Phó Chủ tịch HBA Bùi Thị Hải Yến: DN trong KCN và khối CNTT cũng cần “giải cứu”

Bà Bùi Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội (HBA), TGĐ Công ty CP Hanel cho rằng các DN trong lĩnh vực CNTT và DN trong các KCN rất cần sự quan tâm của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra khó lường như hiện nay.
Bà Bùi Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội (HBA)
Bà Bùi Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội (HBA)

Theo bà Yến, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Các cơ quan chức năng của Chính phủ đã triển khai phân loại các doanh nghiệp (DN) để sắp xếp các DN vào danh sách và mức được hỗ trợ tùy theo loại hình sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động, và khả năng “trụ” được qua dịch và một số tiêu chí khác.

Trong danh sách này không có các DN CNTT. Trong khi đó có rất nhiều DN CNTT cũng đang gặp khó khăn và rất cần sự trợ giúp của Chính phủ.

Nhưng thực tế dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội cho các giải pháp của các DN CNTT Việt Nam phát triển tốt trong bối cảnh nhiều cơ quan cho phép cán bộ công nhân viên, học sinh… làm việc, học tập tại nhà, thưa bà?

Thực tế dịch Covid-19 tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều giải pháp của DN CNTT khi nhiều hoạt động kinh tế, xã hội như giáo dục, đào tạo, y tế, cung cấp dịch vụ công, thương mại điện tử,… chuyển mạnh sang sử dụng các phương tiện trực tuyến. Tuy nhiên các giải pháp này chủ yếu đến từ số ít các nhà cung cấp hạ tầng kết nối và dịch vụ trực tuyến như Viettel, VNPT,… Số lượng DN này là rất nhỏ so với tổng số hơn 50.000 DN CNTT trong cả nước (theo Cục CNTT, Bộ TTTT, 2018).

Trong khi đó, ước tính có trên 98% DN CNTT đang gặp những khó khăn tương tự như các DN thuộc các ngành nghề khác. Đặc biệt các DN đổi mới sáng tạo (startup), tư nhân và SMEs sẽ bị triệt tiêu. Điều này sẽ tạo sự nguy hại cho chỉ số đổi mới sáng tạo và hiệu quả của hệ sinh thái CNTT Việt Nam.

Cụ thể về những khó khăn của DN CNTT là như thế nào, thưa bà?

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các DN CNTT đang bị sụt giảm thị trường một cách nghiêm trọng với tỉ lệ từ 30% - 90% vì phải giảm hoạt động đầu tư công nghệ, ưu tiên cắt giảm, tiết kiệm chi phí để duy trì hoạt động qua mùa dịch bệnh.

Bên cạnh đó là hiện tượng khách hàng hủy hợp đồng mua thiết bị đã ký hoặc thậm chí mất khả năng chi trả trong khi DN vẫn phải thanh toán cho nhà cung cấp. Trong khi đó, số DN kinh doanh thiết bị điện tử - CNTT chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số DN CNTT cả nước.

Các dự án công nghệ triển khai với khối Chính phủ cũng bị chậm lại, do Chính phủ đang ưu tiên các hoạt động chống dịch.

Đặc biệt, khoản lương trả cho cán bộ công nhân viên trong ngành CNTT cũng khá cao so với các ngành khác nên các khoản thuế, BHXH và các khoản khác liên quan đến người lao động cũng theo đó mà DN phải chi rất cao. Do vậy để đảm bảo cho người lao động và duy trì được đội ngũ kỹ sư công nghệ là một chi phí và gánh nặng quá lớn đối với DN CNTT trong giai đoạn này.

Vậy bà có đề xuất gì đối với Chính phủ để các DN trong lĩnh vực CNTT có thể vực vậy và vượt qua giai đoạn khó khăn này, thưa bà?

Với những khó khăn của DN CNTT như kể trên, tôi cho rằng các DN CNTT cũng cần được đưa vào danh sách bổ sung trong những ngành và lĩnh vực được hưởng hỗ trợ trong đại dịch này đối với các chính sách về thuế, tiền thuê đất, giảm lãi suất NH, chậm đóng BH, và các chính sách khác giành cho các DN. Điều này sẽ giúp các DN CNTT tháo gỡ khó khăn và có thể bắt nhịp ngay trong việc tăng tốc khi dịch bệnh qua đi.

Dịch Covid-19 tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều giải pháp của DN CNTT. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng DN CNTT đang "sống khoẻ" trong mùa dịch.
Dịch Covid-19 tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều giải pháp của DN CNTT. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng DN CNTT đang "sống khoẻ" trong mùa dịch.

Các giải pháp trực tuyến, giải pháp CNTT sẽ trở nên là dịch vụ cần thiết như điện, đường, trường, trạm. Vì thế Chính phủ cần khuyến khích các giải pháp sáng tạo từ các DN Việt Nam để phát triển các hạ tầng thiết yếu này…

Ngoài đề xuất về việc các doanh nghiệp CNTT cũng cần được hỗ trợ thì bà còn có băn khoăn nào khác?

Ngoài lĩnh vực CNTT đã đề cập trên, tôi cũng muốn Chính phủ hỗ trợ các DN hoạt động tại các khu Công nghiệp (KCN).

Tôi đề xuất vậy là bởi các DN trong các KCN, KKT tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển và có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH đất nước. Cụ thể, năm 2019 DN trong các KCN đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng khoảng 11% so với năm 2018); nộp ngân sách nhà nước (NSNN) gần 130 nghìn tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018); tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.

Nếu các KCN hoạt động ổn định và an toàn trong tình hình diễn biến của dịch bệnh là phần nào giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội và bài toán kinh tế cho chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, đây lại là một môi trường được đánh giá có nguy cơ rất cao về khả năng lây nhiễm. Và thực tế đã xảy ra tại Bắc Ninh khi mới đây một công nhân làm việc tại nhà máy Samsung đã nhiễm bệnh Covid-19.

Vậy giải pháp cho vấn đề này theo bà nên như thế nào, thưa bà?

Chúng ta cần phải có những biện pháp phòng chống cụ thể, chuẩn xác và quyết liệt để tránh xảy ra những việc tương tự vì chỉ cần một DN có người bị lây nhiễm sẽ có thể dẫn đến đóng cửa cả nhà máy. Nặng hơn có thể phải cách ly cả một KCN và các khu dân cư có người lao động sinh sống xung quanh đó. Điều đó sẽ là một tổn thất về kinh tế không chỉ cho một DN, một KCN mà nó còn đồng nghĩa sẽ tạo gánh nặng cho Nhà nước trong các chi phí và hoạt động chống dịch bệnh.

Chính vì vậy tôi đề xuất, thứ nhất, Chính phủ cần xác định các DN quản lý KCN và các DN hoạt động trong các KCN là các DN có nguy cơ rủi ro cao và cần sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ hai, Chính phủ nên có những trao đổi riêng với các DN này để cùng thống nhất những ưu đãi hỗ trợ cho những DN quản lý KCN.

Thứ ba, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Chính phủ cần có thêm các hướng dẫn, bộ quy tắc trong việc phòng chống dịch và bộ quy tắc hành động khi DN có người nhiễm giành cho khối DN quản lý KCN và DN hoạt động trong KCN, KKT. Việc ban hành bộ quy tắc hành động này sẽ nhằm thống nhất và dễ đánh giá việc kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh từ nhóm này cũng như sẽ tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho các DN khi phải tự xây dựng nên một quy tắc cho DN mình.

Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm