Theo chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu Đặng Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Thương hiệu và Quản trị Thanhs xây dựng thương hiệu cá nhân không có gì là quá xa vời và là điều kiện không thể thiếu với DN, thương hiệu cá nhân của chủ DN.
Để một DN phát triển có nhất thiết phải xây dựng thương hiệu cá nhân cho lãnh đạo không hay chỉ cần xây dựng thương hiệu cho DN thôi, thưa bà?
Để rõ hơn về vấn đề này, có thể chia sẻ câu hỏi của một chủ DN; cũng là vấn đề mà nhiều doanh nhân quan tâm phỏng vấn cá nhân chuyên gia: “Tôi là giám đốc một nhà máy có rất nhiều công nhân, sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận dù không biết tôi là ai và tôi cũng là người không thích nổi tiếng, do đó tôi cảm thấy không cần thiết phải quảng bá và đánh bóng tên tuổi; liệu suy nghĩ như vậy có hợp lý không?”
Chúng ta thường đánh đồng giữa việc xây dựng thương hiệu với việc “truyền thông và đánh bóng” tên tuổi cá nhân chỉ để phục vụ mục tiêu thu hút sự chú ý từ công chúng. Vì vậy đôi khi các nhà lãnh đạo “từ chối” việc xây dựng thương hiệu kiểu “tôi ngại lên báo lắm, tôi ngại chụp ảnh lắm, tôi không biết nói lời hoa mỹ”.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là THLĐDN có nhiệm vụ lớn nhất là truyền động lực và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho toàn bộ công ty và đội nhóm. Trong quá trình xây dựng và khẳng định vai trò lãnh đạo với nhân sự trong tổ chức; thuyết phục nhân sự tin theo, làm theo con đường và hướng đi của mình, quá trình này chính là việc xây dựng THLĐDN.
Có thể nói xây dựng thương hiệu cá nhân không có gì là quá xa vời, tất cả mọi người đều cần xây dựng thương hiệu cá nhân. Thương hiệu cá nhân ở đây có thể là người mẹ trong gia đình, người vợ tuyệt vời trong mắt của chồng mình...
Với thương hiệu cá nhân của chủ DN cũng thế, phải xây dựng làm sao để trong mắt nhân viên của mình họ là người lãnh đạo có tâm có tầm, trong mắt đối tác họ là một bạn hàng đáng tin cậy... Nói một cách ngắn gọn, xây dựng thương hiệu cá nhân ai cũng cần nhưng với thương hiệu cá nhân của chủ DN sẽ cần hơn vì họ là người chèo lái con thuyền DN với rất nhiều thành viên đang ngồi trên con thuyền đó.
Bà có thể nói rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng THLĐDN đối với sự phát triển của DN?
Có thể lấy ngay trường hợp của FPT làm ví dụ. Câu chuyện về những khó khăn của FPT ngày đầu “ra biển lớn” và cách làm của họ để có được những thành công như hiện tại đã được nhắc đến rất nhiều. Nhưng ỏ đây tôi muốn nói tới người đứng sau sự thành công ấy. Ông Trương Gia Bình là một trong những hình mẫu THLĐDN chói sáng; truyền cảm hứng, có tầm nhìn rõ ràng và quyết liệt thúc đẩy con tàu FPT vượt biển thành công.
Một nhà lãnh đạo cấp trung của FPT đã từng chia sẻ đại ý, FPT thấm đẫm triết lý của anh Trương Gia Bình, dù anh ấy không hiện diện ở đó. Anh ấy không chỉ đạo từng việc nhỏ, mà chỉ nói “FPT cần làm việc này, trong 5 năm tới”. Điều đó thực sự là một nguồn cảm hứng rất lớn với đội ngũ FPT.Qua câu c
huyện này, chúng ta có thể thấy người lãnh đạo giống như nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc; hay người chỉ huy của một con tàu. Tàu càng lớn thì tầm nhìn và sứ mệnh càng lớn, đòi hỏi người chỉ huy phải biết “nghệ thuật quản trị con người” để thu phục nhân tâm và định hướng giúp con tàu vượt phong ba, đạt đến mục tiêu.
