Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Zvezda, một chuyên gia văn phòng thiết kế Tupolev cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu của máy bay. Ngoài việc hiện đại hóa trang thiết bị điện tử trên thân, máy bay sẽ được trang bị tên lửa và bom thông thường, bom có điều khiển mới. Những trang thiết bị và vũ khí mới của Tu-22M3M mới sẽ được lắp đặt trên phiên bản nâng cấp Tu-160 Thiên Nga Trắng.
Một chuyên gia khác nói về hai phiên bản thử nghiệm Tu-22M3M, rằng "Các nâng cấp cải tiến được thực hiện dựa trên những kinh nghiệm tác chiến mới có được từ chiến trường Syria. Có thể có hai máy bay cùng thử nghiệm với những nâng cấp cải tiến khác nhau, để đánh giá và xác định những giải pháp tối ưu".
Cách đây không lâu, chiếc Tu-22M3M hiện đại hóa trên kinh nghiệm chiến trường Syria đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Tu-22M3M được lắp ráp tại nhà máy máy bay ở Kazan trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa các máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa tầm xa. Máy bay được trang bị hệ thống radar mới, hệ thống dẫn đường, thông tin liên lạc và tác chiến điện tử hoàn toàn mới. Phi hành đoàn làm việc trong buồng lái kính hoàn toàn, Máy bay được lắp đặt thêm hệ thống tiếp nhiên liệu trên không tăng phạm vi hoạt động. Với những trang thiết bị mới này, phạm vi hoạt động của Tu-22M3M mở rông ra toàn cầu.
Khoang vũ khí và giá treo trên cánh MBD3-U-9M của Tu-22M3M cho phép mang theo tới 24 tấn bom đạn. Nếu là bom FAB-250, máy bay có thể mang 69 quả trong và ngoài máy bay. Bom hạng năng FAB-1500 mang được 8 quả. Trọng lượng tối đa của bom trong khoang vũ khí là 9000 kg. Ngoài ra, máy bay cũng có thể được sử dụng để rải thủy lôi phục vụ cho hải quân.
Máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược tầm xa Tu-22M3 không kích ở Syria
Tu-22M3M được lắp đặt hệ thống ném bom thông thường có độ chính xác cao SVP-24-22 "Hephaestus". Hệ thống này đã được máy bay ném bom chiến trường Su-24 M2 thử nghiệm thành công ở Syria. Thiết bị tự động ném bom chính xác vào mục tiêu dựa trên công nghệ tính toán bay và các thông số liên quan, thả bom đúng thời điểm. Hệ thống "Hephaestus" có thể biến bom rơi tự do thành bom thông minh do độ chính xác cao.
Bom bay PBC-500U "Drel"
Đây là loại bom được lắp đầu tự dẫn SPBE-K do Công ty nghiên cứu khoa học và sản xuất NPO Basalt - thành viên của tập đoàn Tekhmash - sản xuất. Bom có khối lượng 540 kg, chiều dài 3100 mm, đường kính bom là 450 mm. Bom có thể được thả từ độ cao 100 m đến 14000 m, vận tốc phương tiện mang từ 700 km/h đến hơn 1100 km/h. Bom mang theo 15 đầu đạn chống tăng và các phương tiện cơ giới thứ cấp. Ngoài phương án bom cassette, còn có các loại đầu đạn khác như nổ phá mảnh, đầu đạn nhiệt áp, xuyên bê tông chống hầm ngầm….
Khoang bom của Tu-22M3M
PBC-500U "Drel" là loại bom lượn sử dụng đầu dẫn định vị vệ tinh Glonass, tầm bay khoảng 30 km. Bằng phương pháp này, máy bay có thể tấn công mục tiêu trên khoảng cách an toàn, tránh được hỏa lực phòng không của đối phương.
Trong tình huống bom Drel mang theo đầu đạn chống tăng thứ cấp, trên độ cao 250 m so với mục tiêu cụm tăng thiết giáp hoặc các phượng tiện chiến đấu, bom sẽ mở, tung 15 đầu đạn thứ cấp, được trang bị hệ thống tìm mục tiêu radar, đầu thu hồng ngoại trong đầu tự dẫn và thiết bị phát hiện “địch – ta”. Bom cũng đã được áp dụng thử ở chiến trường Syria
Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Kh-32 mới
Tên lửa chống hạm Kh-32 có các tính năng kỹ chiến thuật và kích thước tương tự Kh-22 tiền nhiệm. Do hệ thống trang thiết bị trong tên lửa nhỏ hơn nên tăng được thùng nhiên liệu. Tên lửa được trang bị động cơ mạnh hơn. Đầu dẫn tên lửa trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và radar phát hiện mục tiêu chống gây nhiễu, hệ thống hiệu chỉnh đường bay vô tuyến và tham chiếu địa hình.
Hệ thống lái tự động (autopilot) được thay thế bằng hệ thống điều khiển tự động theo thông số tự dẫn. Tầm bắn tối đa 1000 km, tốc độ khoảng từ 3.5–4.6 Mach ( từ 4000 đến 5400 km/h hay 1100–1500 m/s).
Đặc biệt, tên lửa chống tàu Kh -32 không chỉ chống được tác chiến điện tử (EW_ của kẻ thù, mà còn có khả năng tự thiết lập đường bay ngẫu nhiên, khiến đánh chặn tên lửa rất khó khăn.
Máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược Tu-22M3 trang bị tên lửa Kh - 32 chống tàu
Tên lửa chống tàu siêu âm "Kinzal"
Đầu tháng 03.2019, Nga tuyên bố chính thức đưa vũ khí siêu âm tên lửa chống tàu phóng từ trên không "Kinzal" vào khai thác sử dụng. Phương tiện mang đầu tiên của tên lửa mới là máy bay đánh chặn tầm xa MiG-31. Trong tương lai gần, Tu-22M3M sẽ trở thành phương tiện mang chính của "Kinzal".
Một chuyên gia quân sự độc lập Nga trong cuộc phỏng vấn với trang Topwar cho biết: phạm vi máy bay chiến đấu MiG-31 sử dụng tên lửa siêu âm Kinzal đạt 2.000 km, nhưng máy bay ném bom mang tên lửa Tu-22M3M sẽ đạt phạm vi chiến đấu hơn 3.000 km.
Tên lửa siêu âm Kh-47M2 là tên lửa hành trình không đối đất, được thiết kế nhằm tiêu diệt các mục tiêu bề mặt. Tên lửa siêu âm Kh-47M2 có thể được phát triển từ một trong những tên lửa chiến thuật phức tạp nhất là Iskander. Tính năng quan trọng nhất của "Dao găm - Kinzal" là quỹ đạo đường bay phức tạp và tốc độ siêu âm. Sau khi phóng, tên lửa tăng tốc vào quỹ đạo đạn đạo trên độ cao vũ trụ gần mặt đất và bay theo đường bay không dự đoán được. Tốc độ bay tối đa đạt đến 10-12 nghìn km/h. Những tính năng kỹ chiến thuật này sẽ khiến tên lửa không thể bị đánh chặn.
Tu-22M3M được nâng cấp để trở thành phương tiện mang đường không có thể tấn công các mục tiêu khác nhau trên khoảng cách hàng ngàn km. Không quân Nga dự kiến sẽ nâng cấp khoảng 30 chiếc Tu-22M3M và một số máy bay ném bom chiến lược Tu-160 trước khi những máy bay ném bom mang tên lửa thế hệ mới ra đời.