WhatsApp kiện chính phủ Ấn Độ về các quy định mới

WhatsApp đang kiện chính phủ Ấn Độ về các quy tắc internet mới mà họ cho là vi hiến và sẽ "làm suy yếu nghiêm trọng quyền riêng tư" của người dùng, The New York Times đưa tin.

Tại Ấn Độ, “Nguyên tắc trung gian” và “Quy tắc đạo đức truyền thông kỹ thuật số” yêu cầu các ứng dụng nhắn tin phải xác định “người khởi tạo thông tin đầu tiên” khi được truy vấn. Nhưng WhatsApp, với gần 400 triệu người dùng tại thị trường Ấn Độ, lập luận rằng làm như vậy sẽ khiến họ buộc phải theo dõi mọi tin nhắn được gửi trên dịch vụ của mình, và điều này vi phạm quyền riêng tư của người dùng.

“WhatsApp cam kết bảo vệ quyền riêng tư đối với tin nhắn cá nhân của mọi người và chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể trong phạm vi luật pháp của Ấn Độ để tiếp tục giữ vững quan điểm này,” đại diện từ phía công ty cho biết. 

Whatsapp lập luận rằng yêu cầu truy xuất nguồn gốc này sẽ buộc công ty phải phá vỡ mã hóa “end-to-end” cho mọi người trên dịch vụ của mình, vì không có cách nào để nó chủ động biết thông điệp nào mà chính phủ có thể muốn điều tra trước thời hạn.

Cảnh báo của WhatsApp về “khả năng vi phạm quyền riêng tư khi truy xuất nguồn gốc” được nhiều công ty công nghệ và nhóm quyền kỹ thuật số lớn nhất thế giới bao gồm Mozilla, Electronic Frontier Foundation (EFF) và Trung tâm Dân chủ và Công nghệ ủng hộ. Trong một tuyên bố về kế hoạch tương tự của chính phủ Brazil, EFF đã nói rằng việc thực hiện truy xuất nguồn gốc “sẽ phá vỡ kỳ vọng của người dùng về quyền riêng tư và bảo mật, và sẽ khó thực hiện để phù hợp với các tiêu chuẩn bảo mật và quyền riêng tư hiện tại”. 

WhatsApp là một trong những ứng dụng có lượng người dùng lớn nhất ở Ấn Độ.
WhatsApp là một trong những ứng dụng có lượng người dùng lớn nhất ở Ấn Độ. 

Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh, các quy tắc là bắt buộc để theo dõi nguồn gốc của thông tin sai lệch. Trong các bình luận được Reuters đưa tin, một quan chức chính phủ cho biết họ không yêu cầu WhatsApp phá vỡ mã hóa, mà chỉ theo dõi nguồn gốc của các tin nhắn. Nhưng WhatsApp giải thích rằng việc theo dõi các tin nhắn như thế "sẽ không hiệu quả và rất dễ bị lạm dụng", đồng thời có nguy cơ khiến người dùng phải chịu phạt khi mà có thể họ chỉ vô tình chia sẻ thông tin từ một nguồn nào khác. 

Trước đó, WhatsApp từng bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc lan truyền thông tin sai lệch trên khắp thế giới, vấn đề này đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ. Kể từ năm 2017, WhatsApp đã gián tiếp có liên quan đến một loạt vụ bắt cóc sau khi người dùng lan truyền thông tin sai lệch về các vụ bắt cóc trẻ em. WhatsApp đã phải đặt ra các giới hạn mới về chuyển tiếp tin nhắn trong nỗ lực ngăn chặn những tin tức xấu lan truyền.

Theo Reuters, WhatsApp lập luận rằng các quy tắc mới đã thất bại trước các bài kiểm tra theo phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2017. Cụ thể, quyền riêng tư phải được bảo toàn trừ khi tính luật pháp, cần thiết và WhatsApp khẳng định luật mới thiếu sự ủng hộ rõ ràng của quốc hội.

Vụ kiện là sự gia tăng căng thẳng mới nhất giữa chính phủ Ấn Độ và các công ty công nghệ lớn. Trong những tháng gần đây, quan chức nước này đã yêu cầu các mạng truyền thông xã hội bao gồm Twitter, Facebook và Instagram gỡ bỏ các bài đăng chỉ trích cách họ xử lý đại dịch. Tờ The New York Times lưu ý rằng các công ty truyền thông xã hội đã tuân thủ yêu cầu này bằng cách chặn các bài đăng trong nước, nhưng vẫn để hiển thị ở những nơi khác. Trong khi chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh rằng những bài đăng này có thể kích động sự hoảng loạn, thì một số nhà phê bình nói rằng họ đang sử dụng các quy tắc mới để xoá bỏ lời gièm pha. 

Trong một diễn biến mới đây, cảnh sát ở Ấn Độ đã đột kích các văn phòng của Twitter vì gắn mác "phương tiện bị thao túng" được ấn định cho một bài đăng từ một quan chức chính phủ.

Có thể bạn quan tâm