Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Trong nóng – Ngoài lạnh!

Trong suốt gần 1 tháng nay, thế giới đang dồn hết sự quan tâm vào cuộc chiến tranh thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Trong nóng – Ngoài lạnh!

Động thái của hai “ông lớn” này dù chưa cho thấy khả năng xảy ra cuộc chiến thực sự nhưng vẫn luôn cho thấy nguy cơ tiềm tàng khi căng thẳng leo thang.

Chiến tranh Thế kỷ 21, Chiến thuật Thế kỷ 20

Áp rào cản thương mại trị giá 50 tỷ USD lên 1.300 hàng hóa của Trung Quốc đang nhập khẩu vào Mỹ là “cái giá” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra. 3 tỷ đô áp lên 130 sản phẩm của Hoa Kỳ là đòn “trả đũa” của Trung Quốc. Hai con số của cùng một biện pháp là minh chứng tiêu biểu nhất cho sự lặp lại của lịch sử: Cuộc chiến tranh thương mại thời hiện đại được vận hành theo phương thức “cũ” là “ÁP THUẾ”.

Từ thời Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đến nay, hầu hết các Tổng thống đều sử dụng biện pháp hạn chế thương mại để giảm lượng nhập khẩu, hỗ trợ ngành sản xuất trong nước. Một số người tiền nhiệm của ông Trump (bao gồm Tổng thống Johnson, Richard Nixon và Ronald Reagan) đều sử dụng biện pháp “hạn ngạch”.

Năm 1969, Johnson đặt hạn ngạch nhập khẩu tối đa 5,75 triệu tấn thép cho thị trường thép. Sau này, Tổng thống Jimmy Carter cũng từng hạn chế thép nhập khẩu bằng cách đặt ra mức giá sàn cho thép nhập khẩu. Dù giới hạn này không phải là nhắm vào vấn đề thuế nhưng biện pháp này vẫn tỏ ra hiệu quả khi ép các nhà sản xuất thép nước ngoài duy trì giá ở một mức độ nhất định và không thể bán ở giá quá rẻ để tạo nên cuộc cạnh tranh không công bằng tại thị trường Mỹ. Ngay cả Tổng thống Barack Obama cũng sử dụng biện pháp áp thuế cao đối với những loại thép đặc biệt dùng làm linh kiện ô tô.

Cựu Tổng thống George W. Bush cũng áp dụng phương pháp tương tự Tổng thống Trump vào năm 2002 khi cho thông qua luật đánh thuế từ 8% đến 30% vào các sản phẩm thép nhập khẩu. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm, chính sách này đã bị bãi bỏ do phản ứng dữ dội từ thế giới và những hệ lụy tiêu cực lên nền kinh tế.

“America First”, “Made in China 2025”

Thế giới giờ đã không còn lạ gì với tiêu chí “America First”, thậm chí đã trở thành “tuyên ngôn” của Tống thống Trump trong mọi cuộc đàm phán, tiêu biểu nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây hay Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trong khi đó, Trung Quốc đang khiến thế giới điên đảo khi “nhấn nhá” vào chiến lược mang tên “Made in China 2025”. Mục tiêu của Trung Quốc chính là cải thiện hoạt động sản xuất dựa trên 10 lĩnh vực chiến lược như khoa học người máy, chất bán dẫn, hàng không và phương tiện sử dụng năng lượng mới nhằm tạo nên một ngành công nghiệp “tự cung tự cấp”. Trong khi, chính sách của Donald Trump cũng thể hiện mong muốn bành chướng quyền lực và địa vị của Mỹ trên toàn thế giới.

Dù mục đích của Mỹ là vươn rộng, của Trung Quốc là củng cố vị thế nhưng bản chất của hai chiến lược này đều là muốn khẳng định vị thế độc tôn và “ép” các quốc gia khác phải phụ thuộc vào mình. Khi cả hai cường quốc đều muốn trở thành số 1 thì chắc chắn sẽ phải có xung đột và va chạm, chỉ có điều sự xung đột này sẽ chínhq quyền hai nước được điều chỉnh ở mức độ nào.

"Mỹ muốn vươn rộng còn Trung Quốc lại muốn củng cố vị thế. Nhưng về bản chất, hai chiến lược này đều muốn khẳng định vị thế độc tôn và “ép” các quốc gia khác phải phụ thuộc vào mình.

Nước cờ nào cho giờ “G”?

3 tỷ đối đầu 50 tỷ, 130 mặt hàng đối đầu 1300 mặt hàng – những cặp số cho thấy, Trung Quốc không muốn “làm găng” với Mỹ và là một hành động “nắn gân” mang tính khiêm tốn kiểu vừa đấm vừa xoa.

Theo giới quan sát, đợt phản công đầu tiên của Bắc Kinh chỉ là bước “dò đường” để xem phản ứng của Hoa Kỳ. Đây là đòn trả đũa “đủ liều” để chính quyền Trump phải suy nghĩ kỹ trước khi lao vào một cuộc chiến thương mại đồng thời thể hiện phản ứng “không khoanh tay ngồi nhìn” của Bắc Kinh xét trên phương diện đối nội. Bên cạnh đó, việc hai nền kinh tế số 1 và số 2 lệ thuộc vào nhau vẫn còn khá rõ ràng. Dù Bắc Kinh có đủ sức trả đũa nhắm vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Mỹ nhưng bài toán về kinh tế của hai quốc này vẫn không đơn giản.

Thực chất, hành động đáp trả của Trung Quốc cho thấy chính quyền của ông Tập Cận Bình “không hề” đụng đến những mặt hàng thiết thực với đời sống hàng ngày của 1,5 tỷ dân. Trung Quốc tránh áp thuế lên xe hơi Mỹ hay điện thoại di dộng mang nhãn hiệu “Quả Táo” (được thống kê là đang có khoảng 310 triệu chiếc được lưu hành) rất được người Trung Quốc sử dụng.

Dưới lăng kính của tờ báo tài chính Anh - Financial Times, Bắc Kinh rất khéo léo trong chiến thuật vừa đánh, vừa xoa. Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, trong hậu trường, Bắc Kinh đã đồng ý mở cửa thị trường tài chính cho các tổ hợp ngoại quốc và đã sẵn sàng cho nhập khẩu thêm các mặt hàng điện tử của Mỹ theo yêu cầu của Washington. Có điều, Trung Quốc sẽ đợi thời điểm thuận tiện mới thông báo đầy đủ các bước đi hòa hoãn này.

Về phía Washington, chiến lược của Nhà Trắng cũng đã được giới phân tích giải mã rằng: Tổng thống Trump chỉ muốn dùng đòn hù dọa để buộc Trung Quốc nhượng bộ giống như với với Hàn Quốc. Nhưng Washington thừa biết, Trung Quốc là một đối thủ khó vượt qua hơn rất nhiều.

“Nắn gân” bằng biện pháp thương mại để thể hiện lập trường là phương án được chính quyền Tập Cận Bình và Donald Trump sử dụng trong thời điểm hiện nay bởi rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại thời điểm này đều không phải là phương án tối ưu cho cả hai bên.

Xét trong dài hạn, khi ý muốn trở thành cường quốc số 1 thế giới của hai cường quốc này không thay đổi thì chiến tranh thương mại chỉ là “bề nổi” của vấn đề. “Tảng băng chìm” vẫn chỉ có thể nằm trong những kế hoạch, những bước đi khó đoán định của Bắc Kinh và Washington.

Có thể bạn quan tâm