Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản chuyển hướng sang xe tự lái ​

Nhà sáng lập SoftBank - tỷ phú giàu nhất Nhật Bản, ông Masayoshi Son (60 tuổi), đã bỏ ra 2,25 tỉ USD để chuyển hướng tầm ngắm vào xe tự lái.
Tỷ phú giàu nhất Nhật Bản chuyển hướng sang xe tự lái ​

Tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank vừa nâng tầm vị thế của mình trong làng xe toàn cầu với khoản đầu tư lên tới 2,25 tỉ USD vào mảng xe tự lái của General Motors. Khoản tiền đầu tư lớn bất ngờ này đã khiến thị trường đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó nổi cộm nhất là việc SoftBank thực chất là ai và tại sao họ lại đầu tư vào nền công nghiệp ô tô vào thời điểm này?

Con số 2,25 tỉ mà SoftBank bỏ ra giúp họ thu về 20% cổ phần trong phân nhánh Cruise Automation của GM. Thực ra, con số này chỉ là một trong số hàng loạt khoản đầu tư mà tập đoàn này bỏ ra nhắm vào cuộc đua xe tự lái đang "nóng bỏng tay" trong thời gian qua không chỉ giữa các hãng xe mà cả các nhà cung ứng dịch vụ cùng tập đoàn công nghệ.

Thông qua Quỹ tầm nhìn cùng tên, SoftBank cũng đã đầu tư vào Nvidia - một trong những nhà cung ứng hàng đầu của làng xe tự lái hiện tại cùng Uber - dịch vụ gọi xe từng thể hiện tham vọng cực lớn trong mảng tự lái và robot tự động. SoftBank cũng chính là cổ đông lớn nhất của Uber hiện giờ với 15% cổ phần.

Startup chuyên xe cũ Auto1 cùng Mapbox - một nền tảng phát triển bản đồ điện tử cho các trang web và ứng dụng smartphone cũng là hai đối tượng được SoftBank rót vốn trong thời gian qua. Nếu tính cả những công ty không nằm trong mảng ô tô, "vòi bạch tuộc" của SoftBank có thể nói đã vươn rộng toàn thế giới.

Mục đích của Quỹ tầm nhìn SoftBank là chọn ra những ứng cử viên hàng đầu trong thế giới công nghệ cao có tiềm năng đưa thế giới sang thời đại công nghệ hoàn toàn mới. Giao thông, trí thông minh nhân tạo, robot, các doanh nghiệp dữ liệu lớn, công nghệ tài chính và thậm chí cả sinh học điện toán đều nằm trong tầm ngắm của SoftBank.

Nhà sáng lập SoftBank, ông Masayoshi Son (60 tuổi) là một doanh nhân đồng thời là tỉ phú tự mình lập nghiệp. Trước kia, ông đã được Steve Jobs hỗ trợ bước chân vào lĩnh vực viễn thông trong thời điểm mà người tiêu dùng Nhật Bản vẫn sử dụng điện thoại gập thay vì smartphone cảm ứng cao cấp. Vị cố CEO Apple đã trao quyền bán iPhone độc quyền cho ông Son tại Nhật Bản từ 2008.

Là người gốc Hàn Quốc lớn lên tại Nhật Bản, vị tỉ phú đã chịu không ít phân biệt đối xử từ người dân bản địa trong khi sự nghèo khổ của gia đình ông chỉ làm cho cuộc đời Son trở nên khó khăn hơn từng ngày. Tuy nhiên, tham vọng của ông không vì thế mà bị dập tắt. Son rời Nhật Bản để hoàn thành chương trình trung học phổ thông tại Mỹ và sau đó vào khoa khoa học máy tính và kinh tế tại ĐH California, Berkeley. Suy nghĩ của ông cũng thay đổi tại đây khi tin rằng máy tính sẽ cách mạng hóa thế giới kinh doanh trong tương lai.

Quay trở lại thời điểm hiện tại, Son đã trở thành người đàn ông giàu nhất Nhật Bản. Trong khi đó, SoftBank Mobile là một trong những dịch vụ di động hàng đầu của xứ sở mặt trời mọc. Họ cũng sở hữu nhà mạng Sprint tại Mỹ, cổng Yahoo tại Nhật và ARM - một nhà thiết kế vi mạch và phần mềm Internet.

Việc ông Son và SoftBank chuyển hướng tầm ngắm vào xe tự lái cho thấy một điều: Họ đã phát hiện ra tiềm năng của mảng công nghệ này cho tương lai. Con số 2,25 tỉ USD nói trên không chỉ giúp GM củng cố tài chính mà còn mở ra cánh cửa cho phép tập đoàn Mỹ kết hợp với các công ty nhận đầu tư của SoftBank trong rất nhiều mảng mà họ cần hiện giờ: Internet of Things, vi mạch,...

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…