Giao thức Bắc Ireland là một phần của thỏa thuận thương mại hậu Brexit yêu cầu kiểm tra một số hàng hóa nhập cảnh vào Bắc Ireland từ phần còn lại của Vương quốc Anh. Bình luận của Ngoại trưởng Truss có khả năng làm trầm trọng thêm nguy cơ Liên minh châu Âu “tức giận” và có thể khơi mào một cuộc chiến thương mại với khối thương mại lớn nhất thế giới.
“Ưu tiên của chúng tôi là đạt được sự thương lượng với EU và chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để đạt được mục tiêu đó và sẽ tiếp tục làm như vậy,” bà Truss cho biết tại Hạ viện Anh. “Chính phủ đã tuyên bố một cách rõ ràng việc tiến hành dự luật thay đổi sẽ là phù hợp với nghĩa vụ của chúng tôi trong luật pháp quốc tế và ủng hộ các nghĩa vụ trước đây trong Thỏa thuận Belfast Good Friday,” bà Truss nói.
Thông báo này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Boris Johnson tổ chức các cuộc đàm phán khẩn cấp tại Belfast nhằm giảm bớt căng thẳng về giao thức Bắc Ireland.
Giao thức Bắc Ireland có hiệu lực vào tháng 1 năm ngoái vì cần có các thỏa thuận thương mại đặc biệt sau khi Anh rời EU. Nghị định thư được thiết kế để tránh sự cần thiết phải có cho một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, quốc gia vẫn là một phần của khối.
Tuy nhiên, các điều khoản của thỏa thuận đã dẫn đến sự chậm trễ và giá cả tăng do hàng hóa đến Bắc Ireland yêu cầu một số kiểm tra.
EU đã kêu gọi Anh không thực hiện hành động đơn phương nhằm thay đổi các phần của thỏa thuận Brexit với Bắc Ireland, đồng thời cảnh báo sẽ có những hậu quả nếu hành động này xảy ra. Thủ tướng Boris Johnson - mặc dù đã đàm phán lại và ký kết nghị định thư Bắc Ireland - đã nói rằng “Anh Quốc sẽ cần phải hành động” nếu lập trường của EU không thay đổi.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group đã ước tính rằng điều luật cho phép chính phủ đơn phương thay thế giao thức sẽ mất ít nhất sáu tháng để được thông qua.
Đức đã kêu gọi Vương quốc Anh tránh thực hiện các hành động đơn phương đối với giao thức này, trong khi Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói rằng việc Vương quốc Anh không tuân thủ thỏa thuận sẽ tạo ra một vấn đề đáng kể cho thị trường nội bộ của Liên minh Châu Âu. Trong khi đó, Mỹ đã khuyến khích đối thoại giữa Anh và EU để giải quyết bế tắc.
Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May đã cảnh báo rằng việc Vương quốc Anh loại bỏ các phần của giao thức có thể gây tổn hại đến uy tín của Anh về việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Angela McGowan, Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh ở Bắc Ireland, cho biết: “Các công ty đã quay cuồng với chi phí kinh doanh ngày càng tăng cao. Điều cuối cùng họ muốn là sự không chắc chắn hơn nữa trong các thỏa thuận thương mại bên cạnh những thách thức của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn bao giờ hết, sự linh hoạt và thỏa hiệp là cần thiết từ cả hai bên để đạt được các giải pháp thương mại lâu dài, đảm bảo hòa bình và thịnh vượng, ”bà nói thêm.