Nợ xấu ngân hàng: Giải pháp nào để xử lý "triệt để" vấn đề?

Nợ xấu ở các ngân hàng tăng là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc quản lý yếu kém ở chính các ngân hàng. Và để giải quyết những vấn đề trên, phía các ngân hàng cần chủ động trích lập dự phòng, đồng thời nhà nước phải có hành lang pháp lý cao hơn...

Để hiểu rõ hơn bức tranh nợ xấu ở các ngân hàng, Thương Gia giới thiệu loạt bài phân tích về những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng trên, đồng thời đưa ra những giải pháp căn cơ để có hướng xử lý nợ xấu...

Bài 1: Nợ xấu tăng nhưng vẫn chưa đúng thực chất!

Mặc dù nợ xấu ở các ngân hàng thời gian qua tăng rất cao, nhưng theo chuyên gia về ngân hàng các con số chưa phản ánh đúng thực tế bức tranh nợ xấu.

Agribank giữ vị trí "quán quân" về dư nợ xấu

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2021 của 29 ngân hàng thì tổng số dư nợ xấu các nhà băng đến thời điểm 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước với gần 124.898 tỷ đồng.

Trong đó, Agribank giữ vị trí "quán quân" về dư nợ xấu với gần 24.429 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm trước (báo cáo tài chính riêng lẻ). BIDV đứng kế sau đó với quy mô nợ xấu ở mức 21.141 tỷ đồng, giảm 1,1%; theo đó, cũng là "ông lớn" duy nhất có nợ xấu giảm sau 6 tháng đầu năm.

Hai nhà băng còn lại trong nhóm 4 ngân hàng lớn là VietinBank và Vietcombank đứng lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 5 với 14.477 tỷ đồng (tăng 52,1%) và 6.865 tỷ đồng (tăng 31,3%).

Agribank giữ vị trí "quán quân" về dư nợ xấu
Agribank giữ vị trí "quán quân" về dư nợ xấu

Đối với VietinBank, tính đến hết năm 2020, tổng nợ xấu của VietinBank là 9.518 tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo đến hết quý II năm 2021, nợ xấu của ngân hàng này bất ngờ tăng vọt lên mức 14.476 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn, nợ có khả năng mất vốn lại tăng so với cuối năm 2020.

Vẫn biết nợ xấu của các ngân hàng nói chung là không thể tránh khỏi, nhưng VietinBank vốn là một ông lớn của ngành Ngân hàng thì lý do vì sao lại để nợ xấu tăng cao vậy. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, nhân lực hao kiệt thì những khoản vay VietinBank đã giải ngân có gặp bất chắc gì không. Từ đó VietinBank sẽ phải có giải pháp gì cho những khoản vay của doanh nghiệp trong thời gian tới?

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Ngân hàng Bản Việt và PG Bank là hai nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai và thứ ba với mức lần lượt là 2,81% và 2,67%.

Bên cạnh đó, top các ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất tính đến hết 30/6 còn bao gồm Sacombank, VIB... Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% bao gồm ABBank, Eximbank, VietABank và đều có tên trong top 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất tính đến cuối quý II/2021.

Nợ xấu tăng nhưng vẫn chưa đúng thực chất

Bình luận về bức tranh nợ xấu tại các ngân hàng liên tục tăng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng cho biết, khi dịch bệnh ở Việt Nam bắt đầu vào khoảng tháng 3/2020 thì đến vào khoảng tháng 5 nền kinh tế mở cửa trở lại và có một lần thứ hai vào khoảng tháng 8. Qua những lần như vậy thì nền kinh tế chỉ bị tác động trong một chừng mực nào đó. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông số 01 năm 2020 vào tháng 3, cho phép các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách giảm lãi suất, không chuyển nhóm nợ, nhờ đó các ngân hàng vẫn cơ bản kiểm soát được nợ xấu.

Hết quý II năm 2021, nợ xấu của Viettinbank ở mức 14.476 tỷ đồng
Hết quý II năm 2021, nợ xấu của Viettinbank ở mức 14.476 tỷ đồng

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn năm 2020 rất nhiều. Đặc biệt, sự tác động mạnh mẽ của đợt dịch lần thứ 4, khiến cho tình hình nợ xấu tồi tệ hơn rất nhiều, mặc dù Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01 năm 2020, nhưng không lường trước được làn sóng COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ nợ xấu theo sổ sách của các ngân hàng hiện nay chưa thể hiện một cách thực chất.

Bởi, cần lưu ý là Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước ban hành thay thế cho Thông tư 01 đã cho phép ngân hàng không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, do đó nợ xấu tại nhiều ngân hàng không tăng, trong khi dư nợ cho vay tăng cao hơn, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu có thể giảm. Nhưng về thực tế, số tuyệt đối nợ xấu lại tăng.

Đồng thời, lợi nhuận của ngân hàng cũng bị thổi phồng lên. Vì, theo quy định đối với nợ xấu, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủ ro (Nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100% dư nợ). Do đó, nếu không chuyển nhóm nợ, ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủ ro dẫn đến chi phí hoạt động giảm, Tiến sỹ Hiếu phân tích.

Có thể bạn quan tâm