Sự trỗi dậy của hàng không giá rẻ và nỗi lo của các “ông lớn”

Các hãng hàng không lớn tại châu Á đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của các hãng hàng không giá rẻ, chi phí nhiên liệu tăng, giá vé giảm và kế hoạch mở rộng trên quy mô lớn của các hãng Trung Quốc, t
Sự trỗi dậy của hàng không giá rẻ và nỗi lo của các “ông lớn”

Tình hình kinh doanh ảm đạm khiến hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hồng Kông phải lên kế hoạch cắt giảm 190 cán bộ quản lý (tương đương 1/4 bộ máy lãnh đạo) và sa thải 400 nhân sự khác. Đây là lần cải tổ lớn nhất của hãng này kể từ năm 1998.

Theo tờ Nikkei, tình hình kinh doanh èo uột của Cathay Pacific Airways có một phần nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các hãng hàng không Trung Quốc trên các đường bay quốc tế. Năm 2016, hãng hàng không China Eastern Airlines của Trung Quốc thực hiện 739 đường bay quốc tế, tăng 12% so với năm trước đó và tăng gần gấp đôi so với năm 2012.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều chuyến bay thẳng từ các sân bay nội địa Trung Quốc tới các điểm du lịch tại châu Á, do đó, du khách nước này không cần phải quá cảnh ở Hồng Kông hay Singapore. Ví dụ, du khách Trung Quốc có thể bay với hãng China Southern Airlines hoặc nhiều hãng khác từ Quảng Châu hoặc Thành Đô tới thẳng Nha Trang, Việt Nam.

Trước đây, các hãng hàng không Trung Quốc tập trung chủ yếu vào các đường bay nội địa. Tuy nhiên, hiện nay, các hãng này hiện phải đối mặt với cạnh tranh và thách thức tới từ những tuyến đường sắt cao tốc nội địa.

"Khoảng 3 năm trước, các hãng hàng không Trung Quốc đã thay đổi chiến lược và đầu tư mạnh để mở rộng các đường bay quốc tế”, Corrine Png, Giám đốc điều hành(CEO) của hãng nghiên cứu thị trường vận tải châu Á Crucial Perspective, cho biết.

Năm 2016, nhu cầu vận tải hành khách hàng không tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng 8,9%, trong đó có 4% đến từ du khách Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Tuy nhiên, xu hướng mở rộng quốc tế của các hãng hàng không Trung Quốc tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các hãng hàng không châu Á. Theo số liệu của IATA, giá vé máy bay tại khu vực châu Á giảm khoảng 10% trong năm 2016.

Quý 1/2017, Singapore Airlines báo lỗ ròng 99 triệu USD. Đây là lần lỗ đầu tiên của hãng này trong 5 năm do gặp khó trên các đường bay phải cạnh tranh với các hãng hàng không của Trung Quốc và Trung Đông. Cùng kỳ, lợi nhuận của hãng Thai Airways International cũng giảm một nửa, trong khi lợi nhuận của hãng hàng không China Airlines của Đài Loan cũng giảm 122 triệu USD.

Hãng hàng không Malaysia Airlines cũng phải lên kế hoạch tái cơ cấu với mục tiêu cắt giảm 7.000 nhân sự và thuê một CEO người Đức để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, kết quả không khả quan khiến CEO này phải từ chức chỉ sau một năm.

Ngoài áp lực mang tên Trung Quốc, các hãng hàng không lớn tại châu Á cũng phải đối mặt với sự trỗi dậy của các hãng hàng không giá rẻ.

Hãng hàng hàng không giá rẻ VietJet của Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua hãng hàng không quốc qua Vietnam Airlines về thị phần nội địa trong năm 2017, tờ Nikkei cho biết.

Quý 1/2017, lượng khách của hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia là 9,15 triệu khách, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý của hãng cũng tăng 31% lên 2,2 tỷ Ringgit dù lợi nhuận ròng giảm xuống còn 615,8 triệu Ringgit do giá dầu tăng và đồng USD mạnh.

Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á đang có nhiều kế hoạch mở rộng và dự báo tăng trưởng lượng máy bay ở mức hai con số trong năm 2017 nhờ nhu cầu di chuyển tăng mạnh ở châu Á.

Từ giữa năm 2015, các hãng hàng không lớn hưởng lợi nhờ giá nhiên liệu giảm do giá dầu thô thế giới sụt mạnh. Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu tăng, cơ cấu giá cao khiến tình hình kinh doanh của các hãng này diễn biến xấu đi nhanh hơn so với các hãng hàng không giá rẻ.

Những khó khăn kể trên buộc các hãng hàng không lớn phải có kế hoạch cải tổ. Thai Airways có kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn năm 2015 - 2017. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm 20% nhân sự của hãng này đã phải hoãn lại.

Còn hãng hàng không Singapore Airlines cũng thành lập liên doanh với tập đoàn Tata của Ấn Độ vào năm 2014 và bắt đầu chương trình đào tạo phi công với hãng sản xuất máy Airbus của châu Âu. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả.

Theo Vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…