Chào bà, bà có thể giới thiệu đôi điều về vai trò của Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM? Điều gì đã thuyết phục bà đến nhận nhiệm kỳ tại thành phố này?
Năm 2016, khi nhiệm kỳ công tác của tôi tại Đại sứ quán Bắc Kinh vừa kết thúc thì cũng vừa đúng lúc vị trí Tổng lãnh sự tại TP.HCM đang trống. Tôi muốn thử sức ở vai trò này vì Việt Nam là một quốc gia rất đáng quan tâm. Đây cũng là năm kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan. Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế của hai nước cũng đang có những bước tăng trưởng tốt. Tôi nhận thấy trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Thái Lan. Vì thế tôi rất vui khi được cử đến công tác tại thành phố năng động này với hy vọng được đóng góp xúc tiến mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng tốt đẹp hơn.
Sau gần 2 năm công tác, tôi không hề thất vọng với cơ hội mà mình có được. Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM đang phụ trách các hoạt động đối ngoại song phương tại 3 thành phố và 19 tỉnh từ miền Trung cho đến miền Nam Việt Nam trên nhiều loại hình và lĩnh vực hợp tác như kinh tế, giáo dục, văn hóa hay ngoại giao và đối ngoại nhân dân. Bản thân tôi luôn tin tưởng rằng mối quan hệ giữa người với người là nền tảng rất quan trọng cho các mối quan hệ giữa các quốc gia.
Mối quan hệ giữa người dân hai nước tốt đẹp sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ tổng thể giữa hai quốc gia trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, Lãnh sự quán còn được coi là một cơ quan đại diện cho hình ảnh của cả đất nước. Vậy bà đã làm thế nào để không chỉ bản thân mình mà cả những nhân viên có thể hiểu rõ sứ mệnh này?
Việc đầu tiên tôi làm khi đảm nhận một công việc mới đó là xác định rõ nhiệm vụ cũng như các thế mạnh và thách thức của bản thân và của cơ quan. Những thách thức của chúng tôi có thể kế đến như việc hạn chế trong vấn đề liên hệ công tác với các cơ quan Trung ương của Việt Nam và quy mô nhân sự của cơ quan chúng tôi cũng có giới hạn. Vì vậy, để quản lý và xử lý công việc được thông suốt, chúng tôi tuyển dụng những nhân viên có nhiều kinh nghiệm trong môi trường này đồng thời ưu tiên kỹ năng đa nhiệm của họ. Việc quan sát, phân tích tình hình từ những vấn đề rất nhỏ như vậy giúp tôi điều hành, quản lý đội ngũ đi đúng hướng và đạt được những mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tôi cũng xác định rõ vị trí và vai trò quản lý của mình để thực nhiệm vụ theo đúng với chính sách của Nhà nước.
Luôn coi trọng mối quan hệ giữa người và người, nên tôi rất quan tâm tìm hiểu thế mạnh của từng nhân viên, xây dựng nhóm làm việc để họ phát huy khả năng. Tôi chưa từng phiền hà vì những điểm yếu của nhân viên mà xem đó là cơ hội để thử thách kỹ năng quản lý của chính mình. Tôi luôn nhắc nhở nhân viên tạo thói quen trao đổi trực tiếp về công việc hay vướng mắc với nhau để nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết vấn đề, cũng là cách để hiểu rõ đồng nghiệp. Trong mọi lĩnh vực, yếu tố con người là điều quan trọng nhất. Là một người đứng đầu Lãnh sự quán Thái Lan, bản thân tôi phải làm cho nhân viên nhận thấy rằng họ đang đại diện cho đất nước Thái Lan. Kết quả công việc của họ cũng là kết quả chung của Tổng Lãnh sự quán. Họ nên và cần phải tự hào, trân trọng vì những đóng góp ấy.
Một trở ngại thường gặp đối với các nhân sự bản xứ khi làm việc trong Lãnh sự quán nước ngoài là khác biệt văn hóa giữa hai quốc gia. Vì vậy, tôi đặc biệt quan tâm và thường xuyên hỏi han họ, cũng như đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, khuyến khích họ trình bày suy nghĩ để tránh trường hợp hiểu lầm và không xảy ra việc đỗ lỗi lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều đã từng mắc phải sai lầm. Và ai cũng xứng đáng nhận thêm một cơ hội nữa.
