Ấn Độ chuyển gần 100 tấn vàng từ Vương quốc Anh về kho nội địa

Ấn Độ vừa hoàn tất việc chuyển gần 100 tấn vàng từ Vương quốc Anh về kho nội địa, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược củng cố dự trữ vàng quốc gia….

Ấn Độ chuyển gần 100 tấn vàng từ Vương quốc Anh về kho nội địa

Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã chuyển gần 100 tấn vàng từng được lưu trữ tại Vương quốc Anh về kho nội địa. Động thái này nhằm tăng cường an ninh tài chính và ổn định kinh tế, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các kho dự trữ vàng nước ngoài.

Tin tức được chia sẻ bởi ông Sanjeev Sanyal, một nhà kinh tế và là thành viên của Hội đồng tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Ấn Độ. Trong bài đăng trên X (Twitter), ông Sanyal cho biết: “Trong khi không ai để ý, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã chuyển 100 tấn vàng dự trữ của mình từ Anh trở lại Ấn Độ. Ấn Độ giờ đây sẽ giữ phần lớn số vàng của mình trong các kho nội địa”.

Hiện nay, Ấn Độ tự hào có lượng dự trữ ngoại hối đáng kể, đủ để trang trải cho lượng nhập khẩu trong khoảng 11 tháng. Dự trữ vàng của nước này cũng đã chứng kiến sự tăng vọt trong thời gian qua.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng số vàng mà Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ nắm giữ là 822,10 tấn, cao hơn so với mức 794,63 tấn ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái.

Xung đột địa chính trị ở Tây Á, lực mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương như RBI cũng như nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn, đã đẩy giá vàng lên mức cao trong thời gian qua.

Giá trị vàng (bao gồm cả tiền gửi vàng) được nắm giữ như tài sản của Bộ Ngân hàng đã tăng 19,06% từ 2.30.733,95 crore rupee (1 crore rupee tương đương 10 triệu rupee) vào ngày 31/3/2023 lên 2.74.714,27 crore rupee vào ngày 31/3/2024. Mức tăng này là nhờ việc bổ sung thêm vàng, giá vàng tăng cao và sự mất giá của đồng rupee so với đồng USD.

Vào những năm 1990, Ấn Độ phải đối mặt với một tình huống cấp bách khi dự trữ ngoại hối của nước này cạn kiệt đến mức chỉ có thể trang trải được lượng hàng nhập khẩu trong vài tuần. Vào tháng 8/1990, Thống đốc RBI đề xuất giữ 15% dự trữ vàng ở nước ngoài để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Nợ nước ngoài của Ấn Độ khi đó đứng ở mức xấp xỉ 72 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối của nước này giảm mạnh xuống còn 5,8 tỷ USD, báo hiệu nhu cầu cấp thiết phải huy động vốn và tránh nguy cơ vỡ nợ chính phủ. Trong thời kỳ này, Ấn Độ có trữ lượng vàng đáng kể, bao gồm cả việc nắm giữ vàng tại RBI. Vào tháng 1/1991, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (State Bank of India là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất ở Ấn Độ) đã tìm cách tăng cường dự trữ ngoại hối bằng cách cho thuê một phần vàng.

Sau khi nhận được sự chấp thuận của chính phủ, 20 tấn vàng trị giá 234 triệu USD đã được chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn là chưa đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Sau đó, gần 47 tấn vàng đã được chuyển ra nước ngoài thành nhiều đợt, thu về khoảng 400 triệu USD cho chính phủ. Sau quá trình tự do hóa kinh tế cùng năm đó, thời điểm Ấn Độ bắt đầu mở cửa nền kinh tế ra thị trường toàn cầu, nước này đã hoàn trả thành công các khoản vay cầm cố bằng vàng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…