Phần lớn các hoạt động sản xuất của thế giới vẫn chưa thể rời khỏi Trung Quốc

Mặc dù các công ty toàn cầu từng không ít lần nhắc tới kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhưng cho đến nay phần lớn các dự định vẫn chưa thành hiện thực…

Với những thách thức địa chính trị hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như các vấn đề về chuỗi cung ứng ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và người tiêu dùng, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc chuyển hoạt động sản xuất toàn cầu ra khỏi “công xưởng của thế giới”. Mặc dù vậy, thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, điển hình là Mỹ, vẫn tiếp tục đạt mức kỷ lục vào năm 2022 và chưa hề có dấu hiệu chậm lại trong tương lai gần.

Thuế quan và chiến tranh thương mại

Trong khi cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger được cho là là người đã có công kết nối Trung Quốc với phương Tây dưới thời cựu Tổng thống Richard Nixon, thì mãi cho đến năm 2000 Mỹ mới công bố bình thường hoá vĩnh viễn quan hệ thương mại với Trung Quốc - một chỉ định pháp lý cho phép các quốc gia nước ngoài nhận được vị thế ưu đãi, được đối xử tương tự như các thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Động thái này củng cố vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Kể từ đó, phần lớn cơ sở sản xuất của thế giới đã chuyển đến Trung Quốc, bị thu hút bởi nguồn lao động giá rẻ và các chính sách thuận lợi từ chính phủ, bao gồm cả những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và năng lực thương mại. Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã công bố một kế hoạch tham vọng có tên là “Made in China 2025”, tập trung vào sự phát triển của 10 lĩnh vực chính từ công nghệ thông tin, robot, năng lượng mới thông qua công nghệ sinh học và máy móc nông nghiệp, đến thiết bị hàng không, hàng hải và đường sắt.  

hoạt động sản xuất

Tuy nhiên, sự trỗi dậy ngoạn mục của kinh tế Trung Quốc đã tạo ra nhiều thách thức địa chính trị, từ các cáo buộc gián điệp, ăn cắp tài sản trí tuệ cho đến các hoạt động thương mại không công bằng, dẫn đến một cuộc chiến thương mại liên tục leo thang giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Vào năm 2018, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 để áp dụng thuế quan đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Từ đó, các công ty toàn cầu phải chịu áp lực lớn và tìm cách chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các điểm đến khác chẳng hạn như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.

Sau khi đại dịch Covid-19 gây ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đã có những lời kêu gọi đưa hoạt động sản xuất “nearshoring”, tức là thuê các nhà cung cấp bên thứ 3 có vị trí địa lý gần với khu vực hoạt động của công ty thuê — chẳng hạn như xây dựng các nhà máy ở Mexico cho thị trường Mỹ — hay thậm chí là chuyển việc sản xuất về địa phương. 

Bất chấp những áp lực tài chính và chính trị đáng kể này, nhưng rất nhiều công ty vẫn không có ý định hoặc chần chừ trong việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc bởi chính hệ sinh thái sản xuất chặt chẽ của quốc gia này. 

Hệ sinh thái sản xuất toàn diện

Joseph Eiger, giám đốc điều hành của một công ty chuyên tìm nguồn cung ứng toàn cầu cho hoạt động sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, nhấn mạnh vào trình độ tay nghề của công nhân và một hệ sinh thái toàn diện của Trung Quốc. 

Trung Quốc từ lâu đã triển khai một chiến lược để đảm bảo toàn bộ các mắt xích của chuỗi cung ứng sản xuất được đặt ở cùng một khu vực địa lý và đã làm chủ từng bước của quy trình.

Hầu hết các công ty trong sản xuất đều sử dụng nhiều linh kiện từ các công ty khác. Họ có thể cần những vật liệu cơ bản như thép hoặc polyetylen; các thành phần đơn giản như dây hoặc sơn; hay một số nguyên liệu phức tạp như thiết bị điện tử hoặc vỏ bọc được chế tạo theo yêu cầu. Trung Quốc có sẵn một mạng lưới các nhà cung cấp như vậy. Hầu hết bất cứ một thành phần sản xuất nào mà doanh nghiệp cần đều có thể được tìm thấy ở Trung Quốc. Và việc tìm kiếm là khá dễ dàng bởi trong văn hóa kinh doanh của Trung Quốc luôn nhấn mạnh việc kết nối các đối tác với nhau. 

hoạt động sản xuất

Nếu một nhà bán lẻ ở Mỹ hoặc Canada muốn chuyển hoạt động sản xuất hàng dệt may ra khỏi Trung Quốc, họ sẽ phải chuyển toàn bộ hệ sinh thái theo đó. Hoặc sẽ cần tìm nguồn nguyên liệu đầu vào cần thiết ở các quốc gia diễn ra quá trình sản xuất cuối cùng, ví dụ như Bangladesh. Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện mới chỉ là địa điểm tốt ở quy mô nhỏ cho các sản phẩm cụ thể, nhưng chưa quốc gia nào khác có thể xử lý khối lượng hoặc nhiều loại hàng hóa như tại Trung Quốc. 

Trong khi đó, việc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể sẽ đặt ra những vấn đề mới cho ban quản lý nhà máy và công ty. Các quy định và cách điều hướng hệ thống quy định ở từng quốc gia sẽ khác. Cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đường xá và bến cảng, có thể chỉ phù hợp ở một số vùng nhất định chứ không phải khắp mọi nơi.

Nói tóm lại, chi phí liên quan đến việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc đơn giản là vẫn quá cao. Chừng nào hệ sinh thái dành cho hàng hóa vẫn còn ở Trung Quốc, thì thị phần đáng kể của nước này trong sản xuất của thế giới cũng vậy.

Do đó, trong tương lai, các quốc gia khác như Việt Nam, Ấn Độ hay Mexico sẽ cần chủ động và nhanh chóng phát triển hệ sinh thái cũng như thế mạnh sản xuất của riêng mình để có thể cạnh tranh với vị thế “công xưởng thế giới” của Trung Quốc. 

Có thể bạn quan tâm