“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”

“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, vậy chúng ta sẽ để lại gì cho hậu thế?”. Đó là câu hỏi của Danny Võ Thành Đăng - Chuyên gia huấn luyện & Diễn giả truyền cảm hứng trong một bài viết về xây dự
“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”

Trong thời đại của kỹ thuật số và công nghệ cao thay đổi nhanh chóng hàng giờ, cùng với sự nở rộ của những kênh giao tiếp trực tuyến – mọi người có thể dễ dàng tìm ra “đầy đủ” thông tin của nhau trong vòng “một vài cái nhấp chuột”, thì việc tạo dựng thương hiệu của mỗi cá nhân, đặc biệt đối với thương hiệu của những người lãnh đạo là thực sự cần thiết để duy trì sự thu hút nhằm quảng bá DN và cạnh tranh trên thương trường.

Giá trị cốt lõi

Mỗi người chúng ta đều có ít nhất một giá trị rất riêng của bản thân và không lẫn với ai khác. Một trong những cách để nhận ra giá trị cốt lõi của bản thân là thông qua việc dành thời gian tĩnh lặng và nhìn nhận lại một khoảnh khắc đáng nhớ trong quá khứ đã giúp chúng ta thay đổi “khác xưa” theo hướng tích cực hơn. Đó có thể là giá trị hướng thiện khi chúng ta đã có những lỡ lầm trong quá khứ và cố gắng sửa đổi để hoàn thiện bản thân hơn, hoặc là sự chân thành quan tâm, kiên nhẫn lắng nghe một cách đồng cảm những chia sẻ của bạn bè trong lúc khó khăn...

Thêm vào đó, mỗi người chúng ta thường hay tự vấn “Chúng ta được sinh ra để làm gì?”. Và đây chính là câu hỏi thường trực về sứ mệnh của chúng ta đối với thế giới này. Một cuộc sống có ý nghĩa chỉ khi chúng ta nhận diện được mục đích của bản thân đối với chính chúng ta và những người xung quanh, từ đó định hướng những việc chúng ta nghĩ và những gì chúng ta làm. Bản thân tôi cũng đã từng loay hoay tìm kiếm trong một thời gian dài cho đến khoảnh khắc hạnh phúc tìm ra được sứ mệnh của bản thân là “Lan toả những giá trị tích cực.”

Dáng vẻ bên ngoài

“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” ảnh 1

Vẻ ngoài của chúng ta là yếu tố quan trọng ngay trong lần đầu gặp mặt và nếu chúng ta tạo nên ấn tượng ban đầu tốt thì phải rất lâu sau mới có thể phai mờ trong tâm trí của người đối diện. Do đó, người lãnh đạo cần phải đầu tư trong việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân – trang phục, tư thế đi đứng; và giao tiếp phi ngôn ngữ để tạo ra một sức hút vô hình từ thần thái.

Thật may mắn nếu chúng ta có “gu” thẩm mỹ đủ để tự lựa chọn những bộ quần áo và phụ kiện có thể tôn vinh những ưu điểm và che lấp những khiếm khuyết của cơ thể, nếu không thì việc lắng nghe lời tư vấn của một nhà thiết kế thời trang, stylist hoặc fashionista thực sự cần thiết cho hình ảnh của một người tiên phong và luôn truyền cảm hứng đến đội ngũ nhân viên của công ty.

Người lãnh đạo cần phải thể hiện sự tự tin “mọi lúc - mọi nơi” với dáng đứng “thẳng lưng”, “ưỡn ngực về phía trước”, dáng đi “chuẩn” cùng với tốc độ đi chậm rãi, bình tĩnh sẽ tạo cho chúng ta có cảm giác cao hơn, to hơn và điềm đạm hơn; nếu là nữ lãnh đạo thì sẽ tôn thêm vẻ đẹp của những đường cong cơ thể làm tăng vẻ quyến rũ, duyên dáng, tự tin và thoải mái.

