X (đổi tên từ Twitter), đang phải đối mặt với 2.200 vụ kiện tranh chấp bằng trọng tài (arbitration) mà các nhân viên cũ đã đệ đơn lên toà án sau khi tỷ phú công nghệ Elon Musk tiếp quản công ty, cắt giảm nhân sự và thực hiện những thay đổi sâu rộng. Riêng chi phí nộp đơn cho khối lượng đơn kiện này có thể lên tới 3,5 triệu USD.
Các con số đã được tiết lộ trong một hồ sơ mới công bố hôm 28/8 như một phần của vụ kiện tại tòa án quận Delaware giữa Chris Woodfield và Twitter, X Corp. cũng như Elon Musk.
Anh Woodfield, một cựu kỹ sư mạng cấp cao từng làm việc tại văn phòng Twitter ở Seattle, đã cáo buộc Twitter (hiện là X) đã hứa trả tiền bồi thường thôi việc cho anh nhưng sau đó lại nuốt lời và trì hoãn việc giải quyết tranh chấp thay thế khi công ty không trả các khoản phí cần thiết để tiếp tục hệ thống trọng tài JAMS.
Trích dẫn thông tin từ trang web của JAMS: “Đối với các vấn đề của hai bên, phí nộp đơn là 2.000 USD” và “Đối với các vấn đề dựa trên một điều khoản hoặc thỏa thuận được yêu cầu như một điều kiện làm việc, nhân viên chỉ phải trả phí 400 USD”.
Vì JAMS quyết định rằng khoản phí cơ bản này áp dụng cho 2.200 vụ tranh chấp của X, nên số tiền đó sẽ lên tới khoảng 3,5 triệu USD, cùng với các khoản phí khác có thể đi kèm.
Các luật sư của công ty đã lập luận rằng họ không bắt nhân viên phải chọn cách giải quyết bất kỳ vấn đề nào qua tranh chấp bằng trọng tài, do đó, công ty sẽ không gánh chịu phần phí nộp đơn lớn hơn.
Trong khi đó, anh Chris Woodfield và những người khác gặp phải hoàn cảnh tương tự đang cố gắng thoát ra khỏi cách giải quyết qua trọng tài và chuyển vụ việc của họ ra xét xử.
Như CNBC đã đưa tin trước đây, nhiều tập đoàn lớn yêu cầu người lao động ký thỏa thuận trọng tài khi làm việc ở bất cứ nơi nào mà việc này là hợp pháp. Điều này có nghĩa là để được tự do phát biểu tại tòa án, nơi bài phát biểu của họ có thể trở thành một phần của hồ sơ công khai, trước tiên người lao động cần được thẩm phán miễn trừ.
Các nhà phê bình coi trọng tài (arbitration) là một hệ thống bí mật khiến nhân viên và những người được tuyển dụng tiềm năng gặp khó khăn hơn trong việc tìm hiểu cách các công ty đối xử với người lao động của họ và điều gì đã xảy ra với mọi người trong các vụ việc liên quan trước đó.
Những người ủng hộ thì lại coi trọng tài là một cách để các công ty và nhân viên giải quyết vấn đề hiệu quả mà không khiến nhân viên phải gánh chịu khoản phí luật sư khổng lồ, đặc biệt nếu họ thua kiện.
Vụ kiện của Chris Woodfield chống lại X Corp. của Elon Musk có nhiều điểm tương đồng với một vụ kiện tập thể khác được đề xuất nộp lên tòa án liên bang San Francisco.
Trong vụ kiện đó, các nhân viên cũ của Twitter cáo buộc rằng công ty đã trì hoãn ít nhất 891 vụ kiện trọng tài do không thanh toán theo yêu cầu nộp phí sau khi buộc nhân viên phải đồng ý phân xử tranh chấp thông qua trọng tài để có thể được thôi việc.