Tôi cũng nhờ những cú nhấp chuột đơn điệu ấy mà trở thành “bà chủ nhỏ” của một ngành kinh doanh đầy mới mẻ: Cho khách thuê nhà theo kiểu ở ké (home stay). Tất cả khách khứa đặt chân đến nhà tôi đều được tôi welcome gọi là “Những vị khách đến từ bầu trời”.
Hội nhập
Tôi vốn không hào hứng với công nghệ thông tin. Cứ trung thành với cây bút, nhả chữ trên trang giấy… rồi vì yêu cầu nhiệm vụ mà đánh vật với máy tính, với internet… (nếu không đã bị văng ra khỏi guồng máy lao động). Nhưng đó là quá khứ. Giờ đây, giống như số đông, tôi kè kè smarphone bên mình, cũng vuốt bàn phím một cách điệu nghệ. Chả gì tôi cũng đã trở thành “bà chủ Kim” của vài ba ngôi nhà cho thuê. Mặc dù bà chủ là tôi chỉ có một ngôi nhà của gia đình mình, lúc con cái đi học xa, thừa phòng trống nên tranh thủ cho khách thuê. Còn lại là nhà hàng xóm do tôi thuê lại. 90% khách của tôi là người nước ngoài, đến từ Mỹ, châu Âu, Australia, Nga, Trung Quốc… và thậm chí là cả Triều Tiên.
Trên trang airbnb.com có lịch book phòng được quản lý rất chi tiết. Khi khách book phòng thì những ngày tháng đã có khách sẽ được phủ màu đậm, qua đó khách sẽ biết còn phòng trống để đăng ký. Khoản thanh toán của airbnb qua tài khoản Paypal cũng rất chặt chẽ và gần như không có sai sót. Chỉ cần khách vào hôm nay, ngày mai lập tức tiền sẽ tự động chảy vào tài khoản Paypal của chủ nhà. Cứ mỗi tháng Paypal lại gửi cho gia chủ một bảng tổng kết. Khi chủ nhà cần rút tiền thì chỉ cần clik cho dòng tiền chạy về tài khoản ngân hàng ở Việt Nam (đã đăng ký trên Airbnb). Ngân hàng sẽ trừ 60 ngàn đồng theo mỗi món tiền được rút. |
4 năm trước, tôi được hướng dẫn đăng ký Hộ gia đình kinh doanh, nộp các khoản thuế theo yêu cầu với cơ quan thuế; Làm giấy chứng nhận an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy… nói tóm lại là đủ điều kiện cho người nước ngoài thuê. Dưới sự chỉ bảo của thằng cháu mê IT, tôi hồi hộp đặt một cái “ơ cao” trên gian hàng online airbnb. Tôi điền thông tin cá nhân cần thiết, vài ba thông tin giới thiệu về ngôi nhà, khu vực, chất lượng dịch vụ… cùng với ảnh nội – ngoại thất của ngôi nhà. Cái “ơ cao” này được kết nối với tài khoản Paypal (tài khoản trung gian) và tài khoản này lại kết nối với tài khoản của tôi tại ngân hàng Việt Nam. Thế là tôi đã có một gian hàng marketing cho thuê nhà hoàn hảo trên trang mạng airbnb.
Những ngày đầu, thi thoảng tôi lại mở gian hàng của tôi ra để ngắm nghía thành quả, ngắm chính dung nhan của mình trên tấm ảnh đại diện. Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời mà chờ đợi, mà mơ ước, cũng thấy lòng rộn ràng. Đã có “ma” nào “nhảy” vào trang để hỏi thuê phòng đâu?! Nhưng với một kẻ dốt công nghệ như tôi, tiếng Anh gói gọn trong vài từ hello, good bye… có một gian hàng đích thị là của mình, bằng ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh, trên trang mạng quốc tế… thì coi như là tôi đã hội nhập thật sự rồi.
Hạnh phúc bất ngờ...
