Nhà báo Hồ Quang Lợi: Kiến tạo và Hội tụ vì khát vọng lớn của Quốc gia

Là một cây bút chính luận có uy tín, từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trước khi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi luôn có cái nhìn riêng, sâu sắc v
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Kiến tạo và Hội tụ vì khát vọng lớn của Quốc gia

Nhiều doanh nghiệp rất thành công và tôi biết họ sẽ không dừng lại ở đó

Chuyến thăm Mỹ năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải, và chuyến thăm Mỹ mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhà báo Hồ Quang Lợi – lúc đó là Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân và con trai là nhà báo Hồ Quang Phương - hiện là Phó Trưởng Ban kinh tế báo Quân đội nhân dân, đều lần lượt được tham dự với tư cách thành viên tháp tùng đoàn. Một sự trùng hợp thú vị?

Tôi chưa từng thấy một lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân tháp tùng nào hùng hậu như thế, tập hợp những tập đoàn, tổng công ty nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam như trong chuyến thăm cấp cao chính thức đầu tiên của lãnh đạo Nhà nước ta tới Mỹ năm 2005 do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu. Thực sự đó là một cuộc ra quân sống động trên đất Mỹ của doanh nhân Việt. Nhiều hợp đồng thương mại được ký kết. Đặc biệt, Hàng không Việt Nam đã ký một hợp đồng mua 4 máy bay Boeing 787. Những chiếc máy bay hiện đại nhất này hiện đang ngày đêm nối liền Thủ đô Hà Nội với nhiều thành phố trong và ngoài nước.

12 năm trước, một Việt kiều nói ông đã xúc động phát khóc khi thấy hình ảnh đất nước qua lá cờ đỏ sao vàng in trên máy bay Boeing 777 đậu trên đất Mỹ và Thủ tướng nước ta được đón tiếp trọng thể theo nghi lễ chính thức. Tại lễ ký hợp đồng năm đó, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói: “Bây giờ chúng tôi sang Mỹ bằng Boeing 777,lần sau Việt Nam sẽ đến Mỹ bằng Boeing 787!”. Quả đúng vậy, 12 năm sau, trong thăm chính thức lần thứ hai, Thủ tướng nước ta đã sang Mỹ bằng Boeing 787; và chuyến đi này con trai tôi (NB Hồ Quang Phương- báo Quân đội nhân dân) được vinh dự tháp tùng. Con tôi về nói: Doanh nghiệp Việt Nam đã được giới kinh doanh Mỹ nhìn bằng con mắt khác hẳn. Các cuộc tiếp xúc nhộn nhịp, các cuộc thương thảo cởi mở, thực chất. Những hợp đồng lớn có giá trị hàng chục tỷ đôla đã được ký kết...

Bên cạnh sự trưởng thành vượt bậc về mọi phương diện, còn có nỗi lo về “căn tính nông dân” trong tư duy cố hữu mà không ít doanh nghiệp Việt thời hội nhập dứt bỏ được; ví dụ lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, tầm nhìn hạn chế không vượt qua nổi“lũy tre làng”

Trong quá trình hội nhập, vấn đề này đang dần dần được nhận diện và khắc phục. Bản thân tôi cũng không lạc quan lắm về số lượng doanh nghiệp Việt bắt nhịp hiệu quả với đời sống kinh tế quốc tế. Còn khá nhiều doanh nghiệp làm ăn theo lối cũ, thiếu tầm nhìn, chưa đủ năng lực cạnh tranh thực sự, rất khó khăn khi tiếp nhận công nghệ mới, hình thức kinh doanh mới, còn ngại ngùng khi hợp tác với bên ngoài. Nếu có hợp tác thì cũng thấp thỏm, lo âu.

Trong khi đó, rất đáng khích lệ là, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chịu thua kém, vươn lên mạnh mẽ, không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn tạo lập được chỗ đứng, uy tín trên thị trường ngoài nước. Có thể thấy rõ khát vọng vươn lên mạnh mẽ đó ở một số doanh nghiệp, đặc biệt là ở những người trẻ.Từ nhiều thập kỷ trước, trong khó khăn bộn bề, khát vọng đó đã xuất hiện và nhờ thế đã có một thế hệ doanh nhân dám nghĩ dám làm, tiến tới gặt hái được thành công hôm nay, gồm cả doanh nghiệp nhà nước như Viettel và doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Sungroup, FLC… Tôi biết họ sẽ không dừng lại ở đó. Họ sẵn sàng quên những thành công đã có để tiếp tục hướng đến những chân trời mới, thành công mới.

Và đang xuất hiện một thế hệ doanh nhân mới nữa, bắt đầu vào cuộc, tiếp cận những gì mới mẻ nhất, hiện đại nhất của thế giới. Họ tràn đầy khát vọng…

Hai chữ “khát vọng” luôn được ông nhắc tới như một mệnh đề gắn liền với doanh nhân, doanh nghiệp Việt!

