Phó chủ tịch Tập đoàn FLC: “Nếu có thêm điểm tựa, doanh nghiệp sẽ bứt phá”

“Khi DNNN đã cổ phần hoá, trách nhiệm sẽ đặt lên vai người lãnh đạo cũng như những người lao động là cổ đông sở hữu DN đó. Họ sẽ ý thức rõ hơn ai hết phải nỗ lực, chủ động để làm việc hiệu quả, gia tă
Phó chủ tịch Tập đoàn FLC: “Nếu có thêm điểm tựa, doanh nghiệp sẽ bứt phá”

Đây là chia sẻ của Tiến sĩ- Luật sư Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC với Tạp chí Thương Gia về những thử thách, thời cơ của một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đã biết tận dụng cơ hội trong khủng hoảng để vươn lên trở thành “ông lớn” trong ngành bất động sản…

Thị trường là cơ chế “sàng lọc” công bằng

Thưa bà, các chính sách, chủ trương hiện nay của Đảng và Nhà nước đều nhấn mạnh vai trò nòng cốt của DN, doanh nhân, đặc biệt là DNTN trong phát triển kinh tế đất nước. Điều này đã thể hiện thế nào trong hoạt động DN hiện nay?

Trước đây, các DNNN đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đặc quyền... Hơn 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã chú trọng tái cơ cấu khu vực DNNN, rất nhiều DN đã được CPH, niêm yết trên sàn, tạo sân chơi bình đẳng trên thị trường. Cùng với đó là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của nhiều DNTN cũng như xuất hiện các tỷ phú đô la tự thân, góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay trở nên năng động và sôi nổi hơn.

Có thể nói, từ trước đến nay, chưa có khi nào khối DNTN lại được Chính phủ và Nhà nước quan tâm nhiều như vậy. Với sự ra đời của gần một trăm nghìn DNTN trong năm 2016 đã thể hiện tin tưởng của cộng đồng DN đối với nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Và đó là tín hiệu tích cực cho sự phát triển nền kinh tế vĩ mô.

Trong phát triển kinh tế, việc “sàng lọc” DN là quy luật tự nhiên. Theo bà, một chính sách tốt là chính sách làm tăng số đông DN phát triển tốt hay là chính sách làm giảm số DN phải rời thị trường? Liệu có chính sách nào đạt được cả 2 mục tiêu ấy ?

Theo tôi, một chính sách tốt phải mang lại lợi ích cao nhất cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, vì vậy cần phải quan tâm chú trọng cả về mặt chất lượng và số lượng DN. Số lượng DN hoạt động và thành lập mới sẽ là minh chứng rõ nét của một nền kinh tế năng động, phát triển. Muốn như vậy rất cần có thêm những chính sách phù hợp và thu hút càng nhiều DN hơn tham gia vào thị trường. Đồng thời cần thêm những quy định cũng phải kiểm soát chất lượng, “sức khoẻ” của DN. Và chính thị trường sẽ là cơ chế “sàng lọc” tốt nhất để loại thải những DN không đủ năng lực, kém hiệu quả.

TS- LS Hương Trần Kiều Dung trò chuyện với PV Tạp chí Thương Gia 

Thực tế tại Việt Nam, sau khi tiến hành cổ phần hoá (CPH), Nhà nước thoái vốn tại các DNNN lớn nhỏ, chuyển sở hữu cho tư nhân làm chủ, điều hành thì đã có nhiều DN kinh doanh hiệu quả hơn, tăng trưởng cao... Những sự thay đổi tích cực về “sức khoẻ” của DN cho thấy chủ trương, chính sách đúng hướng sẽ khích lệ các DN đó tự thân vận động, bứt phá nhanh chóng.

Theo bà, đâu là những điểm hạn chế kìm hãm DNNN phát triển mà các DNTN đã khắc phục được? Còn việc quản lý vốn và tài sản khi chuyển giao sang DNTN đã thay đổi ra sao?