Người đầu tiên hỏi thuê phòng – ơn Trời! Đó là một cô gái người Nga. Aleona sang Việt Nam lần đầu để đi dạy tiếng Anh kiếm tiền, đang phân vân lạ lẫm thì “vồ” được tôi. Tôi là kẻ xa nước Nga gần 30 năm, vẫn ấp ủ trong tim ngôn ngữ Nga với những bản tình ca da diết, khi cầm cuốn hộ chiếu của Aleona trong tay, bỗng như gặp lại cả khung trời Nga mộng mơ. Chúng tôi thân nhau ngay tắp lự. Cũng chỉ sau ít ngày, nhà tôi đón thêm hai người bạn đồng hương của Aleona đến ở cùng. Bạn bè họ lại đến thăm nhau, phần lớn đều nói tiếng Nga dù quốc tịch có thể là Ukraina, Kazakhxtan…
Trong nhà tôi giờ đây có sự hiện diện đậm nét của văn hóa Nga. Ngôn ngữ trao đổi, những bản nhạc, bài hát, trang phục lễ hội, những bữa tiệc sasluc… Gần 30 năm trước, chúng tôi là những cô gái Việt được những bà mẹ Nga chăm sóc. Giờ đây tôi có một “dàn” các cô gái Nga gọi tôi là bà mẹ Việt Nam, ở cùng nhà, ăn cùng mâm như trong một gia đình. Aleona như một bà chị cả của nhóm (có lẽ vì cô là người đầu tiên đến nhà tôi). Cô luôn chăm chút cho mọi người, từ bữa ăn đến dọn dẹp, rửa bát… cô thường dành việc về mình. Thậm chí khi người giúp việc đi vắng, cô cũng tiện tay dọn dẹp nhà cửa bếp núc sạch sẽ.
Cô gái kém Aleona 1 tuổi tên Alina nhẹ nhàng, tình cảm, luôn hỏi han và động viên mọi người. Gương mặt xinh đẹp, thánh thiện, giọng nói trong vắt, nụ cười tỏa sáng… Alina làm xiêu lòng các chàng trai đến từ Anh, Italia… nhưng cô chỉ mỉm cười khi bắt gặp ánh mắt đắm đuối của các chàng. Hình như ở nhà cô đã có người yêu. Tania được pha trộn bởi ba dòng máu Anh – Ba Lan và Nga, xinh đẹp như một tiểu thư đài các. Cô có giọng nói truyền cảm đến độ, là giáo viên tiếng Anh nhưng cô còn được mời làm biên tập viên, phát thanh viên trong chương trình tiếng Nga của Đài tiếng nói Việt Nam. Dara là cô gái đặc biệt đến từ Vladivostok - với vẻ ngoài thanh thoát nhẹ nhàng, trình độ tiếng Anh ngang với người bản xứ. Cô luôn gọi tôi là bà mẹ Việt Nam. Nếu thấy tôi có chuyện không vui là tìm cách an ủi, có khi kéo cả mấy mẹ con tôi ra quán cà phê để trò chuyện. Gia đình cô từ bố mẹ đến các chú, dì, các em… cũng biết đến tôi.
Thi thoảng tôi lại nhận được món quà của họ gửi sang từ Vladivostok – khi thì cá hun khói, trứng cá hồi đen, những đĩa nhạc của các ca sĩ thời Liên Xô; khi thì một bức ảnh có từ thời Xô viết về tình hữu nghị Liên Xô – Việt Nam. Mẹ của Dara cũng sang thăm con gái. Gặp tôi, cảm xúc của bà như vỡ òa. Bà kể về kỷ niệm những ngày xa xưa đi làm trong ngày Thứ Bảy vì Việt Nam – một chương trình rộng khắp trong các nhà máy, công xưởng của liên bang Xô viết vào thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ trước. 30 năm trước, khi rời xa nước Nga, có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ được cảnh, 30 năm sau, tại ngôi nhà của mình ở Hà Nội, tôi lại có thể tay trong tay hát Cachiusa, Thời thanh niên sôi nổi, Địa chỉ của tôi là Liên bang Xô viết… với những người bạn Nga, nay đã thành ông thành bà – như tôi.
Tôi cũng đến thăm nhà Aleona ở Sain Peterburg trong chuyến du lịch thăm lại nước Nga. Người thân của Aleona đón tôi như vị khách quý của gia đình. Khi trao quà của Aleona gửi cho họ, nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh trên đôi mắt của người mẹ xa con ấy, tôi cũng cay cay nơi khóe mắt. Và thấy mình thật hạnh phúc.
Những chuyến máy bay đưa những đứa con của nước Nga đến với tôi, rồi lần lượt những chuyến máy bay hay con tàu lại đưa “những công dân toàn cầu” đó rời khỏi ngôi nhà của tôi. Dasha quen và yêu Ben người Pháp, theo chồng về Bordeaux. Irina chuyển vào Nha Trang sống cùng chồng là một đầu bếp Nga. Dara đã có một bạn trai là bác sĩ người Pháp nên chuyển đến sống cùng anh ấy, cũng ở khu vực hồ Tây.