Vậy nếu có thể mô tả về chính mình bằng 3 từ thì bà sẽ chọn những từ nào?
Tôi sẽ nói rằng đó là “suy nghĩ tích cực, đam mê và chuyên nghiệp”. Châm ngôn của tôi là làm việc bằng 100% khả năng. Nếu kết quả không như mong đợi thì chúng ta có thể cùng ngồi lại, rút ra những bài học từ sai lầm, từ đó cải thiện cho những công việc tiếp theo được tốt hơn. Suy nghĩ tích cực là cách tốt nhất để giữ cho mình thái độ tích cực. Bên cạnh đó, bạn cần phải đam mê, hay nói cách khác là yêu công việc của mình. Bởi nếu không bạn sẽ cảm thấy thấy rất mệt mỏi khi phải giải quyết một khối lượng công việc quá lớn mỗi ngày. Tôi nghĩ niềm đam mê không chỉ cần thiết trong công việc mà còn phải được đặt trong tất cả những điều mà chúng ta làm không kể lớn hay nhỏ. Còn về “chuyên nghiệp”, đây là tính cách quan trọng mà tất cả mọi người phải có chứ không chỉ đối tượng lãnh đạo. Chúng ta không thể ủng hộ một người chỉ vì thích họ, hay tự đưa ra quyết định chỉ vì muốn mà không có bất kỳ sự tham vấn từ ai. Trong công việc không có chỗ cho quyết định cảm tính. Đối với những quyết định lớn, bạn phải có quan điểm hợp lý và rõ ràng, cũng như giải thích được lý do đưa ra quyết định đó.
Trong nhiệm kỳ của mình tại TP.HCM, chắc hẳn bà đã từng gặp gỡ những nữ doanh nhân tại Việt Nam. Có điều gì bà cảm thấy trân trọng ở những người phụ nữ làm kinh doanh?
Những nữ doanh nhân Việt thời đại mới đã và đang có những bước tiến rất xa so với thế hệ trước. Họ có nhiều hoài bão lớn lao và đủ khả năng để định hình được bước đi trong tương lai. Họ làm việc và cống hiến vì mong muốn được công nhận và xa hơn là được đóng góp sức lực cho cộng đồng. Tôi nghĩ rằng họ đáng được khích lệ và tạo điều kiện để phát triển hơn nữa trong công việc trên cơ sở vai trò truyền thống mà họ phải đảm nhận. Điều quan trọng là họ cần phải biết giữ cân bằng giữa gia đình và công việc.
Bà đánh giá mình là mẫu phụ nữ truyền thống hay hiện đại, thưa bà?
Tôi nghĩ mình là mẫu người có cả hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Và tôi tin rằng phụ nữ chúng ta nên linh hoạt hơn, không cần quá tách bạch giữa hai yếu tố “hiện đại” và “truyền thống” mà thay vào đó nên hòa hợp chúng trong cùng một thời điểm. Để trau dồi và phát triển kỹ năng của bản thân, chúng ta cần học hỏi rất nhiều những yếu tố “hiện đại” mới mẻ trong việc giáo dục, công việc, hiểu biết về thế giới… Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tôn trọng các giá trị “truyền thống” trong cuộc sống. Tất cả nếu có thể hòa quyện hài hòa sẽ đem đến cuộc sống viên mãn hơn cho phụ nữ.
QUICK QUESTIONS Bà thường làm gì với gia đình vào thời gian rảnh rỗi? Chúng tôi cùng nấu ăn hay đi du lịch. Bà đánh giá như thế nào về thế hệ nữ doanh nhân trẻ của Việt Nam? Họ rất tài giỏi, thoải mái, năng động và dễ gần. Lợi thế của phụ nữ khi làm trong ngành Ngoại giao? Đó là sự tự tin và nhạy cảm. Một lời chúc dành cho phụ nữ? Phụ nữ hiện tại ngày càng có nhiều cơ hội để tự khẳng định mình trong mọi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ biết cách nắm lấy cơ hội của mình và thực hiện điều đó tốt nhất, không chỉ vì bản thân mà còn vì cộng đồng, xã hội, không quan trọng kết quả nhỏ hay lớn. |