Mỹ là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nuôi thú cưng nhiều nhất trên thế giới. Và để giữ cho thú cưng được khỏe mạnh và hạnh phúc, người Mỹ sẵn sàng chi mạnh tay cho các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc thú cưng đắt đỏ.
Theo một cuộc khảo sát của MetLife, trung bình các hộ gia đình đã chi khoảng 4.800 USD cho thú cưng vào năm 2023. Con số này bao gồm khoảng mức trung bình 1.278 USD cho thực phẩm và đồ ăn vặt, 176 USD cho đồ chơi và hàng trăm USD cho các hoạt động giải trí tiêu khiển, chẳng hạn tham gia bơi lội, lớp học “mẫu giáo” và trong một số trường hợp là các bữa tiệc sinh nhật … “xa xỉ”.
Tuy nhiên, lưu ý rằng những số liệu này chỉ đại diện cho những người nuôi chó, mèo. Động vật có vú nhỏ, bò sát, cá và các vật nuôi ngoại lai khác thường không tốn kém như chó hoặc mèo, nhưng chủ nhân của chúng cũng sẽ có nhiều khoản chi phí riêng.
“Thường thì chuồng và hàng rào quây nhốt là sản phẩm đắt nhất mà tôi sắm cho thú cưng của mình. Ban đầu tôi đã mua một chú rắn và tưởng rằng đó là con đực; nhưng hoá ra nó lại là con cái nên tôi buộc phải mua thêm một loại chuồng riêng to hơn nhiều. Và tất nhiên tôi sẽ phải bỏ ra thêm ít nhất là 600 USD để đặt làm tấm chắn PVC cao cấp khi nó lớn lên”, Liza Carrasquillo, một phóng viên sinh sống tại Mỹ, giải thích.
Thật khó để ước tính được chính xác số tiền mà bạn cần bỏ ra để nuôi một chú thú cưng tại Mỹ. Theo MetLife, khoảng 2/5 (41%) người nuôi thú cưng đã chi nhiều tiền hơn cho thú cưng vào năm 2023 so với dự đoán ban đầu của họ. Nếu thú cưng cần một chế độ ăn uống hoặc thuốc đặc biệt, hoặc nếu người chủ cần điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm dành riêng cho việc sở hữu thú cưng, họ có thể phải trả nhiều tiền hơn nhiều so với ước tính.
Và đối với những người nuôi động vật, không có hóa đơn nào có xu hướng cao hơn chi phí cho một chuyến đi đến bác sĩ thú y.
So với thời kỳ trước đại dịch Covid-19, người nuôi thú cưng tại Mỹ hiện nay phải bỏ ra nhiều tiền hơn để giữ cho những người bạn nhiều lông của mình khỏe mạnh. Theo một nghiên cứu về những người nuôi chó và mèo của Hiệp hội Sản phẩm Vật nuôi Mỹ (APPA), chi tiêu trung bình cho việc đến bác sĩ thú ý, bao gồm khám ngoại, tắm cắt, phẫu thuật, cấp cứu, nội trú và các chi phí liên quan đều đã tăng từ mức 1.788 USD vào năm 2018 lên 2.117 USD vào năm 2022.
“Chúng tôi đã phải đưa cậu con trai nhỏ của mình, Alfie, đến phòng cấp cứu thú y vào tháng 1 năm ngoái và phải ở lại qua đêm do nhiễm độc gan. Vợ chồng tôi đã trả khoảng 7.000 USD cho lần đó. Đến vài tháng sau, chúng tôi lại phải đưa Alfie trở lại bệnh viện vì bệnh dạ dày và trả thêm 4.000 USD. Alfie còn rất dễ bị dị ứng nên nhiều khi phải ăn uống và uống thuốc theo yêu cầu của bác sĩ”, Hanneh Bareham - một nhà văn sống tại New York (Mỹ), kể lại.
Việc sở hữu một con vật cưng cũng có thể dẫn đến những chi phí gián tiếp khác. Nhà phân tích về bảo hiểm thú cưng Shannon Martin nhắc nhở những chủ nuôi rằng chó bao giờ cũng sẽ được theo dõi và đánh giá chặt chẽ hơn nhiều loại vật nuôi khác như mèo, chuột lang hay chim. Thậm chí, nhiều công ty bảo hiểm đã loại trừ một số giống chó nhất định hoặc yêu cầu thú cưng phải hoàn thành chương trình huấn luyện được chứng nhận để được đưa vào bảo hiểm.
“Đưa một chú chó về gia đình bạn là một trách nhiệm to lớn. Với yêu cầu bồi thường trung bình do chó cắn có giá hơn 64.000 USD, người chủ nuôi sẽ muốn giảm thiểu rủi ro bằng cách huấn luyện chó của mình và nhận thức được các nguy cơ khi để chúng tiếp xúc với người khác”, bà Martin lưu ý.
Nhưng cho dù hóa đơn có đắt đỏ đến đâu, những người chủ nuôi vẫn không hề ngại ngần. Theo MetLife, đại đa số (83%) người nuôi thú cưng cho biết, trên thực tế, không có giới hạn về số tiền họ sẵn sàng chi tiêu để đảm bảo thú cưng của họ được vui vẻ và khỏe mạnh.
Phóng viên kinh tế Sarah Foster biết rõ cảm giác đó. Cô đã yêu chú chó Toby của mình khi lần đầu tiên nhìn thấy nó tại một trại cứu hộ ở Thành phố New York vào năm 2019. Cô biết thời gian của mình với Toby sẽ rất ngắn ngủi bởi chú chó đã 12 tuổi và được chẩn đoán mắc bệnh tim giai đoạn bốn.
Trong bốn năm tiếp theo, Sarah ước tính đã trả 15.000 USD cho việc điều trị, chăm sóc y tế và thăm khám bác sĩ thú y khẩn cấp. Toby đã qua đời vào năm 2023, nhưng giống như nhiều bậc cha mẹ nuôi thú cưng khác, Sarah cảm thấy rằng thời gian Toby ở bên cô hoàn toàn rất xứng đáng với số tiền bỏ ra.