Thi thoảng cô lại chạy sang ríu rít với “bà mẹ Việt Nam” là tôi. Alina, cô gái Nga được yêu mến đặc biệt thì rời sang một thành phố gần Thượng Hải (Trung Quốc). Tôi không thể nào quên được buổi chia tay lưu luyến ấy. Người giúp việc của gia đình khóc nức nở và hồn nhiên. Alina thì không dám ngoảnh đầu nhìn lại mọi người, sợ không kìm được cảm xúc. Trên sân ga tàu Long Biên hôm đó, Alina ôm tôi và an ủi rất nhiều. Khi con tàu chở theo cô gái Nga yêu dấu đã lăn bánh đi xa, tôi còn đứng lặng một lúc rồi mới quay về. Hình như những cuộc đưa tiễn trên sân ga thường mang lại cảm xúc mãnh liệt, khiến người trong cuộc thêm bồi hồi, day dứt.
Phải duyên thì gặp
Sau thời gian đầu có ba cô gái Nga “đổ bộ” đến nhà tôi, những vị khách khác bắt đầu tìm đến. Lúc đầu là Jade đến từ Australia. Có sự trợ giúp của Aleona, Alina, Tania nên Jade hòa nhập rất nhanh. Trộm vía! Tiếng Anh tờ lờ mờ của tôi không đủ để ta với bạn hiểu nhau. Nếu không có ba cô gái dạy tiếng Anh đến từ xứ bạch dương phiên dịch và hướng dẫn cho vị khách mới thì tôi sẽ gặp không ít khó khăn.
Rất vui là Jade cũng hội nhập rất nhanh vào đại gia đình quốc tế của tôi. Từ khi có thêm Jade rồi đến Maxx (Scotland), David (Mỹ)… lần lượt thế chỗ nhau trong mấy căn phòng, tiếng Anh được sử dụng thường xuyên trong nhà chứ không “độc quyền” tiếng Nga nữa. Thằng cu nhà tôi đang bập bẹ học tiếng Anh ở trường, nay có thêm điều kiện lý tưởng để phát triển ngoại ngữ. Tôi cũng tranh thủ học theo kiểu xôi đỗ, được từ nào cố gắng “bắn” hết từ đó. Quen dần. Và thấy hay hay.
Khi 4 căn phòng trong nhà đã lấp đầy, thời gian đầu họ đăng ký qua airbnb, sau đó gia hạn ở thêm thì không qua airbnb nữa, thế là trên gian của tôi trên airbnb còn phòng trống (mà thực tế thì đã kín phòng), vì thế, khách vẫn tiếp tục đăng ký để book phòng.
Nghe mọi người khuyên đây là cơ hội để mở rộng kinh doanh, đem lại thu nhập dù nhỏ nhưng đều đặn, tôi thuê thêm 2 ngôi nhà của hàng xóm liền kề, chỉnh sửa, trang trí và đón khách thuê. Tổng cộng cả 3 ngôi nhà cũng chỉ có trên chục phòng cho thuê thôi nhưng dần dà tôi cũng tạo ra được một cộng đồng khách nhỏ, thuộc các quốc tịch khác nhau. Thi thoảng tôi tổ chức một sự kiện mang tính kết nối, giới thiệu văn hóa, ẩm thực bản địa với khách quốc tế.
Có những điều rất hay ho mà trước đây tôi chẳng thể tưởng tượng ra. Ví dụ như tôi mua vài ba bông sen đã ướp trà mạn bên trong, vài thanh kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi… Con gái tôi và bạn của nó mặc áo dài màu cánh sen rót trà tiếp khách, thế là buổi giao lưu gặp gỡ của chủ nhà + bạn bè người Việt với đôi chục khách quốc tế trở thành tiệc trà sang trọng mang đậm văn hóa vùng đất Tây Hồ. Ai cũng tò mò hào hứng nâng tách trà, như thể nhấp từng ngụm huyền thoại cổ của một vùng đất cổ. Những kết nối của tình yêu, tình bạn và đối tác đã được hình thành từ những buổi giao lưu hoặc cùng sống trong cộng đồng nhỏ này.
