Cuộc khủng hoảng đã khiến các nhà máy ở Đông Âu phải đóng cửa và khiến giá các nguyên liệu thô vốn đã quý giá nay tăng vọt.
Một số nhà máy ở Ukraine đã cố gắng tiếp tục hoạt động trong bối cảnh cuộc chiến nhưng đa phần các công nhân được cho là đã phải nghỉ làm để chạy trốn hỏa lực.
Vào tháng 3, S&P Global Mobility đã cắt giảm dự báo sản lượng ô tô toàn cầu xuống 2,6 triệu xe trong cả năm 2022 và 2023 vì xung đột quân sự. Trường hợp xấu nhất là có tổng cộng 4 triệu xe thiếu hụt.
Sản lượng ô tô của châu Âu dự kiến sẽ giảm khoảng 9% - tương đương khoảng 1 triệu ô tô.
Một phần trong số đó sẽ là do doanh số bán ô tô bị sụt giảm trực tiếp ở Nga và Ukraine, nhưng các quốc gia này cũng chỉ tạo nên một thị phần nhỏ của thị trường ô tô toàn cầu - khoảng 2% tổng số vào năm 2021.
Mối quan tâm lớn hơn là tình trạng thiếu nguyên liệu và phụ tùng đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu, và báo cáo cảnh báo, có thể lan sang các thị trường khác nếu chiến sự tiếp tục.
Ngoài ra, các nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings cũng dự báo rằng vào năm 2022, doanh số bán ô tô toàn cầu sẽ giảm 2% xuống dưới mức năm 2021. Đó là sự sụt giảm đáng kể so với mức tăng 4% -6% trong doanh số bán hàng cho năm 2022 mà nhóm đã dự đoán lần cuối vào tháng 10/2021.
Báo cáo nêu rõ sự gián đoạn nguồn cung cấp các bộ phận ô tô quan trọng từ khu vực, có lẽ đáng chú ý nhất là bộ dẫn điện từ Ukraine. Nguyên liệu thô cũng gặp rủi ro - bởi Nga sản xuất khoảng 40% palađi thô trên thế giới - được sử dụng để làm sạch khí thải xe. Khu vực này cũng là nhà sản xuất niken, được sử dụng trong pin xe điện. Ngay cả các khoáng chất và kim loại thông thường, chẳng hạn như sắt, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả những thứ này đều là vật liệu chủ yếu được sử dụng để chế tạo ô tô.