Cách chúng ta cười hoặc giao tiếp bằng mắt chiếm đến 90% thành công của cuộc trò chuyện.Làm thế nào để có được nụ cười thật tự nhiên mà vẫn thân thiện với một người mình chưa bao giờ gặp? Mẹo ở đây là hãy tưởng tượng người đối diện “là điều mà bạn thích nhất”, đó có thể là một cây kem hay một chiếc Mercedes. Ngoài nụ cười tươi thì “ánh mắt biết cười” cũng đem đến cảm giác tin tưởng và gia tăng hiệu quả kết nối nếu chúng ta biết nhìn thẳng vào đôi mắt người đối diện khi đang nói chuyện (4-5 giây), kết hợp với những cử chỉ của cơ thể trong cuộc trò chuyện.

Nâng cao uy tín

Bạn mất 20 năm để gầy dựng uy tín nhưng chỉ mất 5 phút để phá hỏng nó. Hãy nghĩ như vậy và bạn sẽ làm mọi thứ khác đi" - Warren Buffett

Những gì chúng ta suy nghĩ sẽ dẫn đến lời nói, và đưa lối đến hành động. Do đó việc một nhà lãnh đạo luôn duy trì những luồng suy nghĩ tích cực sẽ giúp định hướng những câu từ và lời nói tích cực – nói những điều có thể làm được; đưa ra những giải pháp, lựa chọn với giọng điệu hỗ trợ và khuyến khích, ghi nhận những hành động tích cực của nhân viên nhằm tạo nên uy tín cho chính bản thân và xây dựng một môi trường tích cực các đồng nghiệp.

Luật hấp dẫn – được xem là quy luật chi phối mạnh mẽ đến sự thành công của mỗi chúng ta - nói rằng: tất cả những gì mà chúng ta tập trung sự chú ý và năng lượng của bản thân vào đó, chúng ta đều thu hút chúng nhiều hơn vào cuộc sống của chính mình. Hãy luôn tập trung vào những điều tích cực mà chúng ta mong muốn và chắc chắn sẽ nhận được nhiều hơn những giá trị cho bản thân.

Để ứng dụng các hành động tích cực trong cuộc sống và công việc, chúng ta cần phải: rèn luyện thói quen nhìn nhận sự tích cực của bản thân; lắng nghe bằng trái tim; giao tiếp rõ ràng và luôn đặt mình vào vị trí của người nghe; ghi nhớ nguyên tắc 3K – Khơi gợi, Khuyến khích và Khen ngợi.

Giao tiếp truyền cảm hứng

Thỉnh thoảng, chúng ta vừa hoàn thành một việc quan trọng và được những người đồng nghiệp đánh giá cao về thành tích và lòng chúng ta tràn đầy sự nhiệt huyết. Khi đó, mọi thứ diễn ra với chúng ta dường như “đều có thể”. Nhưng rồi chúng ta chợt nhận ra rằng mọi thứ thăng hoa cũng sẽ có lúc “tuột mood”. Vậy làm sao để giữ lòng nhiệt huyết nếu xung quanh chúng ta chẳng có điều gì khiến bản thân hứng thú?

Đầu tiên, hãy hiểu rằng những gì chúng ta đang nghĩ chính là cách nhìn nhận thế giới của chúng ta – nếu chúng ta nhìn mọi thứ rất chán ngấy và không có hứng thú, thì não của chúng ta sẽ rập khuôn điều đó và tìm mọi bằng chứng để chứng minh điều đó là đúng; và nếu chúng ta nhìn mọi thứ vô cùng hứng thú, khác biệt và háo hức thì não của chúng ta cũng sẽ hướng về điều đó. Chúng ta chọn cách nhìn nhận thế giới của chính mình!