Từ đây mà Dasha đã theo Ben về Bordeaux (Pháp) để xây tổ ấm; Dara đến Với Vincent; Aleona (vị khách đầu tiên và hiện vẫn đang tá túc tại nhà tôi) thường giúp các bạn mới tìm việc hay chỉ dẫn những nơi mua sắm, du lịch… Thậm chí khi tôi đi công tác, có khách mới đến, Aleona và các bạn cũ tự đón khách, chỉ dẫn phòng – nội quy và giới thiệu các địa điểm cần thiết trong thành phố cho khách. Khi tôi đi nước ngoài và liên lạc với những vị khách đã từng ở nhà tôi, thế là tôi được họ dẫn đi chơi, đưa đến những nhà hàng ăn mà chỉ có “thổ dân” mới biết…
Nhà tôi cũng đã đón một kỳ thủ cờ vua quốc tế người Serbia, một nhà văn viết tiểu thuyết người Mỹ, hai nhà báo của kênh truyền hình Anh Quốc thâm nhập cuộc sống của các nước vùng Đông Nam Á, Australia…
Rất nhiều tình bạn, tình yêu, hợp tác đã nảy sinh từ những cuộc gặp gỡ. Và cũng như người ta nói, phải duyên thì sẽ gặp nhau. Giữa tôi với họ - những vị khách đến từ bầu trời – đã có duyên gì từ bao kiếp trước?… Không ai có thể trả lời câu hỏi này! Chỉ biết rằng, “Trăm năm trước thì ta chưa gặp, trăm năm sau biết gặp lại không”… Hãy cứ sống vui vẻ và chân thành với nhau đã.
Có hai câu chuyện ấn tượng mà tôi muốn kể thêm với độc giả: Chuyện thứ nhất: Có cặp vợ chồng người Mỹ đến nhà tôi ở 1 tháng. Những ngày đầu họ vô cùng e ngại, mặc dù được tiếp đón chu đáo, các bạn trong nhà chỉ bảo cặn kẽ… Những ngày sau khi đã quen, họ mới bộc bạch: Đây là lần đầu tiên chúng tôi ra khỏi biên giới Mỹ và đến Việt Nam. Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã đọc nhiều tài liệu viết về cuộc chiến giữa hai nước. Vì thế, chúng tôi, thú thực là rất sợ khi đặt chân đến Hà Nội. Được tiếp đón ân cần, vui vẻ thế này, lại đi trên đường phố thấy rất bình yên, được người dân chào đón vui vẻ… chúng tôi mới thực sự yên lòng. Mọi thứ khác rất nhiều so với tưởng tượng của chúng tôi. Tôi thấy yêu mảnh đất này và muốn gắn bó với nó. Hai anh chị sau khi rời nhà tôi đã đến thuê một căn hộ gần trường học, nơi họ dạy tiếng Anh cho học sinh. Câu chuyện thứ hai – xin phép không nêu tên. Vị khách của tôi người Ukraina. Một hôm có một anh – theo lời giới thiệu là đồng hương và bạn thân của anh khách nhà tôi - đến, dắt theo con chó và một cái túi to, nhờ anh khách nhà tôi hỏi thuê phòng. Lý do vì anh ấy vừa thuê một căn hộ trong khu Ciputra nhưng bị Hội đồng quản trị tòa nhà chấm dứt hợp đồng, vì anh ta có nuôi một con chó. Khách nhà tôi nói: Trời ạ! Vợ mày đang thuê ở tầng 4, bây giờ mày muốn thuê phòng ở tầng 3. Con chó thì vợ mày nuôi bao năm, giờ nó nhìn thấy vợ mày, nó chả nhảy bổ vào à?! (Thì ra hai vợ chồng họ mới ly thân. Anh chồng dắt con chó của vợ vào thuê căn hộ chung cư ở Ciputra. Đến lúc chuyển đến, dắt theo con chó thì bị out. Còn cô vợ đã đến nhà tôi ở trước đó mà anh chồng không biết). Thế rồi anh khách nhà tôi lấy xe máy, chất túi lên gióng xe, chở theo anh bạn ra khỏi nhà tôi để tìm chỗ thuê khác. Xe máy chạy chậm, con chó bị buộc dây ngún ngoẳn chạy phía sau. Trời chiều mùa đông hôm đó ảm đạm một màu xám, lại lất phất mưa phùn. Lòng tôi cũng trĩu nặng. Người thực, cảnh thực… không hề văn vẻ vẽ vời tý nào. |