Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung quốc và sự suy giảm lưu lượng xuất nhập khẩu toàn cầu đang gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế tại châu Á, khiến Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phải cắt giảm dự báo cho khu vực. Tuy nhiên, ADB cũng tin rằng trong năm 2020, thế giới sẽ có thể thấy được mức tăng trưởng trên 5,5% tại nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á, trong đó có bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam …
ADB cho biết, căng thẳng thương mại kéo dài vẫn là rủi ro chính đối với triển vọng của khu vực, nhưng một số quốc gia vẫn có khả năng vượt trội hơn trong khu vực vào năm tới. Dưới đây là những nền kinh tế tại châu Á được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng nhanh nhất vào 2020:
Ấn Độ
7,2% là mức tăng được dự đoán đối với Ấn Độ trong năm 2020 khi nước này có khả năng trở thành một cường quốc mới cho cho nhóm hàng hoá sản xuất thiết bị điện tử, nhờ vào các chính sách mở cửa của chính phủ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng 7,2% GDP chưa thể thu hẹp được khoảng cách với con số 8,17% của năm 2016, mà vẫn duy trì mức tương đương so với hai năm trở lại đây, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Sự sụt giảm sản lượng của 8 ngành công nghiệp cốt lõi đã cản trở tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn nữa của Ấn Độ trong năm 2020. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương đã đưa ra các biện pháp khuyến khích tiền tệ và giảm thuế trong năm để mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp,
Bangladesh
Bangladesh được dự báo sẽ tăng thêm 8% GDP nhờ vào nguồn đầu tư nước ngoài gia tăng vào nhóm hàng dệt may, may mặc và giày dép giá rẻ. Kể từ 2011, Bangladesh duy trì được mức tăng ít nhất 6% hàng năm. Với mức lương lao động trung bình chỉ 101 USD/tháng đã giúp đất nước trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà sản xuất. Nhu cầu trong nước và mức sống ngày một cải thiện giúp sức cho sự tăng trưởng của đất nước Nam Á, theo nhận xét của ông Rajiv Biswas - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã tăng 19,5% trong nửa đầu 2019 lên 1,7 tỷ USD nhờ sự dễ dàng trong kinh doanh tại Bangladesh, theo báo cáo từ các kênh truyền thông nhà nước.
Tajikistan
Nhờ sự gia tăng phát triển của các mỏ vàng, bạc, chế biến kim loại và tiền ngoại hối từ 1 khoảng 1 triệu công dân sống ở nước ngoài, Tajikistan được các chuyên gia tin rằng sẽ có được mức tăng 7% vào năm 2020. GDP của Tajikistan đã tăng thêm 6,9% vào năm 2016, 7,1% vào năm sau đó và 7,3% trong năm ngoái. Các ngành công nghiệp và dịch vụ cùng nhu cầu nội địa đã giúp Kajikistan đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Thế giới cho biết.
Việt Nam
Việt Nam sẽ có được mức tăng 6,7% trong năm 2020, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế thế giới. Kể từ 2012, Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng hơn 6% mỗi năm và hiện đang dần dịch chuyển sang cách mặt hàng sản xuất có giá trị cao hơn như hàng điện tử. Việt Nam hiện vẫn là quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài “chọn mặt gửi vàng”, với mức tăng 69,1% FDI trong 5 tháng đầu năm 2019 lên đến 16,74 tỷ USD.
Myanmar
Nền kinh tế Myanmar sẽ có mức tăng trưởng 6,8% vào năm 2020. Lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Myanmar đã có những phát triển vượt bậc trong vòng 5 năm qua, điều này giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Quốc gia Đông Nam này đang dần có các bước áp dụng cải cách kinh tế nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn. Chi phí cơ sở hạ tầng và chi tiêu tiêu dùng đang dần đuổi kịp hoạt động đầu tư nhà máy giúp củng cố GDP. Nền kinh tế Myanmar đã mở rộng ở mức 6,5% hàng năm trong 3 năm vừa qua.
Campuchia
Campuchia được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng 6,8%. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã giúp GDP của quốc gia 16,5 triệu dân “tăng tốc”, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc giống như Myanmar và Bangladesh. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang bổ sung đầu tư bất động sản, khu nghỉ dưỡng ven biển và cơ sở hạ tầng như đường xá và cuối cùng là 2 sân bay hoàn toàn mới. Theo ước tính, quốc gia tỷ dân đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại Campuchia trong năm 2018.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á đang phát triển khác được ADB dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn 6% gồm có Nepal và Maldives ở mức 6,3%, Lào và Philippines đều ở mức 6,2% và Mông Cổ ở mức 6,1%.
Nguồn: Forbes