17 tỷ USD trái phiếu của Credit Suisse sẽ bị "xoá sổ"

Trái phiếu cấp một bổ sung (AT1) của Credit Suisse sẽ giảm về mốc số 0 sau khi UBS tiếp quản…
Credit Suisse

Như đã đưa, mới đây, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã thông báo rằng UBS sẽ mua Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,25 tỷ USD). Con số này thấp hơn khoảng 60% so với giá trị của ngân hàng khi thị trường đóng cửa vào 16/3. 

Sau nhiều năm thua lỗ và khó khăn, căng thẳng tại Credit Suisse đã lên đến đỉnh điểm vào tuần trước sau khi nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng này - Ngân hàng Quốc gia Saudi - cho biết họ không thể cung cấp thêm bất kỳ hỗ trợ tài chính nào khác do các hạn chế về quy định. Điều này xảy ra chỉ vài ngày sau khi sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature ở Mỹ, vốn đã gây ra làn sóng chấn động trên khắp lĩnh vực ngân hàng toàn cầu.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sau đó cho biết họ sẽ hỗ trợ Credit Suisse 50 tỷ Franc Thụy Sĩ (54 tỷ USD), nhưng tin tức này vẫn chưa thể xoa dịu được nỗi lo của các nhà đầu tư. 

Trong khi đó, các cổ đông của Credit Suisse sẽ mất phần lớn cổ phần của họ và chỉ nhận được khoảng 1/3 giá trị cổ phiếu đóng cửa vào cuối phiên 16/3 (tương đương 0,76 franc Thuỵ Sĩ/cổ phiếu). 

Nhưng chính những người sở hữu trái phiếu “cấp một bổ sung” (AT1) trị giá 17 tỷ USD của Credit Suisse mới là những người hoàn toàn bị… bỏ rơi. Chính quyền Thụy Sĩ cho biết những trái chủ đó sẽ không nhận được bất kỳ bồi thường gì. Động thái này được xem là mâu thuẫn với hệ thống phân cấp thua lỗ thông thường khi một ngân hàng phá sản, với các cổ đông thường là những người xếp hàng cuối cùng cho bất kỳ hình thức chi trả nào.

Động thái này đã khiến những người nắm giữ trái phiếu AT1 của Credit Suisse tức giận vì các khoản đầu tư của họ dường như bị mất trắng. 

“Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất từng gây ra cho các nhà đầu tư AT1 kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008,”  các nhà chiến lược tín dụng của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo nghiên cứu được công bố vào cùng ngày. 

Tuy nhiên, bà Elisabeth Rudman, người đứng đầu các tổ chức tài chính toàn cầu tại DBRS Morningstar, nói với CNBC rằng mọi người không nên cảm thấy bất ngờ với động thái của FINMA. “AT1 ở đó để hấp thụ các khoản lỗ, vì vậy không có gì ngạc nhiên. FINMA đã làm những gì họ buộc phải làm”, bà Rudman lưu ý. 

Trái phiếu AT1, còn được gọi là trái phiếu chuyển đổi dự phòng hoặc “CoCos”, là một loại nợ được coi là một phần vốn pháp định của ngân hàng. Người nắm giữ có thể chuyển đổi chúng thành vốn chủ sở hữu hoặc sử dụng chúng trong một số tình huống nhất định – ví dụ như khi tỷ lệ vốn của ngân hàng giảm xuống dưới ngưỡng đã thỏa thuận trước đó.

AT1 đã được tạo ra sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 như một cách chuyển rủi ro khỏi người nộp thuế trong các tình huống khủng hoảng. Do yếu tố rủi ro cao hơn, chúng thường có lợi suất cao hơn các trái phiếu khác.

Diễn biến mới này đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo những trái phiếu tương tự ở châu Á, đồng thời làm dấy lên lo ngại về tác động của nó đối với thị trường tín dụng toàn cầu và trái phiếu AT1 từ các tổ chức tài chính lớn khác.

Bà Rudman cho rằng nó có khả năng ảnh hưởng đến quan điểm của nhà đầu tư về trái phiếu và số tiền họ sẵn sàng đầu tư cho chúng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…