Ở một khía cạnh khác, sự phát triển của truyền thông đa phương tiện, tương tác đa chiều ngày nay đã giúp công chúng và khách hàng dễ dàng tiếp cận sâu và gắn kết hơn với các sản phẩm và thương hiệu. Họ đòi hỏi và mong mỏi được thấu hiểu, cũng như được truyền thông về “người chỉ huy” đã sáng tạo nên những sản phẩm dịch vụ mà họ vẫn sử dụng hàng ngày.
Vì vậy tập trung xây dựng THLĐDN chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Lãnh đạo DN và các tổ chức từ xưa tới nay.
Giữa 2 việc, một là xây dựng thương hiệu cá nhân cho lãnh đạo và một là xây dựng thương hiệu DN, theo bà việc nào nên ưu tiên làm trước?
Trong vấn đề này, quan điểm cá nhân tôi là: “Có thuyền rồi mới có thuyền trưởng” – xây dựng các hệ giá trị của thương hiệu DN trước, rồi thương hiệu cá nhân chủ DN và các cánh sao, cột trụ của DN theo đó mà xây dựng và hình thành.
Trong quy trình xây dựng thương hiệu cá nhân theo mô hình “chùa một cột” cũng nhấn mạnh, nếu đơn thuần là thương hiệu cá nhân (ví dụ thương hiệu của người nổi tiếng, của các nghệ sĩ hay thương hiệu cá nhân của các chuyên gia...), chúng ta có thể xây dựng thương hiệu độc lập, bởi thương hiệu cá nhân không liên quan gì đến tổ chức.
Ngược lại, với THLĐDN, đầu tiên chúng ta cần xây dựng hệ thống giá trị nền tảng cốt yếu của tổ chức trước. Cụ thể trước tiên cần xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, hệ thống giá trị cốt lõi, triết lý DN trước. Sau đó bản thân nhà lãnh đạo sẽ xây dựng thương hiệu của mình tương đồng, hòa hợp, giao thoa với thương hiệu của tổ chức.
Nói một cách khác, THLĐDN phải giúp chuyển tải được những giá trị và triết lý của thương hiệu DN ra bên ngoài thông qua văn hóa và hành vi của cá nhân mình. Tiếp theo, như trong cuốn sách 10 bước cất cánh thương hiệu của tôi tái bản năm 2017, tôi vẫn nhấn mạnh, chủ DN hãy tìm những người có cùng hệ triết lý “lên xe bus cùng với mình”.
“Xây dựng thương hiệu cá nhân ai cũng cần nhưng với thương hiệu cá nhân của chủ DN sẽ cần hơn vì họ là người chèo lái con thuyền DN với rất nhiều thành viên đang ngồi trên con thuyền đó
Vậy theo bà, làm thế nào để THLĐDN được xây dựng một cách thành công nhất?
Có nhiều cách để xây dựng THLĐDN thành công. Theo mô hình của chúng tôi, đầu tiên phải định hình hệ giá trị DN; bước thứ hai là soi chiếu vào hệ giá trị của lãnh đạo DN nhân xem có tương đồng hay không.
Ví dụ một CEO đặt tầm nhìn cụ thể là công ty sẽ có khoảng 1.000 nhân viên, doanh thu là 100 tỷ, có chi nhánh trên 5 quốc gia trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên người CEO ấy phải tự biết bản thân có muốn chèo lái con thuyền đi đến đích hay không. Nếu tầm nhìn cá nhân CEO chỉ muốn trở thành một người giàu có, có tiền để đi du lịch khắp thế giới thay vì muốn giúp cho công ty phát triển thì lúc đấy hệ giá trị của 2 bên sẽ không gặp nhau. Trong trường hợp này hoặc người lãnh đạo sẽ hành động ngược với giá trị công ty theo đuổi khiến Ban lãnh đạo công ty trở nên mâu thuẫn (về quan điểm) hoặc nhân sự cấp cao trong công ty sẽ tìm đường ra đi.
Bước thứ ba là định hình giá trị thương hiệu cá nhân hay có thể hiểu là xây dựng phong cách lãnh đạo DN. Vẻ ngoài của lãnh đạo DN không thể hiện được tổ chất của bản thân thì sức thuyết phục sẽ giảm. Vì vậy sau khi định hình được rõ giá trị cá nhân, bước tiếp theo mới định hình phong cách nào thể hiện được những hệ giá trị mà cá nhân muốn thay đổi.
