bắc Giang).
Được biết chị bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp, hẳn phải có lý do gì thật đặc biệt khiến chị chuyển sang kinh doanh ẩm thực?
Lý do “đặc biệt” của tôi thật ra rất đơn giản, xuất phát từ việc chồng tôi thích... ăn cơm tấm. Mỗi lần ăn là mua cả chục xuất cơm cho cả nhà.
Thời điểm đó, mặc dù khá bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng tôi vẫn luôn giữ vị trí là “đầu bếp” của gia đình, là người tự tay chuẩn bị những bữa cơm cho chồng và các con. Sống ở TP Hồ Chí Minh nhiều năm, tôi đã từng ăn rất nhiều loại cơm tấm, ngon có, dở có, và tất nhiên là nhiều lúc khó có thể đúng ý mình. Tôi nghĩ, tại sao lại không làm theo ý thích của riêng mình? Tại sao không có một món cơm tấm của riêng tôi để chồng mình không còn phải đặt cơm ngoài hàng?... Và tôi bắt đầu tìm hiểu làm thế nào cho món cơm tấm thật hấp dẫn, trước mắt chỉ là để phục vụ cho chính gia đình mình.
Tôi làm cơm tấm cho gia đình ăn, sau đó mời bạn bè cùng thưởng thức. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon, lạ và hấp dẫn. Thế là tôi nảy sinh ý định kinh doanh lĩnh vực này, trước là đáp ứng nhu cầu của chồng và gia đình... sau là phục vụ khách hàng. ăn uống là nhu cầu cơ bản của con người, khi mức sống càng phát triển, yêu cầu về ăn uống của họ càng cao. Tôi nghĩ nếu làm đẹp thì 1 tháng khách chỉ đến với mình 1 hoặc 2 lần, còn ăn uống thì ai cũng phải ăn và ngày nào cũng phải ăn nên cuối cùng tôi quyết định bỏ nghề làm đẹp và chuyển hẳn sang nghề “đầu bếp” và lĩnh vực ẩm thực.
Chị có gặp khó khăn khi mới vào nghề?
Thú thực, ban đầu khi mới mở nhà hàng tôi có cũng chút lo lắng, tuy nhiên dường như thần may may mắn đã mỉm cười, và tới thời điểm này có thể nói tôi đã thành công. lượng khách đến ngày càng đông.
Chỉ sau 1 năm tôi đã thu hồi được số vốn đầu tư. Sự thành công ấy càng đặc biệt khi biết rằng Nàng Tấm đặt tại Bắc Giang, chứ không phải ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.
“Thành công của người đầu bếp là tạo ra món ăn làm hài lòng thực khách và người làm nghề bếp phải có cái tâm mới tạo ra được tinh hoa của ẩm thực.
Mang một “đặc sản” vốn gắn với Sài Gòn ra phía Bắc, không phải ở Hà Nội như thường thấy mà lại là Bắc Giang, một thành phố khá nhỏ. Chị làm thế nào để chinh phục được khách hàng và xây dựng được thương hiệu Nàng Tấm như hiện nay?
Tôi luôn xác định rằng “thành công của người đầu bếp là tạo ra món ăn làm hài lòng thực khách, và người làm nghề bếp phải có cái tâm mới tạo ra được tinh hoa của ẩm thực”. Và điều này đã được thể hiện trong những đĩa cơm tấm chúng tôi phục vụ khách hàng. Để món cơm tấm thực sự ngon, hấp dẫn khách hàng, có 3 thứ quyết định, đó là: gạo, thịt và nước mắm.
Về gạo, mặc dù điểm kinh doanh cơm nàng tấm ở Bắc Giang khu vực miền Bắc, nhưng tôi đặt mua gạo tấm ở miền Nam, cụ thể là vùng miền tây Tiền Giang, nước cốt dừa dùng ướp thịt tôi đặt ở Bến Tre, nước mắm phải là nước mắm chắt ở Phú quốc. loại thịt heo tôi đích thân chọn lựa nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, thịt heo tại Nàng Tấm chỉ dùng trong ngày. Ngoài ra, món cơm Nàng Tấm của tôi còn có những “món phụ” mà không quán nào có. Đó là món rau củ quả và dưa ăn kèm, giúp cho người dùng không bị ngán. Thêm vào đó, một chén canh rau nấu với nước hầm với xương và thịt cũng giúp “đưa cơm” hơn.
Tại Nàng Tấm, còn một đặc sản “không thể bỏ qua” nữa là món cơm cháy ăn với mắm kho quẹt. Đây là món người trong nam hay dùng nhưng khách hàng ở đây cũng rất ưa thích món này. Một thức uống đi kèm khi khách sử dụng cơm Nàng Tấm là nước đỗ đen và nhiêu loại trà sen, long nhãn, chanh xả, hạt chia, sữa ngô....
Đặc biệt, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là yếu tố tôi quan tâm hàng đầu. Tôi luôn tâm niệm rằng, khách đến Nàng Tấm luôn phải được “chăm sóc” một cách cẩn thận và tỉ mỉ nhất. Để khách không những yên tâm về chất lượng phục vụ chu đáo tận tình và sạch sẽ mà còn yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, cảnh quan bày trí trong quán ăn cũng là mối quan tâm của tôi. Bàn ghế tại Nàng Tấm được đóng đồng loạt bằng gỗ tự nhiên, tạo cảm giác sạch sẽ, ấm áp cho khách khi đến thưởng thức. Toàn bộ chén bát, thìa, dĩa, nĩa... tôi đều đặt riêng với chất lượng tương đương của các khách sạn 5 sao. Từ cái tăm tre, giấy ăn, đến bọc đũa, thìa nĩa đều được chăm chút một cách cẩn thận. Nhận diện thương hiệu cơm Nàng Tấm được tôi chọn màu chủ đạo là đen và vàng. Tôi thích hai màu này vì nó sang trọng và quí phái.
Có thể nói, thương hiệu cơm Nàng Tấm đã được nhiều khách hàng Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung tin dùng. Chị có nghĩ đã đến lúc để Nàng Tấm vươn xa, có mặt tại các tỉnh thành khác?
Tất nhiên, điều mà bất cứ người làm kinh doanh đều mong muốn là thấy đứa con tinh thần của mình phát triển và thành công. Tôi làm thương hiệu từ nhu cầu của chính mình, vì vậy đã gặt hái được thành công nhất định. Từ đứa con tinh thần này, tôi mong muốn cơm Nàng Tấm được nhân rộng đề mọi người cùng được chia sẻ, cảm nhận và thưởng thức.
Xin bật mí rằng, hiện nay, có một số DN đã đặt vấn đề với cơm Nàng Tấm về việc mở rộng (nhượng quyền) tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phan thiết, Hải Phòng, quảng Ninh, Huế và Đà Nẵng... Đặc biệt, tôi cũng nhận được một số lời đề nghị hợp tác để đưa Nàng Tấm ra một số thị trường nước ngoài.
Theo đó chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ, bí quyết và nhượng quyền thương hiệu. Để ở bất cứ đâu trên thế giới, khách hàng cũng được thưởng thức hương vị, chất lượng cơm Nàng Tấm như ở quê nhà.
Xin cảm ơn và một lần nữa chúc chị cùng thương hiệu cơm Nàng Tấm mãi mãi bay xa.
Lương Bích Ngọc