Đúng thế. Sức mạnh quốc gia phải bắt đầu và được gây dựng trên cơ sở thực lực của nền kinh tế. Doanh nhân, với kiến thức và khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước, luôn là một động lực lớn của phát triển. Không ai đi xa, vươn xa, thành công lớn nếu thiếu khát vọng. Khát vọng của từng cá nhân, doanh nghiệp tạo nên khát vọng lớn của quốc gia.

“Hội tụ”trong bối cảnh đội ngũ doanh nhân Việt đang có sự “trẻ hóa” và đang nỗ lực mở rộng địa bàn hoạt động trên thương trường quốc tế, nhà báo nghĩ sao về điều này?

Tôi mừng vì điều này. Tương lai của đất nước nằm trong tay những người trẻ tuổi, những người luôn tìm kiếm cơ hội trong và ngoài đất nước, tạo lập những giá trị Việt ở bên ngoài lãnh thổ. Điển hình như anh Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, khỏi nghiệp từ Ukraina… Họ mang về nguồn lực, tiếp tục hiện thực hoá khát vọng dựng xây, góp phần bồi đắp sức mạnh cho đất nước. “Hội tụ”, theo đó, chính là “vươn xa để trở về”!

Về sự đồng hành của báo chí và doanh nghiệp

Ngoài câu chuyện khát vọng làm giầu, doanh nhân và doanh nghiệp Việt cũng để lại rất nhiều bức tranh sáng – tối khác nhau trên báo chí; nhiều người hôm qua là nhân vật sáng chói, hôm sau đã sụp đổ, thậm chí còn vướng lao lý… Kết cục đó, nhà báo liệu có hoàn toàn ngoài cuộc không, thưa ông!

Có nhiều chiêu thức đánh bóng hình ảnh để dựng nên những sức mạnh ảo, nhưng đó chỉ là những ngôi nhà không móng, gặp chấn động là ngay lập tức đổ sụp, tan tành! Việc một số doanh nghiệp, doanh nhân không làm ăn chân chính, coi thường pháp luật và khách hàng của mình, đó là sự thật. Và thời kỳ nào cũng có những người làm ăn tử tế và những người làm ăn không tử tế.

Nhưng tôi tin rằng những người làm ăn tử tế sẽ nhiều hơn và thành công hơn những kẻ tồn tại trên thị trường bằng mánh khóe, lừa đảo, bằng sự chụp giật… Đưa ra xã hội những thông tin dù là có lợi hay bất lợi cho doanh nghiệp mà sai lệch, hoặc tung hô, ca ngợi thái quá, thậm chí xây dựng thành điển hình mà không phản ánh đúng với bản chất sự thật tình trạng doanh nghiệp, nhà báo phải chịu trách nhiệm về điều đó. Phải giữ tỉnh táo, thận trọng, khách quan khi viết về doanh nghiệp; tránh trở thành “lính đánh thuê”, do bị mua chuộc, cám dỗ bởi những lợi ích vật chất hoặc bị ràng buộc bởi những quan hệ cá nhân không trong sáng nào đó. Mọi giá trị đích thực cần được nhìn nhận, tôn vinh đúng mức và ngược lại.

Ông nghĩ thế nào về tình trạng một số nhà báo trong quá trình đồng hành cùng doanh nghiệp rất “tháo vát”, như ăn hai lương, hoạt động “hai mang”, vừa viết báo, vừa đảm đương khâu PR, sự kiện cho doanh nghiệp?

Doanh nghiệp tự làm truyền thông, đó là việc của doanh nghiệp. Báo chí tuyên truyền cho doanh nghiệp, bồi đắp hình ảnh cho doanh nghiệp thì phải hết sức khách quan, trung thực, không vụ lợi. Đó là sự chính trực - điểm cốt lõi nhất của đạo đức báo chí. Và đạo đức báo chí lại là nền tảng của toàn bộ hoạt động báo chí. Do vậy, trong quá trình hành nghề, nhà báo không những không được phép tạo ra những giá trị ảo mà phải tích cực đấu tranh loại trừ nó, không tiếp tay cho cái xấu, không để người dân và xã hội bị mắc lừa…

"Không ai đi xa, vươn xa, thành công lớn nếu thiếu khát vọng. Khát vọng của từng cá nhân, doanh nghiệp tạo nên khát vọng lớn của quốc gia”. Nhà báo Hồ Quang Lợi

Việc những nhà báo không xác định được chỗ đứng của mình là điều đáng tiếc. Khi đồng thời vừa làm báo, vừa đầu quân cho doanh nghiệp, biến mình thành một mắt xích trong guồng máy thứ hai, họ sẽ không thể có sự khách quan cần thiết. Lẽ ra họ phải độc lập với đối tượng phản ánh của mình để ngòi bút có thể khách quan nhất, để thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình, để có được sự chính trực. Theo tôi, họ nên có một lựa chọn, đó là thôi làm báo để thực hiện bổn phận mới.

