Ấn Độ chấn động vì vụ lừa đảo 3 tỷ USD Bitcoin

Một nhóm cảnh sát bị cáo buộc tham nhũng, một chính trị gia đã bỏ trốn có liên quan đến vụ án lừa đảo tiền ảo tại Ấn Độ.
Ấn Độ chấn động vì vụ lừa đảo 3 tỷ USD Bitcoin

Surat (bang Gujarat) là thành phố cảng biển, trung tâm kim cương và tâm chấn vụ lừa đảo tiền ảo và bắt cóc chấn động của Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Tháng 2/2018, doanh nhân bất động sản Shailesh Bhatt nộp đơn tố cáo lên chính quyền bang Gujarat (Ấn Độ) rằng ông bị một nhóm cảnh sát bắt cóc và đòi chuộc bằng 200 Bitcoin (tương đương 1,8 triệu USD).

Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại phát hiện cả phi vụ ly kỳ hơn đằng sau. Tám cảnh sát bị truy tố vì tham gia vụ bắt cóc, với sự hợp tác của Katt Paladiya, vốn là đồng nghiệp của Shailesh Bhatt. Toàn bộ vụ việc được chỉ đạo bởi chú của Paladiya là Nalin Kotadiya. Nhân vật này vốn là cựu nghị sĩ đảng Bharatiya Janata, tức đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi.

Vấn đề ở chỗ, cả Shailesh Bhatt cũng bị kết luận là tội phạm. Hiện doanh nhân này và Nalin Kotadiya đã bỏ trốn, còn Katt Paladiya thì ngồi tù. Tháng 4/2018, Nalin Kotadiya đăng video lên Whatsapp phủ nhận sai phạm và nói rằng ông đã cố gắng thông báo với chính quyền về vụ lừa đảo tiền ảo.

Trong video đăng lại trên Youtube, Kotadiya nói Bhatt chính là kẻ chủ mưu lừa đảo và đã đe dọa đưa ra các bằng chứng tố cáo các chính trị gia. Dĩ nhiên, luật sư của cả Bhatt và Paladiya đều phủ nhận các cáo buộc.

Các chứng cứ cho biết, từ cuối 2016 đến đầu 2017, Bhatt đổ tiền đầu tư vào BitConnect. Khi ấy, sàn này được một người đàn ông tên là Satish Kumbhani tích cực quảng bá ở thành phố Surat, bang Gujarat.

Satish Kumbhani là một trong các thành viên sáng lập BitConnect, chuyên huy động Bitcoin đa cấp, đã bị kết luận là lừa đảo và nay không còn hoạt động. Đầu 2017, BitConnect chiêu mộ nhà đầu tư khắp thế giới. Nhà đầu tư gửi Bitcoin vào sàn và nhận lại đồng BitConnect với lãi suất 40% mỗi tháng. Lãi suất càng cao nếu kéo được càng nhiều người vào mạng lưới.
Năm ngoái, giá Bitcoin tăng vọt từ mức dưới 1.000 USD lên hơn 19.700 USD giúp giá trị BitConnect tăng theo. Vì thế, Bhatt và hàng loạt nhà đầu tư tại bang Gujarat đã đổ tổng cộng 3,2 tỷ USD vào BitConnect.

Dòng tiền khổng lồ này được đổ vào một phần cũng vì chương trình hủy bỏ giá trị các tờ tiền mệnh giá lớn của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm kiểm soát trốn thuế. Người dân khi ấy có 60 ngày để gửi tiền mệnh giá lớn vào ngân hàng trước khi chúng vô giá trị.

Theo ước tính, khoảng 650 triệu USD được người dân Gujarat chuyển hóa vào các tài sản trú ẩn khác, trong đó có tiền ảo. Trong giai đoạn đó, thống kê về xu hướng tìm kiếm cách rửa tiền hoặc chuyển tiền mặt thành tiền ảo từ Gujarat tăng đột biến trên Google. Các diễn đàn thảo luận về tiền ảo cũng nhận được các câu hỏi dồn dập từ Ấn Độ.

Sau đợt đầu đổ tiền vào BitConnect vì không muốn nộp tiền mặt vô ngân hàng, nhiều người Gujarat tiếp tục bán nhà và xe để đổ vào với hy vọng lãi cao. Tuy nhiên, bi kịch là vào ngày 4/1/2018, chính quyền bang Texas (Mỹ) ra lệnh cấm BitConnect. Một ngày sau, Bắc Carolina có động thái tương tự vì kết luận đây là sàn lừa đảo, chuyên huy động vốn đa cấp theo mô hình kim tự tháp.

Khủng hoảng chồng chất hơn khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) công bố lệnh cấm giao dịch tiền ảo. Một số người chống lại bằng cách kiện lên Tòa án Tối cao. Những người đã đổ tiền vào BitConnect lâm vào bế tắc vì nếu trình báo với cơ quan chức năng việc bị lừa vào mạng lưới phải khai số tiền đầu tư, với nguồn gốc đôi khi không trong sạch.

Chính vì thế, Shailesh Bhatt và 9 đồng lõa bao gồm cả Katt Paladiya chọn giải pháp khác. Nhóm bắt cóc đại diện của BitConnect ở thành phố Surat để đòi 2.256 Bitcoin tiền chuộc.

Tuy nhiên, điều trớ trêu là Katt Paladiya muốn có nhiều Bitcoin hơn. Ông liên lạc với người chú Nalin Kotadiya, kết nối thêm 8 cảnh sát nhằm tổ chức bắt cóc cả Shailesh Bhatt.

Nhóm của Katt Paladiya và Nalin Kotadiya tự tin Shailesh Bhatt sẽ ngoan ngoãn trả tiền và im lặng vì chính nhân vật này cũng chủ mưu tổ chức vụ bắt cóc đại diện BitConnect. Tuy nhiên, cả hai đã lầm, Shailesh Bhatt sau đó đi tố cáo họ.

Shailesh Bhatt sở dĩ tự tin đi tố cáo vì đã đinh ninh lo được cách để thoát tội. Bhatt thậm chí phủ nhận mọi kết tội lừa đảo và nói rằng Paladiya xử lý tất cả các chuyển khoản Bitcoin do bản thân không hiểu biết về công nghệ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã điều tra quá sâu, khiến anh cũng phải bỏ trốn.

Hôm 5/7, đảng đối lập đã tổ chức một cuộc họp báo yêu cầu đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi điều tra rốt ráo vụ bê bối bắt cóc kiêm lừa đảo tiền ảo tại Gujarat. Áp lực càng lớn khi cuộc bầu cử sẽ diễn ra đầu năm sau.

"Nếu nhiều chính trị gia bị xác định liên quan đến vụ này thì mọi người sẽ phải trả giá. Chính phủ sẽ phải tìm ra kẻ bỏ trốn và dẫn độ về", Shailesh Kumar - Giám đốc tư vấn rủi ro khu vực châu Á của Eurasia Group bình luận.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…