Mảng kinh doanh trực tuyến của Uniqlo đang phải vật lộn tại chính quê hương Nhật Bản của mình - nơi thương hiệu này có khoảng hơn 800 cửa hàng chi nhánh. Khó khăn đến với Fast Retailing (công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo) mặc dù trước đó công ty này tuyên bố rằng mảng kinh doanh trực tuyến sẽ là "con át chủ bài" thúc đẩy tăng trưởng doanh số.
Đầu tư sang thương mại là một phần kế hoạch của Fast Retailing trong việc nuôi tham vọng "vượt mặt" Inditex - hãng bán lẻ thời trang số một thế giới hiện nay, chủ sở hữu thương hiệu Zara. Mục đích của dự án phát triển trang web bán hàng của thương hiệu Uniqlo là giải quyết lượng hàng tồn kho và không để chuỗi cung ứng bị tụt hậu so với các đối thủ khác. CEO Tadashi Yanai kỳ vọng bằng việc kết hợp bán hàng trên các cửa hàng thực tế và bán hàng trực tuyến, lượng hàng tồn kho sẽ được bán hết thay vì phải đưa hàng loạt các chương trình đại hạ giá như trước. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của dự án này đến đâu lại là một là một câu hỏi lớn mà chính Fast Retailing nói chung và Uniqlo nói riêng đang phải vật lộn tìm lời giải đáp.
Hồi tháng 3, Fast Retailing cho ra mắt trang web bán hàng mới được tối ưu hóa trên điên thoại thông minh. Trang web này được kỳ vọng sẽ khiến doanh số bán hàng của hãng sẽ tăng khoảng 20%/tháng. Tuy nhiên doanh số bán hàng mảng này chỉ đạt khoảng 6% tổng doanh số nội địa.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh nội địa của hãng lại không được "sáng sủa" như các thị trường nước ngoài. Mới đây, Fast Retailing đã công bố lợi nhuận hoạt động theo quý tăng 7,5%, chủ yếu nhờ vào việc mở rộng kinh doanh ở châu Á, bù đắp cho hoạt động yếu kém tại chính quê nhà Nhật Bản. Doanh thu từ Uniqlo chiếm khoảng 4/5 doanh thu của Fasst Retailing và đã tăng 50,7% trong quý vừa qua. Lợi nhuận của Fast Retailing tại Nhật Bản giảm 18%.
Giám đốc Tài chính của công ty ông Takeshi Okazaki từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào hệ thống trang web bán hàng của Uniqlo và coi thương mại điện tử sẽ giúp công ty tăng trưởng trong bối cảnh ngành may mặc trong nước đang bước vào thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, thời gian gần đây có vẻ như ông ngày càng thất vọng trước tình hình kinh doanh không mấy hiệu quả của mảng bán hàng trực tuyến. Ông nhận định mảng kinh doanh trực tuyến lẽ ra phải tăng trưởng khoảng 30% thì công ty mới hy vọng mảng này tăng trưởng từ 40% đến 50%.
Doanh số bán hàng trực tuyến từ tháng 3 đến tháng 5 tăng 17% lên mức 12,3 tỷ yên Nhật (tương đương 109 triệu USD). Tuy nhiên con số này vẫn chỉ chiếm 6,2% tổng doanh thu của công ty.
Fast Retailing chọn cách sắp xếp lại hệ thống kho vận (logistic) riêng để đối phó với chi phí vận chuyển leo thang và một số nhân tố khác khiến doanh thu mảng kinh doanh trực tuyến "ì ạch" tăng trưởng.
Trước đó, Uniqlo thuê các công ty kho vận khác để vận chuyển hàng hóa vì vậy họ thiếu những chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, kế hoạch cải tổ hệ thống kho vận dường như không mấy phát huy tác dụng khi bản thân chính hệ thống này có nhiều yếu điểm và hạn chế.
Sau tất cả nỗ lực, một số cửa hàng chi nhánh của Uniqlo tại Nhật Bản không còn tập trung mảng mua hàng trực tuyến nữa. Không có nhiều khách hàng của Uniqlo thường xuyên vào trang web của hãng để mua hàng mà thường mua trực tiếp. Điều này cho thấy, Uniqlo cần cố gắng hơn nữa để đưa ra những tiện ích của việc mua sắm trực tuyến đến với khách hàng.
Trang web của Uniqlo được tối ưu hóa trên điện thoại thông minh mới đây đã cho phép khách hàng tìm kiếm những sản phẩm mình muốn bằng hình ảnh.
Tuy nhiên, vẫn còn cả một chặng đường dài mà Uniqlo phải bước tiếp để phát triển mảng kinh doanh trực tuyến của mình. Ông Okazaki cho biết "Công ty vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đẩy doanh số của mảng kinh doanh này". Fast Retailing cần khuyến khích khách hàng chuyển từ mua sản phẩm ở các cửa hàng thực tế sang mua hàng online, đồng thời cải thiện các chiến dịch truyền thông, quảng cáo.
Sẽ không còn nhiều thời gian để Uniqlo lãng phí nhất là trong bối cảnh các gã khổng lồ bán lẻ khác như Amazon cũng đang tập trung mảng thời trang.
Theo Đức Quỳnh/Ndh.vn