Rõ ràng việc CPH các DNNN đã cho thấy rõ hiệu quả tích cực. Thứ nhất, các DN hoạt động hiệu quả hơn bởi vì DN không còn được hưởng những chế độ bao cấp của Nhà nước nữa, bản thân họ phải tự vận động làm sao để tăng năng lực cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Thứ hai, việc CPH sẽ làm tăng thêm trách nhiệm của người lãnh đạo và người lao động trong DN. Trước đây, DNNN thường mang tính trách nhiệm tập thể, còn khi đã CPH thì trách nhiệm mang tính cá nhân của chính người lãnh đạo cũng như bản thân người lao động - là những cổ đông sở hữu một phần DN đó. Họ có ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản DN có hiệu quả hơn, luôn ý thức làm sao để gia tăng giá trị và tài sản của DN.

M&A làm “hồi sinh” nhiều dự án

Có ý kiến cho rằng, thương vụ M&A tại Việt Nam đang diễn biến theo hướng thâu tóm, thao túng DN, gây ra những bất ổn, xáo trộn, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh… Quan điểm của bà về vấn đề này?

Cũng không thể phủ nhận có những giao dịch M&A ở Việt Nam diễn ra khiến cho thị phần kết hợp của các DN trở nên quá lớn, thậm chí dần hình thành vị thế độc quyền trên thị trường, như ở lĩnh vực bán lẻ… làm giảm sức cạnh tranh của các DN nhỏ cũng như ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh chung. Đôi khi DN cũng thực hiện M&A để loại bớt những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với họ.

Về tổng thể, tôi đánh giá M&A là hoạt động rất quan trọng, đóng góp tích cực tới sự phát triển nền kinh tế và là xu hướng tất yếu của bất kỳ quốc gia nào.

Tôi cho rằng chính hoạt động M&A góp phần làm “hồi sinh” nhiều dự án, đặc biệt là dự án bất động sản, vì có thể coi M&A là hoạt động mang tính cộng sinh để tận dụng thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên thị trường. Do đó, hoạt động này rất cần được quan tâm, làm sao để phát triển lành mạnh tạo sân chơi cho nhiều DN tham gia hơn nữa.

Hoạt động M&A ở lĩnh vực BDS nhắm tới các DNNN thoái vốn, CTCP làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ nhưng sở hữu quỹ đất lớn, vậy M&A có vai trò như thế nào đối với thị trường BĐS và yếu tố nào là quan trọng?

Trong những năm vừa qua, M&A diễn ra rất sôi nổi tại Việt Nam và đã ghi nhận những thương vụ M&A lớn, đặc biệt ở lĩnh vực BĐS đã mang lại sự “hồi sinh” cho rất nhiều dự án mà các chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính và năng lực triển khai dự án. Từ đó góp phần thay đổi diện mạo cho nhiều thành phố và địa phương tại Việt Nam.

Bản thân Tập đoàn FLC đã và đang thực hiện hoạt động M&A nhiều dự án trong những năm vừa qua. Nhờ đó, Tập đoàn FLC có bước tiến xa và phát triển nhanh chóng như hiện nay. Bởi vì M&A có ưu điểm là rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý, triển khai dự án, mang lại hiệu quả cao hơn. Khi quyết định M&A một dự án, chúng tôi quan tâm tới các yếu tố: vị trí dự án, hồ sơ pháp lý và giá chuyển nhượng hợp lý.

Mặt khác, hiện nay đã có nhiều quy định pháp luật cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc thu hồi các dự án chậm triển khai, không thực hiện. Cơ chế này sẽ mở ra cơ hội cho các chủ đầu tư khác có điều kiện, năng lực tài chính tiếp tục triển khai dự án. Song đến giờ, việc thu hồi các dự án chậm triển khai chưa thực sự diễn ra mạnh mẽ. Bởi vậy, rất cần phải có những quy định cụ thể, bám sát thực tiễn và hành động quyết liệt hơn nữa.

