Tôi là người tỉnh Đông lên đây lập nghiệp nên hay hỏi chuyện Hà Nội xưa, ý ăn ý ở của người Tràng An qua cậu em này. Cậu ấy bảo đường Hà Nội trước có một làn, đường tàu điện chạy qua leng keng nhưng đường phố thoáng đãng hơn nhiều, vỉa hè vẫn có chỗ cho người đi lại. “Chả bù bây giờ nhiều đường mở hai làn mà vỉa hè nhiều chỗ chật cứng. Người ta phân chia vỉa hè cứ như lãnh địa riêng của từng nhà. Người bán hàng ăn thì kê cả bàn ghế rồi cho nhân viên đứng mời chào níu kéo khách, chỗ thì dựng xe chật cứng, hàng hóa cứ vô tư bày trước vỉa hè... Chỉ có dịp lễ tết hay phải dậy thật sớm lúc trời còn tối đất mới mong phố xá phong quang trở lại.”
Tết Đinh Dậu vừa qua, nhà tôi có vợ chồng ông bà Đại sứ Thụy Điển đến ăn trưa. Là người mới nhậm chức, lại mê văn hóa Việt Nam nên điều gì cũng khiến ông Đại sứ háo hức tìm hiểu và luôn miệng khen Hà Nội đẹp, thân thiện và có rất nhiều thứ cần khám phá... Nhưng khi tôi hỏi rằng điều gì khiến ông bà ngại ngần nhất khi ở đây, phu nhân đại sứ dường như không phải suy nghĩ lâu: “Giao thông trên đường phố! Tuần trước chị tôi sang chơi, khi ra đường cứ bám chặt tay tôi, mãi mới quen được cách đi bộ ở đây”... Chả cứ gì bà ấy, ngày tôi phỏng vấn một ông nhà văn Mỹ khá nổi tiếng khi lần đầu tiên ông đến Việt Nam năm 2006, ông ta nói chắc như đinh đóng cột “Cứ nhìn người Việt Nam qua đường là thấy tính quả cảm của họ!”
"Chỉ mong rằng chiến dịch này thực sự đi vào cuộc sống từng ngày, từng ngày một, để mỗi ngày đi bộ ra đường, ta có thể nhẹ nhõm mỉm cười “Vỉa hè ơi – chào mi”.
Quay lại chuyện vỉa hè, rất nhiều phố người đi bộ chỉ còn cách chen chân xuống lòng đường, đua tranh với ô tô, xe máy khiến giao thông đã đông đúc, hỗn loạn càng thêm căng thẳng. Con gái tôi cách đây mấy năm đi trên vỉa hè (nhưng vỉa hè làm gì còn chỗ nên bị đẩy đi gần mép đường) bị hai thằng đi xe máy tạt qua giật cái xắc tay, ngã lăn ra đường. Mất điện thoại, mất tiền mà vẫn còn xuýt xoa thấy may mắn khi người chỉ xây xát nhẹ - không sao!
Gần đây, bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh rồi Hà Nội và lần lượt một số tỉnh thành khác tiến hành “cuộc chiến” đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. Điều này nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Đã đến lúc không thể muộn hơn, chúng ta phải lập lại trật tự cho bộ mặt đô thị, mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông và thay đổi hình ảnh của đường phố với ý nghĩa tích cực hơn trong mắt du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam. Có lẽ cùng với việc xử lý dứt điểm vụ lấn chiếm vỉa hè thì các cấp chính quyền vẫn phải quan tâm đến việc bán hàng rong và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Kinh tế vỉa hè” là một thực tế mang đặc thù của buổi giao thời giữa bao cấp và kinh tế thị trường. Ở các phố Cổ Hà Nội, hàng quán vỉa hè là một nét riêng và có sự hấp dẫn riêng. Chắc ai cũng từng biết câu: “Qùa vặt ở phố Cổ vừa ngon vừa rẻ, chỉ cần thò tay qua cửa là có ngay.” Dẹp bỏ điều này chắc chắn không phải ngày một ngày hai và không dễ dàng; Nhưng mô hình các quán ăn (rẻ, ngon, hợp vệ sinh – thường gọi là food court) ở các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… là điều mà chúng ta nên học hỏi.
Kinh tế vỉa hè là nơi thu hút đông đảo người lao động từ các miền quê ra thành phố, một mặt là chốn mưu sinh cho người nghèo, mặt khác mang theo những nét văn hóa khiến “làng quê hóa thành thị,” chưa kể vấn đề tăng dân số, quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường... Để đi đến tận gốc vấn đề không thể không tính đến cơ cấu kinh tế, phân bổ nguồn lực và chủ trương “li nông không li hương” tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền trong toàn quốc. Vấn đề này phải nằm trong một giải pháp tổng thể và có vị trí chiến lược của nhà nước.
Người viết bài này thiết nghĩ, trong khi chờ đợi những giải pháp lớn lao, đường dài thì trước mắt với những động thái tích cực, thượng tôn pháp luật – trả lại cho vỉa hè những giá trị và ý nghĩa đích thực của nó – là một việc làm cần được sự hỗ trợ của cả cộng đồng, tác động đến ý thức của mỗi người dân. Chỉ mong rằng chiến dịch này thực sự đi vào cuộc sống từng ngày, từng ngày một, để mỗi ngày đi bộ ra đường, ta có thể nhẹ nhõm mỉm cười “Vỉa hè ơi – chào mi”.