Trung Quốc bắt đầu giải quyết núi nợ 29.000 tỷ USD?

​Với gần 29 nghìn tỷ USD nợ, Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho 1 cuộc tháo gỡ đòn bẩy tài chính (deleveraging) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Trung Quốc bắt đầu giải quyết núi nợ 29.000 tỷ USD?

Mấy năm trở lại đây, các công ty Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trên con đường “chinh phục” thế giới với hàng loạt vụ thâu tóm tài sản ở nước ngoài nổi đình nổi đám có tổng giá trị lên đến 343 tỷ USD. Trong số đó có thể kể đến vụ tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú giàu thứ hai cả nước Wang Jianlin mua hãng phim Hollywood Legendary Entertainment với giá 3,5 tỷ USD năm 2016, tập đoàn bảo hiểm Anbang mua lại khách sạn hạng sang Waldorf Astoria hay Fosun International thâu tóm Club Méditerranée SA and Cirque du Soleil.

Tuy nhiên làn sóng thâu tóm ấy bất chợt ngừng lại khi tháng 6 vừa qua, cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Trung Quốc ra lệnh yêu cầu các ngân hàng phải xem xét kỹ lưỡng các khoản vay giải ngân cho 4 tập đoàn Dalian Wanda, Anbang, Fosun và HNA (tổng cộng 4 tập đoàn này đã thực hiện các thương vụ thâu tóm cả ở trong và ngoài nước với tổng giá trị 75 tỷ USD). Trong đó một số ngân hàng lớn đã ngừng giải ngân khoản vay mới cho tập đoàn hàng không và đóng tàu HNA. Còn một số nguồn tin cho hay Anbang bị giới chức yêu cầu bán các tài sản ở nước ngoài.

Lãnh đạo các tập đoàn tư nhân lớn của Trung Quốc vừa trải qua đợt mở rộng tín dụng lớn nhất trong lịch sử. Để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã “mở van tín dụng” để kích thích kinh tế nhưng dường như đến nay chiếc van ấy chưa bao giờ thực sự được đóng lại. Kết quả là đến nay tổng nợ của Chính phủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới hơn 28.800 tỷ USD, tương đương 258% GDP. Trong đó khoản lớn nhất là nợ của các doanh nghiệp (vào khoảng 17.000 tỷ USD), đặc biệt là những tập đoàn nhà nước hoạt động trong nhiều ngành từ thép, xây dựng đến bất động sản.

Tình trạng này càng kéo dài, kinh tế Trung Quốc càng gặp phải nhiều rủi ro. Theo báo cáo mới đây của IMF, vì núi nợ này mà tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm từ mức 6,9% của 6 tháng đầu năm 2017 xuống chỉ còn 5% vào năm 2021. Trong kịch bản tệ hơn, con số giảm xuống mức 3% nếu Trung Quốc phải trải qua 1 cuộc khủng hoảng tài chính. Nomura cũng nhận định rủi ro từ nợ của Trung Quốc có thể lan ra toàn thế giới.

Liệu động thái lần này của Trung Quốc đã đủ mạnh mẽ? Trên thực tế, trong quá khứ Trung Quốc đã nhiều lần nỗ lực giải quyết triệt để vấn đề nợ nhưng nỗ lực ấy không kéo dài đủ lâu.

Dẫu vậy, một số kịch bản cho 1 cuộc gỡ bỏ đòn bẩy tài chính trên quy mô lớn đang dần nổi lên. Chủ tịch Tập Cận Bình đã hối thúc các cơ quan có liên quan kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước. Phát biểu tại 1 hội nghị tài chính diễn ra ngày 14/7 vừa qua, ông tuyên bố khắc phục tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước là “ưu tiên hàng đầu”.

Theo Tao Dong, chuyên gia của Credit Suisse, Trung Quốc cần 1 quyết tâm chính trị để thúc đẩy quá trình giảm nợ. Thậm chí chuyên gia này coi kỳ đại hội Đảng sắp tới là cơ hội để Trung Quốc quyết tâm thực hiện những cải cách kinh tế có sức mạnh tương tự như những cải cách mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã thực hiện trong thời kỳ cuối những năm 1970.

Hiện nay Trung Quốc vẫn có nguồn lực lớn để giải quyết nợ. Nước này có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ ở mức 3.000 tỷ USD, cộng với lượng tiền tiết kiệm trong dân chúng lên tới 24.000 tỷ USD giúp hệ thống ngân hàng dồi dào tiền mặt.

Điều Trung Quốc cần làm là sẵn sàng để những công ty hoạt động kém hiệu quả phá sản, thay đổi đáng kể cách thức huy động và phân bổ vốn và cuối cùng là ngừng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế một cách cứng nhắc. “Một cuộc gỡ bỏ đòn bẩy tài chính thực sự có nghĩa là quên đi mục tiêu tăng trưởng, phân bổ đồng đều các nguồn lực cho toàn bộ nền kinh tế”, Andrew Polk – đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China nói.

Trong mấy năm trở lại đây, phần lớn tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bị phụ thuộc quá nhiều vào tiền đi vay (thực tế là nợ còn tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua). Khi vốn được bơm vào những doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, đội quân “doanh nghiệp xác sống” được tạo ra. Dù dư thừa sắt thép, than đá và xi măng, Chính phủ Trung Quốc chọn cách cứu vớt các doanh nghiệp trong những ngành này thay vì xóa sổ chúng.

Từ năm 2015 trở về trước, gần như không có vụ vỡ nợ nào trên thị trường trái phiếu Trung Quốc. Năm ngoái cũng chỉ có 31 vụ. Tỷ lệ phá sản ở Trung Quốc là 0,1%, so với mức 2% ở Mỹ.

Bên cạnh đó là thị trường bất động sản phát triển quá nóng, thậm chí nóng hơn cả thị trường nhà đất Mỹ ở thời đỉnh cao năm 2006 nếu xét theo tỷ lệ tương quan với GDP. Trên toàn quốc, có 50 triệu đơn vị nhà ở đã được bán nhưng đến nay vẫn bỏ trống.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc cần được tiếp tục nâng cấp. Hiện khu vực “ngân hàng trong bóng tối” với các định chế tài chính không được quản lý đã có quy mô lên tới 9.600 tỷ USD. Một trong những tác dụng phụ không mong muốn mà chiến dịch hạ nhiệt thị trường bất động sản gây ra chính là các công ty chuyển sang sử dụng những nguồn tín dụng khác không bị kiểm soát. Theo Xu Gao, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Everbright, chỉ riêng trong tháng 3 số nợ không được hạch toán vào bảng cân đối kế toán đã tăng thêm 109 tỷ USD so với tháng trước đó.

Không có lý do nào khiến Trung Quốc trì hoãn các cải cách cho phép giảm dần nợ xuống mức có thể kiểm soát được mà vẫn đảm bảo tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng các nhà lãnh đạo nước này cần nhận thức rằng đó là việc phải làm. Và 1 cuộc dỡ bỏ đòn bẩy không được hoạch định kỹ càng có thể gây nên hậu quả thảm khốc, bằng chứng là sự kiện thị trường tài chính Trung Quốc lâm nguy năm 2015.

Nếu tín dụng tiếp tục được rót vào những ngành kém hiệu quả, đó là 1 sự lãng phí khủng khiếp. Thậm chí cả trong những ngành hoàn toàn mới vốn nhận được nhiều trợ cấp và ưu đãi thuế của Chính phủ cũng đã xuất hiện tình trạng dư thừa. Trung Quốc có thật sự cần tới hơn 200 công ty sản xuất xe điện và 800 công ty robot?

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…