Hoạt động M&A các dự án BĐS hiệu quả trong các năm vừa qua đã giúp Tập đoàn FLC có bước tiến xa và tăng tốc phát triển nhanh chóng như hiện nay

Tập đoàn FLC hiện đang đầu tư nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn trên cả nước như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Vĩnh Phúc, FLC Quảng Ninh, FLC Hải Phòng… Trước sự cạnh tranh với các đối thủ lớn, tập đoàn sẽ lựa chọn phát triển dự án như thế nào để thành công?

Chúng tôi xác định theo đuổi mô hình BĐS nghỉ dưỡng đúng nghĩa, tức là một quần thể với đầy đủ hạng mục phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thể thao, tổ chức sự kiện… ở quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế. Ở vai trò đi đầu phát triển thị trường, chúng tôi sẽ có lợi thế lựa chọn vị trí dự án đẹp nhất, quỹ đất lớn… để đầu tư các dự án xứng tầm. Dự kiến đến cuối năm 2017, chúng tôi sẽ cho ra mắt thị trường hơn 2.500 căn condotel, 1.400 biệt thự biển, 3.500 phòng khách sạn, 4 sân golf 18 hố.

Tập đoàn FLC muốn khai thác tiềm năng du lịch ở các vùng đất mới, làm thay đổi diện mạo địa phương mà có sẵn lợi thế cảnh đẹp thiên nhiên song chưa được khai thác hiệu quả, để tạo thêm những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Điều đó cũng rất phù hợp với chủ trương, chính sách đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, DN cần có cả yếu tố quan hệ tốt với chính quyền để DN triển khai dự án thành công được, bà suy nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi nghĩ rằng, để thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp cần phải được nhìn nhận như là “quan hệ đối tác”, có sự hỗ trợ và tương tác với nhau. Với những chính sách cải cách của Nhà nước, trong những năm gần đây ở nhiều địa phương, chính quyền đã thực sự cởi mở, và chủ động trong việc xúc tiến đầu tư để mời gọi các DN có năng lực thực sự về đầu tư trên địa phương của mình. Đó là tín hiệu rất tích cực. Chính sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền vận động người dân… sẽ tạo niềm tin, quyết tâm cho các DN, nhà đầu tư khi triển khai dự án trên địa bàn.

Thực tế, khi Tập đoàn FLC đầu tư vào các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bình Định… chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền, ban ngành đã giúp chúng tôi triển khai nhanh chóng nhiều dự án quy mô lớn tại đây. Tuy nhiên, vẫn có địa phương, cấp tỉnh hỗ trợ tích cực, còn dưới cấp cơ sở lại chưa thực sự thông suốt, vẫn còn gây khó dễ cho DN và điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của địa phương.

Chính phủ nhiệm kỳ đang thể hiện quyết tâm cải cách cơ chế, chính sách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói chung và DNTN nói riêng tăng tốc. Môi trường pháp lý Việt Nam hiện đã đủ cho một DNTN tận dụng được những thay đổi của chính sách chưa, thưa bà?  

Cộng đồng DN rất phấn khởi trước những nỗ lực và hành động quyết liệt của Chính phủ nhiệm kỳ mới trong việc cải cách cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng DN thiết thực, hiệu quả hơn. Tuy vậy, việc áp dụng chính sách vào thực tế còn thiếu những quy định hướng dẫn cụ thể, chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình DN, đơn cử: việc tiếp cận nguồn tài nguyên, đất đai, nguồn vốn…

Vì vậy, để các DN tận dụng được các chính sách cải cách của Chính phủ nhiệm kỳ mới thì cần thiết phải có sự quan tâm sát xao hơn nữa nhằm tạo một hành lang pháp lý thông thoáng và phù hợp với những cải cách này. Tôi tin tưởng Chính phủ đang và sẽ nhanh nhanh chóng có những biện pháp kịp thời để đạt được các mục tiêu đó./.

Xin cảm ơn bà!

Bài viết: Hải Hà

Photo: BS Nguyễn - Stylist: Ngọc Bống

>> CEO Tập đoàn FLC: “Chúng tôi không tham làm nhiều dự án…”

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…