Trung Quốc hỗ trợ hàng tỷ USD cho các ngân hàng Nga

Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD cho các ngân hàng Nga khi các tổ chức tài chính phương Tây rút hoạt động tại nước này trong năm đầu tiên của cuộc chiến Nga - Ukraine….

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ICBC là một trong những ngân hàng Trung Quốc mở rộng tiếp xúc với Nga
ICBC là một trong những ngân hàng Trung Quốc mở rộng tiếp xúc với Nga

Tại Nga, những người tổ chức cho vay Trung Quốc đã dần thay thế vị trí của các ngân hàng phương Tây, vốn phải chịu áp lực gay gắt từ các cơ quan quản lý và chính phủ nước họ để rời khỏi Nga trong khi các lệnh trừng phạt quốc tế khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn nhiều.

Cụ thể, mức độ tiếp cận của Trung Quốc với lĩnh vực ngân hàng Nga đã tăng gấp bốn lần trong 14 tháng tính đến cuối tháng 3 năm nay, trích dẫn dữ liệu chính thức được Trường Kinh tế Kyiv phân tích cho Financial Times.

Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Nga, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) đã tăng tổng mức đầu tư vào Nga từ 2,2 tỷ USD lên 9,7 tỷ USD trong 14 tháng tính đến tháng 3. Trong đó, đầu tư của ICBC và Bank of China chiếm tới 8,8 tỷ USD trong tổng số.

Động thái của 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của chính phủ Bắc Kinh nhằm quảng bá đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ toàn cầu thay thế cho đồng USD.

Ông Andrii Onopriienko, phó giám đốc phát triển của Trường Kinh tế Kyiv, người biên soạn dữ liệu, cho biết: “Những khoản vay mà 4 ngân hàng Trung Quốc dành cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng Nga, phần lớn sử dụng đồng nhân dân tệ thay thế USD và Euro, cho thấy các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng”.

Sự gia tăng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ làm nổi bật chiến lược xoay trục kinh tế của Nga sang Trung Quốc khi thương mại giữa hai nước đạt kỷ lục 185 tỷ USD vào năm 2022.

Trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, hơn 60% thanh toán của Nga cho hàng xuất khẩu của nước này được thực hiện bằng USD và Euro - điều mà chính quyền nước này gọi là “tiền tệ độc hại”. Trong đó nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đến 1%.

Cho đến nay, USD và Euro đã giảm xuống chưa đến một nửa thanh toán xuất khẩu, trong khi đồng nhân dân tệ tăng lên 16%, theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương Nga.

Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Raiffeisen của Áo - ngân hàng nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất vào Nga và hiện là một trong số ít các ngân hàng phương Tây vẫn còn hiện diện ở nước này sau khi một số tổ chức cho vay nước ngoài cắt đứt quan hệ và bán các công ty con vào năm ngoái. Nhưng những cải cách do Điện Kremlin đưa ra vào mùa hè năm ngoái đã khiến các ngân hàng nước ngoài gặp khó khăn trong việc bán các công ty con ở Nga.

Lợi nhuận hoạt động kinh doanh ở Nga của Raiffeisen đã tăng 9,6% lên 867 triệu euro trong sáu tháng đầu năm nay, với việc ngân hàng Áo tăng lương cho nhân viên có trụ sở tại Nga thêm 200 triệu euro. Kể từ đầu 2022 đến đầu 2023, Raiffeisen đã tăng tài sản ở Nga lên hơn 40%, từ 20,5 tỷ USD lên 29,2 tỷ USD.

Nhưng mới đây, ngân hàng đã tiết lộ rằng họ đang tìm cách rút khỏi Nga và đã giảm tài sản của mình xuống còn 25,5 tỷ USD kể từ tháng 3.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang gia tăng áp lực buộc những tổ chức cho vay mà họ giám sát, bao gồm cả Raiffeisen, phải rời khỏi Nga.

Về phía mình, Raiffeisen cho biết họ đang cố gắng tìm cách bán hoặc tách hoạt động kinh doanh tại Nga của mình trong khi vẫn tuân thủ luật pháp và quy định địa phương và quốc tế. “Chúng tôi cam kết giảm thiểu hơn nữa hoạt động kinh doanh ở Nga trong khi tiếp tục thực hiện các giao dịch tiềm năng mang đến lợi ích cho ngân hàng”, Raiffeisen lưu ý thêm.

Nhìn chung, tỷ lệ tài sản ngân hàng Nga do các nhà cho vay nước ngoài nắm giữ đã giảm từ 6,2% xuống 4,9% trong 14 tháng tính đến tháng 3.

Có thể bạn quan tâm