Starbucks công bố kế hoạch mở cửa 17.000 địa điểm mới vào năm 2030, cắt giảm 3 tỷ USD chi phí

Starbucks đã hé lộ giai đoạn mới nhất trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của công ty, bao gồm việc tăng tốc độ hiện diện toàn cầu và tiết kiệm 3 tỷ USD chi phí trong ba năm tới…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Một cửa hàng Starbucks tại Manhattan, Mỹ
Một cửa hàng Starbucks tại Manhattan, Mỹ

Theo một công bố về “Chiến lược tái tạo 3 lần” (Triple Shot Reinvention Strategy) mới đây, Starbucks đặt mục tiêu 55.000 địa điểm trên toàn cầu vào năm 2030, tăng thêm 17.000 cửa hàng so với số lượng hơn 38.000 hiện tại.

Trong đó, công ty kỳ vọng có được 35.000 địa điểm bên ngoài Bắc Mỹ. Chuỗi cà phê hiện có khoảng 20.200 quán cà phê ở nước ngoài, tính đến ngày 1/10.

Michael Conway, chủ tịch bộ phận phát triển kênh và quốc tế của Starbucks, cho biết trong buổi thuyết trình của công ty: “Ba trong số bốn cửa hàng mới trong thời gian tới dự kiến sẽ được mở bên ngoài nước Mỹ khi danh mục cửa hàng của Starbucks ngày càng được toàn cầu hoá”.

Cũng trong cuộc họp, Starbucks đưa ra hướng dẫn về kế hoạch tiết kiệm chi phí trị giá 3 tỷ USD. Các giám đốc điều hành giải thích, 1 tỷ USD trong khoản tiết kiệm chi phí đó sẽ đến từ việc làm cho các cửa hàng của họ hoạt động hiệu quả hơn. Phần còn lại sẽ đến từ cách tiết kiệm giá vốn hàng bán.

Phần cuối cùng trong chiến lược của Starbucks là dự định tăng lương cho nhân viên pha chế, cụ thể là tăng gấp đôi thu nhập cho họ vào cuối năm 2025 so với năm 2020. Bước nhảy vọt đó sẽ đến từ cả số giờ làm việc tăng lên và mức lương theo giờ cao hơn. Starbucks sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết vào tuần tới.

Thông báo này của công ty được đưa ra sau khi hơn 350 địa điểm Starbucks đã hợp nhất thành công đoàn, theo dữ liệu của Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia của Mỹ (NLRB).

Starbucks và công đoàn vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương lượng tập thể tại bất kỳ địa điểm nào trong số đó và cả công đoàn và NLRB đều cáo buộc Starbucks vi phạm luật lao động liên bang, bao gồm cả việc cố tình trì hoãn tăng lương tại các cửa hàng thuộc công đoàn. Công ty phủ nhận mọi cáo buộc mà công đoàn đưa ra.

Đầu ngày 3/10, Starbucks đã báo cáo kết quả tài chính quý 4 của mình, đánh bại ước tính của Phố Wall về cả thu nhập và doanh thu hàng quý, khiến cổ phiếu công ty tăng hơn 9,5%.

Diễn biến mới này đã đảo ngược khoản lỗ vào đầu năm nay và mang lại cho công ty mức vốn hóa thị trường là 115 tỷ USD, tính đến thời điểm đóng cửa phiên 3/11.

Trong cuộc gọi hội nghị với các cổ đông, giám đốc điều hành Laxman Narasimhan cho biết kế hoạch “tái tạo” được công bố vào tháng 9 năm ngoái đang tiến triển trước thời hạn, thúc đẩy cả doanh số bán hàng và hiệu quả cho Starbucks. Ví dụ: máy pha cà phê nhỏ giọt một cốc mới của chuỗi hiện đã được lắp đặt ở hơn 600 địa điểm.

Để nói rộng hơn, kế hoạch đó nhằm vào nhiều vấn đề đang gây khó khăn cho Starbucks và các nhân viên pha chế trong những năm gần đây. Việc đặt hàng đồ uống ngày càng phức tạp và tốn nhiều thời gian khi đồ uống lạnh trở nên phổ biến hơn và Starbucks đẩy mạnh các sản phẩm bổ sung đắt tiền như bọt lạnh (cold foam).

Khách hàng cũng chuyển sang đặt đồ uống thông qua ứng dụng di động và cơ sở “drive through” nhiều hơn cùng kỳ vọng đơn hàng được xử lý nhanh hơn. Dưới áp lực đó, các nhân viên pha chế đã phải vật lộn để duy trì dịch vụ nhanh chóng cùng chất lượng trải nghiệm cho khách hàng.

Vào năm 2022, cựu Giám đốc điều hành Howard Schultz từng tiết lộ kế hoạch tái cấu trúc nhằm đơn giản hóa hoạt động và cải thiện cả chất lượng cũng như tốc độ phục vụ vào khoảng một năm trước. Chiến lược này liên quan đến thiết bị pha cà phê mới và hình thức cửa hàng cùng với việc tự động hóa nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Howard Schultz sau đó thừa nhận rằng Starbucks đã mắc những sai lầm do tự mình gây ra và lạc lối.

Ông Howard Schultz từ chức vào tháng 3/2023, giao lại quyền điều hành cho Laxman Narasimhan, một người mới gia nhập công ty và cam kết tiếp tục triển khai các kế hoạch “tái tạo” kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm