Một quan chức Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, trong một sự thay đổi lớn đối với một quốc gia từ lâu vốn không “mặn mà” với người nhập cư, Nhật Bản đang tìm cách cho phép người nước ngoài trong một số công việc nhất định ở lại vô thời hạn bắt đầu từ năm tài chính 2022.
Theo điều luật có hiệu lực từ 2019, một nhóm "công nhân lành nghề được chỉ định" trong 14 lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và vệ sinh được cấp thị thực lưu trú lên đến 5 năm, nhưng không bao gồm thành viên gia đình của họ. Đến nay, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách giảm bớt những hạn chế đó nhằm khuyến khích nhiều nguồn lao động nhập cư đến Nhật Bản.
Nếu sửa đổi có hiệu lực, những người lao động như vậy - nhiều người từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc - sẽ được phép gia hạn thị thực vô thời hạn và mang theo gia đình của họ, tương tự với quyền mà nhóm lao động nước ngoài có tay nghề cao hơn hiện đang có.
Nhập cư từ lâu đã là điều khá khó khăn ở Nhật Bản, được cho là bởi sự thiếu đồng nhất về sắc tộc, văn hoá, tập quán …, nhưng áp lực mở cửa biên giới ngày càng gia tăng do tình trạng thiếu lao động trầm trọng bởi dân số Nhật Bản ngày càng giảm và già hóa.
Toshihiro Menju, giám đốc điều hành của Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản nhận xét: “Khi dân số ngày càng thu hẹp trở thành một vấn đề nghiêm trọng và nếu Nhật Bản muốn được coi là một lựa chọn tốt cho người lao động ở nước ngoài, thì chính quyền cần phải đưa ra những thông báo về các cơ cấu phù hợp để chào đón người nước ngoài.”
Theo số liệu của chính phủ, điều luật năm 2019 nhằm thu hút khoảng 345.000 "công nhân lành nghề được chỉ định" trong vòng 5 năm, nhưng lượng lao động chỉ dao động ở mức khoảng 3.000 người mỗi tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tính đến cuối năm 2020, Nhật Bản có 1,72 triệu lao động nước ngoài, trong tổng dân số 125,8 triệu người và chỉ chiếm khoảng 2,5% dân số đang làm việc.