Vận động chính sách trong nhìn nhận của nhiều người đang ngày càng tích cực hơn. Ở góc độ báo chí – một kênh vận động chính sách hiệu quả, ông có ý kiến gì khác?

Vận động chính sách là một khái niệm cần hiểu đúng. Tôi quan tâm trước hết ở khâu xây dựng chính sách, sau đó là công tác tuyên truyền, giáo dục để chính sách được thông qua và triển khai tốt. Quá trình đó, báo chí có vai trò quan trọng: phát hiện các vấn đề từ thực tiễn đời sống, những bất cập cần xử lý, những nhân tố mới cần cổ vũ… Từ đó, các nhà hoạch định chính sách có thêm thông tin để nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách; báo chí tiếp tục tuyên truyền, vận động để chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống.

Ở đây phát sinh một vấn đề: Việc xây dựng chính sách phải hoàn toàn thoát ly lợi ích nhóm, những tác động tiêu cực. Đã có những hiện tượng xẩy ra trong quá trình xây dựng chính sách tổng thể và cụ thể, do chịu ảnh hưởng lợi ích nhóm đã dẫn đến những tổn thất cho đất nước, người dân…Điều này càng đòi hỏi báo chí phải hết sức khách quan. Nhà báo phải đủ hiểu biết, đủ thông tin để đưa ra những đánh giá, phân tích là rõ được đâu là cái cần, đâu là cái nên tránh trong hoạch định chính sách.

Thực tế cho thấy sự tác động mạnh mẽ của báo chí không chỉ đối với dư luận xã hội; gần đây tại nghị trường, nhiều đại biểu quốc hội đã sử dụng thông tin báo chí và các kiến nghị từ báo chí.Trên thế giới, lobby đã trở thành một thực tế chính trường. Trong lần tới thăm tòa nhà Quốc hội Mỹ cách đây 3 năm, chúng tôi được mời đến khu vực dành riêng cho hoạt động lobby, nơi các nghị sĩ trao đổi ý kiến, bày tỏ quan điểm về các vấn đề họ quan tâm, dự định đưa lên các ủy ban của quốc hội. Ở ta việc vận động chính sách cũng cần coi là một hoạt động bình thường. Vấn đề là không để các lợi ích cục bộ, những thế lực theo đuổi lợi ích riêng, thao túng việc hoạch định chính sách, ảnh hưởng lợi ích của đất nước, người dân.

Báo chí phải góp phần làm trong sạch hoạt động vận động chính sách. Cũng phải hết sức cảnh giác khi nhiều vấn đề báo chí đưa ra không hẳn đúng, không hình thành những dư luận không tốt. Năm ngoái, tôi có dịp sang Hàn quốc dự một đợt nghiên cứu về chính sách công và được biết: Trước khi ban hành chính sách, phải trải qua sự kiểm soát kỹ lưỡng với sự tham gia của báo chí và truyền thông. Họ goi đó là “truyền thông chính sách”. Những kinh nghiệm đó ở Hàn quốc, có thể cần được nghiên cứu, chắt lọc, áp dụng vào tình hình thực tiễn ở Việt Nam.

Điều cuối cùng mà theo ông, khi đề cập đến “kiến tạo” và “hội tụ”, vẫn cần phải khẳng định thêm?

Thứ nhất, đó là mối quan hệ hợp tác có chung mục đích của báo chí và doanh nghiệp. Báo chí tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bằng sức mạnh của truyền thông và sức mạnh của quá trình chuyển tải thông tin, từ đó xây dựng thương hiệu, khẳng định và tỏa sáng giá trị. Doanh nghiệp là một nguồn đề tài phong phú cho báo chí.

Thứ hai, hình ảnh người lãnh đạo đất nước hiện nay rất gần gũi với đời sống, theo sát mọi diễn biến đời sống, khi họ điều hành và giữ nhịp đập của nền kinh tế quốc dân. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, doanh nghiệp tạo thương hiệu và uy tín cho đất nước. Với những nền kinh tế phát triển, những nhãn hàng taọ sức cạnh tranh xuyên biên giới và biểu hiện sức mạnh quốc gia. Không còn lạ gì chuyện nguyên thủ một nước đi công cán, kết hợp chào hàng, quảng bá sản phẩm, quảng bá sức mạnh nền kinh tế. Đó không chỉ là sự hỗ trợ, mà còn là trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ: Vừa kiến tạo chính sách, tạo dựng cơ chế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu xã hội, giải quyết tốt các vấn đề dân sinh, dân tộc, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Hoa thực hiện

Có thể bạn quan tâm