Nếu như ở thương hiệu cá nhân, mỗi người phải tự tìm cho mình những điểm mạnh, sở trường, sở thích trên cơ sở so sánh với các thương hiệu cá nhân khác; thì với THLĐDN, vốn là những con người có tố chất lãnh đạo, quyết đoán, dám dấn thân, dám hy sinh… việc xác định sở trường, sở đoản là điều tất yếu từ trước. Vì vậy giai đoạn này người lãnh đạo cần chú tâm đến định hình phong cách cá nhân, giúp vẻ bề ngoài tương đồng với nội lực bên trong.
Ở bước thứ tư cần đưa ra được tuyên ngôn định vị cá nhân để khẳng định bản thân nhà lãnh đạo sẽ là như thế nào trong tâm trí của nhóm đối tượng mục tiêu (VD nhân viên, khác hàng, đối tác, đối thủ, công chúng mục tiêu).
Bước thứ năm là giai đoạn truyền thông thương hiệu. Ở giai đoạn này một lưu ý nhỏ là các nhà lãnh đạo nên chăm chút cho hình ảnh cá nhân như chuẩn bị hệ thống hình ảnh đẹp; xây dựng kênh truyền thông cá nhân…
Còn đối với chủ DN không muốn làm truyền thông ra bên ngoài cần có thông điệp rõ ràng về triết lý thương hiệu, mục tiêu cá nhân gắn kèm mục tiêu công ty thông qua thư ngỏ để truyền cảm hứng cho nội bộ. Thường xuyên nhắc lại trong hoạt động truyền thông nội bộ của công ty.
Lưu ý, truyền thông thương hiệu cá nhân không chỉ là bài viết hay hình ảnh thông qua kênh báo chí hay Facebook mà là hành động cụ thể để thể hiện sứ mệnh, văn hóa, giá trị cốt lõi cũng như năng lực của cá nhân người lãnh đạo trên tất cả các mặt trận: bên trong nội bộ DN, khi tiếp xúc với khách hàng, công chúng và ngay cả ở gia đình.
Trong bước năm, một trong những điều kiện đặc biệt quyết định thành công của các thương hiệu lãnh đạo là sử dụng Ekip (hay là bộ máy nhân sự thừa hành, giúp việc hoặc bộ máy truyền thông trong DN) để giúp hình ảnh THLĐDN nhanh chóng lan tỏa ra bên ngoài.
Bước thứ sáu hay còn gọi là đích đến của xây dựng thương hiệu cá nhân là “làm theo hình mẫu để trở thành hình mẫu”, ta có thể thấy những tấm gương của người lãnh đạo tài ba như ông Trương Gia Bình, bà Mai Thị Kiều Liên...
Ở nước ta DNNVN hiện đang chiếm tới hơn 90% và họ đang loay hoay trong việc xây dựng THLĐDN. Bà có thể đưa thêm lời khuyên cho các DN nhất là các DNNVV trong việc xây dựng thương hiệu này?
Có một điều bất ngờ là các bạn trẻ và những DN khởi nghiệp nhất là các DN nhỏ lại rất năng động trong việc xây dựng THLĐDN, họ không ngần ngại trong việc tìm cách thể hiện được bản thân mình. Sự phát triển rộng khắp của các kênh truyền thông xã hội cũng như Internet là cơ hội ngàn năm có một đối với DN trong cả xây dựng thương hiệu lẫn phát triển kinh doanh.
Tuy nhiên điều này cũng có mặt trái bởi truyền thông chỉ là công cụ và kênh triển khai chứ không phải là toàn bộ chiến lược để xây dựng thương hiệu. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc sử dụng các kỹ thuật truyền thông mà năng lực lõi chưa được trau dồi nhiều sẽ dễ bị gặp cảnh “bay lên cao rồi ngã đau”. Ngược lại, nếu chúng ta chậm chân, sẽ không còn có “cơ hội thứ hai thấy ánh mặt trời”, sẽ tốn kém rất nhiều chi phí để lan tỏa được thương hiệu khi mà vị trí đầu tiên trong tâm trí khách hàng đã thuộc về các thương hiệu khác.
Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng ngày nay trong môi trường thế giới phẳng, xây dựng thương hiệu không còn là cuộc chơi ở khu vực, mà đã là sân chơi quốc gia, quốc tế. Vì vậy các thương hiệu hãy tập trung tích lũy và trau dồi năng lực để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, công chúng toàn cầu.
Xin cảm ơn bà!