Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Ép quá, Mỹ sẽ nhận đòn "hồi mã thương"

Cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể tạo ra phản ứng ngược, đẩy Trung Quốc bật lên cả về kinh tế và địa chính trị.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Ép quá, Mỹ sẽ nhận đòn "hồi mã thương"

Tâm lý bài Mỹ

Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa Cheng Li nhận định trên tờ Foreign Affairs, trong những tháng qua, cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang, cùng một số vấn đề kinh tế trong nước đã tạo ra sự lo lắng, đặc biệt là với tầng lớp trung lưu.

Dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc và tốc độ mở rộng nhanh chóng làm cho tầng lớp này trở thành một yếu tố quyết định quan trọng của nền kinh tế và đời sống chính trị của đất nước.

Dự báo, hơn 75% cư dân đô thị Trung Quốc (hơn 550 triệu người) sẽ là thành viên của tầng lớp trung lưu vào năm 2022.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh khoảng 24% so với đầu năm, đồng Nhân dân tệ đã giảm khoảng 10% so với USD kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump lần đầu công bố mức thuế suất áp lên hàng hóa của Trung Quốc vào đầu tháng 4.

Lo ngại rằng một bong bóng thị trường bất động sản có thể bùng nổ đã lan rộng ở các đô thị lớn, như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thượng Hải, đe dọa gây ảnh hưởng đến cả hệ thống tài chính Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, cùng với các vấn đề như tham nhũng, ô nhiễm không khí, bê bối an toàn thực phẩm và vắc xin đã gây ra những lời phàn nàn ngày càng nhiều về chính sách quản lý kinh tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các hành động thương mại và sự thay đổi chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump với Bắc Kinh - từ đối tác thành đối thủ - đã khiến hầu hết người Trung Quốc kết luận rằng mục tiêu chính của Washington không gì khác hơn là kiềm chế một Trung Quốc đang nổi lên.

Bên cạnh đó, những đe dọa đánh thuế liên tiếp, thậm chí là đánh thuế toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc tạo ra hình ảnh một chính sách "tham lam" từ Washington.

Ngoài ra, ông Cheng Li cũng chỉ ra rằng, nhiều người Trung Quốc rất quen thuộc với hai sự kiện lớn trong lịch sử gần đây, đó là "thập niên mất mát" - thời kỳ trì trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản suốt thập niên 1990 và sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.

Căng thẳng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ thời gian vừa qua khiến giới trung lưu Trung Quốc lo ngại. Ảnh: Foreign Affairs.

Sức ép liên tục từ Washington thời gian gần đây càng dấy lên giả thiết rằng, đây là kết quả của sự tấn công từ Mỹ. Việc lo sợ về một âm mưu tương tự chống lại Trung Quốc - mặc dù chưa có căn cứ - cuối cùng lại có thể tạo thành tâm lý ủng hộ tích cực đối với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sức ép biến thành động lực

Eric Fishwick, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Tập đoàn môi giới và đầu tư CLSA, cho biết xung đột thương mại đang leo thang có thể thúc đẩy nền kinh tế thứ 2 thế giới hoạt động hướng tới việc giành được nhiều sức mạnh toàn cầu hơn.

"Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra phản ứng ngược, khiến Trung Quốc tăng tốc nỗ lực nguồn cung để ngày càng độc lập trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao. Và chắc chắn, cuộc chiến này càng khuyến khích Trung Quốc tạo ra nhiều hơn ảnh hưởng chính trị và kinh tế", ông Eric Fishwick nói với CNBC.

Ông Fishwick chỉ ra rằng, Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chương trình hạ tầng và đầu tư được xem như là nỗ lực xây dựng một khu vực kinh tế đa quốc gia và tạo dựng ảnh hưởng chính trị mà Bắc Kinh làm trung tâm.

Về lĩnh vực phát triển kinh tế, Trung Quốc đang trong nhiệm vụ hướng tới ngành công nghiệp kỹ thuật cao với kế hoạch Made in 2025. Chiến lược nhằm mục đích đưa quốc gia đi xa hơn việc xuất khẩu các mặt hàng thông dụng như quần áo và đồ điện tiêu dùng.

Mỹ không thoải mái với việc quyền lực của Trung Quốc đang mở rộng. "Điều này thực sự là bởi Trung Quốc chính là đối thủ địa kinh tế - địa chính trị tương lai của Mỹ. Tôi không cho rằng, các bên sẽ sẵn sàng nhượng bộ bởi cuộc chiến này là vấn đề chính trị hơn là thương mại đơn thuần", ông nói.

Ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cũng sẽ điều chỉnh các chính sách kinh tế để đối phó với các chiến thuật thương mại ngày càng mạnh mẽ của Washington như áp dụng các biện pháp cải cách kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, xây dựng cơ chế tài chính mới để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và thúc đẩy nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ tích cực theo đuổi hợp tác kinh tế, không chỉ với Nga mà còn với Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Theo Trí Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm