Công ty của tỷ phú công nghệ Mark Zuckerberg dự kiến sẽ cung cấp thêm chi tiết về dòng tiền điện tử của mình, với tên mã “Libra” trong thời gian sắp tới, trang TechCrunch đưa tin. Các báo cáo ban đầu cho thấy đồng tiền điện tử mới này sẽ cho phép hơn 2 tỷ cơ sở người dùng trên Facebook, Instagram và WhatsApp chuyển tiền và mua hàng hoá mà không mất phí.
Tiền điện tử của Facebook có thể phát triển mạnh ở các thị trường mới nổi, cung cấp một sự thay thế ổn định hơn để chuyển tiền trong các khu vực có tiền tệ biến động và chính phủ không ổn định, theo RBC Capital Markets. Công ty mong muốn Libra sẽ tạo điều kiện thanh toán cá nhân, mua bán thương mại điện tử truyền thống và chi tiêu cho các ứng dụng/dịch vụ trò chơi trên các nền mảng công nghệ thuộc sở hữu của Facebook.
“Chúng tôi cho rằng đây là có thể một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong lịch sử công ty để 'mở khoá' cho những dòng doanh thu và liên kết mới”, nhà phân tích của RBC Capital Markets cho biết trong một lưu ý tới các nhà đầu tư. RBC cũng đưa ra ý kiến về mục tiêu mức giá 250 USD cho cổ phiếu Facebook, tăng từ con số hiện tại là 187 USD.
Nhà phân tích Ross Sandler của Barclays đã dự đoán, tiền điện tử mới có thể định hình lại hoạt động kinh doanh của công ty, mang lại mức doanh thu mới lên tới 19 tỷ USD vào năm 2021.
Facebook đã hợp tác với hơn 10 công ty bao gồm Visa và PayPal – các đơn vị đã đầu tư và sẽ giúp giám sát tình hình sử dụng của tiền điện tử Libra, The Wall Street Journal đưa tin. Tiền điện tử Libra sẽ được gắn với một số loại tiền tệ pháp định (tiền fiat) truyền thống trong nỗ lực bảo vệ nó khỏi sự biến động giá đã gây ảnh hưởng tới nhiều loại tiền điện tử hàng đầu khác như bitcoin.
Tiền pháp định (tiền fiat) là đồng tiền có giá trị được xác lập bởi chính phủ hơn là một hàng hóa có đặc tính vật lý. Quyền lực của chính phủ giúp thiết lập giá trị của tiền fiat. Hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng hệ thống tiền fiat để mua bán, đầu tư và tiết kiệm. Đồng tiền fiat nổi tiếng và quyền lực nhất thế giới hiện tại là đồng USD do Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ liên bang Hoa Kỳ.
Vào tháng Tư vừa qua, các giám đốc điều hảnh của công ty đã cảnh báo về việc Facebook có thể sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 5 tỷ USD để giải quyết cuộc điều tra của Uỷ ban Thương mại Liên bang có liên quan tới các hoạt động bảo mật dữ liệu. Facebook cũng nằm trong số danh sách các công ty công nghệ lớn bên cạnh Google và Amazon, dự kiến sẽ phải chịu sự giám sát của liên bang trong những tháng tới về khả năng vi phạm luật chống độc quyền (antitrust violations).
Theo Fox Business