Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục cũng là lúc sinh viên tốt nghiệp đại học phải đối mặt với một bài toán mới. Trong đó, một số buộc phải nhận những công việc lương thấp hoặc chấp nhận những công việc dưới trình độ kỹ năng của họ.
Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 ở Trung Quốc đã đạt mốc kỷ lục 20,4% trong tháng 4, gấp bốn lần tỷ lệ thất nghiệp chung, vào thời điểm hàng triệu sinh viên đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp vào tháng 7 và tháng 8 trong năm nay.
6 triệu thanh niên chưa có việc làm
Theo báo cáo của Goldman Sachs, chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc trong suốt 3 năm đại dịch đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy và doanh nghiệp, khiến toàn bộ nền kinh tế bị đình trệ. Kéo theo đó, sự suy giảm trong lĩnh vực dịch vụ trước khi Trung Quốc mở cửa trở lại, cũng là một trong những lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay.
Yao Lu, giáo sư xã hội học tại Đại học Columbia ở New York nhận định: “Bong bóng” đại học của Trung Quốc cuối cùng cũng vỡ. Việc mở rộng giáo dục đại học vào cuối những năm 1990 đã tạo ra một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp nhưng lại vẫn còn vô số chênh lệch giữa cung cầu lao động có tay nghề cao”.
Theo bài báo của giáo sư Yao Lu đồng tác giả với giáo sư Xiaogang Li tại Đại học Giao thông Tây An đề cập, có ít nhất một phần tư sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm, khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
“Ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học vì không muốn thất nghiệp nên đã chịu đảm nhận những vị trí không tương xứng với trình độ đào tạo và bằng cấp của họ. Những công việc trước đây chủ yếu dành cho những người không có trình độ đại học”, giáo sư Yao Lu cho biết.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy 6 trong số 96 triệu thanh niên từ 16 đến 24 tuổi trong lực lượng lao động thành thị hiện đang chưa có việc làm. Từ con số này, Goldman Sachs ước tính số lượng thanh niên thất nghiệp tại Trung Quốc hiện nay cao hơn 3 triệu người so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
Ông Shehzad Qazi, giám đốc điều hành của công ty tư vấn China Beige Book cho biết: “Triển vọng việc làm giảm sút chắc chắn có thể khiến giới trẻ không hài lòng. Việc không đảm bảo được phúc lợi vật chất cho họ có thể làm đảo lộn cuộc sống của người dân và xã hội”.
Những tác động sâu sắc của việc tốt nghiệp đại học vào thời điểm kinh tế khó khăn đã nhiều lần được ghi nhận ở các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Nghiên cứu từ Đại học Stanford cho thấy những sinh viên tốt nghiệp đại học bắt đầu đi làm trong thời kỳ suy thoái kinh tế thường khó kiếm thu nhập hơn trong ít nhất 10 - 15 năm so với những người tốt nghiệp trong thời kỳ thịnh vượng.
Bài toán nan giải
Tình hình dân số già hóa và suy giảm sinh nở của Trung Quốc sẽ làm giảm dân số hoạt động kinh tế của nước này, có khả năng gây ra những tác động rất tiêu cực cho nền kinh tế.
Vào tháng 4, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một kế hoạch tư vấn công việc phù hợp cho thanh thiếu niên tại 15 địa điểm trên khắp các tỉnh thành địa phương. Các sự kiện đi kèm bao gồm hỗ trợ đào tạo kỹ năng và thực tập, cam kết mở rộng tuyển dụng một lần tại các doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ tham vọng kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp đại học và lao động nhập cư.
Các nhà phân tích cho biết, để giải quyết gốc rễ của vấn đề không phải là một chuyện đơn giản. “Ở nhiều xã hội, bao gồm cả Trung Quốc, thường có nhiều khúc mắc trong thông tin giữa thị trường lao động thực tế và các cơ sở giáo dục đại học. Cả hai không có sự liên kết với nhau”, giáo sư Yao Lu của Đại học Columbia Lu giải thích và cho rằng: “Các trường đại học có một số hiểu biết về tình hình thị trường lao động và những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm, nhưng thường thì sự hiểu biết của họ đã lỗi thời và đôi khi có thể bị bóp méo”.
Ngoài ra, một vấn đề nổi bật khác được các chuyên gia nhắc đến là những kỳ vọng của giới trẻ có trình độ học vấn cao và một nền kinh tế không theo kịp nguyện vọng của họ.
Jean Yeung, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Do sự gia tăng nhanh chóng về giáo dục cho cả nam và nữ, những người trẻ tuổi ngày nay chắc chắn không muốn quay trở lại công việc nhà máy nữa”.
Ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng cao, Trung Quốc dự đoán gần 30 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất khó có thể được lấp đầy vào năm 2025, theo Bộ Nhân sự và An sinh Xã hội. Đó là gần một nửa số công việc trong lĩnh vực này, Bộ cho biết thêm.
“Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao, thúc đẩy nền kinh tế tri thức mạnh mẽ theo định hướng dịch vụ mạnh mẽ”, bà Jean Yeung nói thêm.
Mặc dù vậy, quá trình chuyển đổi này dường như vẫn còn khá nửa vời trong nền kinh tế Trung Quốc, theo ông Shehzad Qazi đánh giá. Bởi một nền kinh tế phát triển mạnh dựa trên dịch vụ cần tới sự hỗ trợ cho khu vực tư nhân, nhưng vấn đề là các công ty vừa và nhỏ không tiếp cận được với tín dụng.
“Phải cho đến khi có những thay đổi nhất định trong chính sách, thì mới có các dịch vụ trong khu vực tư nhân thu hút những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp muốn làm việc trong các ngành công nghiệp mới, các ngành công nghiệp của tương lai và sau đó có thể có quá trình chuyển đổi kinh tế lớn đó”, ông Shehzad Qazi nhấn mạnh.