Sau đó, hãy viết xuống giấy tất cả những điều khiến chúng ta cảm thấy trân trọng và biết ơn. Hãy cùng nghĩ về tất cả mọi người trong cuộc đời chúng ta và tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta: chất lượng cuộc sống, những thành quả đạt được, môi trường làm việc và những cơ hội của bản thân…! Viết cho đến khi hết trang giấy và hãy đọc to toàn bộ những gì chúng ta đã viết và cứ mỗi mục, hãy nói “CẢM ƠN”. Những gì chúng ta đang làm là hướng bản thân về những phần trong cuộc sống khiến chúng ta cảm thấy tràn trề năng lượng để loại bỏ bớt những điều nhỏ nhặt. Những nhà tâm lý học cho rằng lòng biết ơn rất quan trọng cho việc duy trì và phát triển sự nhiệt huyết, giúp chúng ta yêu thích và trân trọng mọi thứ trên đời này hơn.

Đối nhân xử thế một cách chân thành

“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng” ảnh 2

Thuật đối nhân xử thế nhằm thu phục lòng người nằm ở sự hiểu rõ bản thân, thành thật với chính mỗi chúng ta, hiểu biết và quan tâm đến những người xung quanh để nhìn ra và khơi gợi những tiềm năng ẩn khuất nơi họ, giúp họ phát triển bản thân lên một tầm cao mới.

Dấu hiệu nhận biết một người lãnh đạo biết đối nhân xử thế là sự tự tin vào khả năng khách quan và kiềm chế cảm xúc mỗi khi gặp phải những thử thách trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Những người lãnh đạo giỏi có khả năng tự nhủ với bản thân những điều tích cực và lạc quan, giữ bình tĩnh, sáng suốt trong tầm kiểm soát. Người lãnh đạo là người nhìn nhận sự việc theo thực tế, theo lý trí chứ không phải theo cảm xúc. Nhờ đó, họ dễ dàng kiểm soát bản thân, không dễ tức giận, buồn bực hay nản chí.

Điểm khởi đầu để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả là luôn theo dõi và kiểm soát câu chuyện với bản thân. Hãy giữ cho suy nghĩ và lời nói của chúng ta thật tích cực, nhất quán với sứ mệnh của bản thân và tập trung tâm trí vào việc chúng ta muốn làm, vào tính cách mà chúng ta thích, từ đó sẽ tạo ra một nguồn năng lượng tích cực, lan tỏa đến mọi người xung quanh và cơ hội hợp tác trong kinh doanh cũng từ đó mà tự đến.

Xây dựng và phát triển các mạng lưới kết nối (+)

Sức mạnh của việc kiến tạo và kết nối mở rộng các mối quan hệ ý nghĩa đang dần trở nên vô cùng quan trọng trong một xã hội đang phát triển và bùng nổ về các tương tác online.

Hãy lập mục tiêu tìm kiếm những mối quan hệ mới theo từng ngày, đến hết ngày chúng ta sẽ nhận ra sự phát triển mối quan hệ không chỉ đến từ những người chúng ta tìm đến, mà còn cả những người tự tìm đến chúng ta thông qua thương hiệu cá nhân mà chúng ta đã tạo dựng nên.

Tham dự các sự kiện Networking là một cách tuyệt vời để tìm kiếm mối quan hệ mới trong kinh doanh. Chúng ta sẽ ngạc nhiên về số lượng những người bạn mới đã gặp trong sự kiện có thể trở thành những đối tác tiềm năng hoặc cộng sự thân tín trong tương lai.

Tích cực tương tác trên một số mạng xã hội chọn lọc để duy trì sự hiện diện cho thương hiệu cá nhân của chúng ta. Sở hữu một profile sáng sủa là chưa đủ, mà chúng ta còn phải duy trì các hoạt động tích cực như tham gia các nhóm thảo luận phù hợp hoặc các cuộc trò chuyện online có chủ đề bổ ích hướng đến cộng đồng nhằm truyền tải những thông điệp tích cực của chúng ta đến với tất cả mọi người.

Cung cấp những nội dung giá trị, chuyên nghiệp và bổ ích không những cho những người xung quanh thấy chúng ta là một nhà lãnh đạo biết chia sẻ, mà còn thu hút những người khác, tạo nên nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Danny Võ Thành Đăng/ Chuyên gia huấn luyện & Diễn giả truyền cảm hứng

Có thể bạn quan tâm