Bất ổn tại Liên bang Nga có thể gây rắc rối cho nền kinh tế toàn cầu

Những diễn biến căng thẳng mới đây trong tình hình chính trị, quân sự tại Nga đang trở thành mối lo ngại hàng đầu đối với thị trường năng lượng quốc tế…
Bất ổn tại Liên bang Nga có thể gây rắc rối cho nền kinh tế toàn cầu

Liên bang Nga đã trượt khỏi top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới, ghi nhận tổng GDP tương đương với Úc ở mức 1,7 nghìn tỷ USD (năm 2022). Tuy nhiên, Nga vẫn là một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho thị trường toàn cầu - bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ - bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Tuy nhiên, diễn biến chiến sự vào cuối tuần qua đã làm dấy lên lo ngại về bất ổn chính trị ở Nga. Mặc dù cuộc đụng độ giữa Moscow và lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã được ngăn chặn nhưng vụ việc cũng đặt ra những câu hỏi lo ngại về gián đoạn nguồn cung và khả năng xuất khẩu của nước này. 

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung

Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho biết những bất ổn địa chính trị ở các quốc gia sản xuất dầu hàng đầu - từ vấn đề dân sự đến nguy cơ đảo chính, xung đột vũ trang và thay đổi chính quyền - là nguyên nhân khiến giá dầu biến động liên tục trong nhiều năm qua. 

Libya và Venezuela là hai ví dụ điển hình cho thực trạng nội chiến và xung đột chính trị đã tàn phá hoạt động xuất khẩu năng lượng quốc gia như thế nào. Cụ thể, trích dẫn số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của Libya giảm từ khoảng 1,7 triệu thùng mỗi ngày xuống mức thấp kỷ lục chỉ 365.000 vào năm 2020. Trong khi đó, sản xuất của Venezuela cũng đạt mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào cùng năm, theo phân tích của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Nga lại là một “tay chơi” quan trọng hơn nhiều trên thị trường năng lượng thế giới. Với sản lượng 10 triệu thùng mỗi ngày, Nga đang sản xuất khoảng 10% nhu cầu dầu thô toàn thế giới. Ngoài ra, Nga còn là thành viên quyền lực thứ hai chỉ xếp sau Arab Saudi trong liên minh các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu OPEC+.

Dù cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã có hạn chế mức doanh thu mà Moscow kiếm được từ năng lượng, nhưng xuất khẩu dầu của Nga - về khối lượng - đã tăng lên mức ấn tượng khi Trung Quốc và Ấn Độ nhanh tay “vợt” lấy các thùng dầu giá hời mà các quốc gia G7 xa lánh.

Do đó, bất kỳ tổn thất đáng kể nào trong lĩnh vực năng lượng ở Nga sẽ buộc Trung Quốc và Ấn Độ phải cạnh tranh với các quốc gia phương Tây để giành nguồn cung từ các nhà sản xuất khác. 

Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của Mỹ tại Kpler cho biết: “Những biến động và sự không chắc chắn như chúng ta đã thấy trong những ngày gần đây có thể đẩy giá lên cao do khả năng gián đoạn nguồn cung – hay ít nhất là nỗi sợ hãi về gián đoạn nguồn cung”. 

Nga còn là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới và sự gián đoạn đối với nguồn cung cấp qua Rostov và các cảng khác sẽ gây ra “hiệu ứng domino” trên khắp phần còn lại của thế giới. Mức giá toàn cầu đối với các mặt hàng như lúa mì và ngô đã tăng đáng kể từ tháng 2/2022, cao gấp đôi so với khoảng thời gian một năm trước đó.

Thời điểm quan trọng

Giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng vọt sau cuộc chiến Nga - Ukraine vào năm ngoái, đẩy lạm phát lên các mức cao kỷ lục ở châu Âu và Mỹ. Xu hướng nhìn chung đã giảm dần kể từ đó, nhưng cuộc chiến để kiểm soát giá cả vẫn chưa thể kết thúc và hiện được đánh giá là trong giai đoạn quyết định.

Liên bang Nga

“Giai đoạn cuối cùng trong hành trình ổn định giá cả luôn là khó khăn nhất”, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements - BIS) chỉ ra trong bản báo cáo được công bố cuối tuần qua. 

Báo cáo cho biết, có một rủi ro nghiêm trọng khi tâm lý lạm phát chiếm ưu thế dẫn đến điều mà các nhà kinh tế mô tả là “vòng xoáy lương - giá”. 

“Nền kinh tế toàn cầu đang trong một thời điểm quan trọng. Những thách thức chủ chốt cần phải được giải quyết”, tổng giám đốc BIS Agustin Carstens phát biểu trong cuộc hội thảo tại Basel. 

Những dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ suy yếu trong năm nay khi các nền kinh tế chững lại đã đẩy giá dầu thô của Mỹ giảm gần 14% xuống mức dưới 70 USD/thùng. Vào năm ngoái, giá dầu WTI có thời điểm chạm đỉnh 120 USD/thùng. Điểm chuẩn quốc tế - dầu thô Brent - cũng giảm với biên độ tương tự. 

Các diễn biến về khả năng xuất khẩu của Nga cho thị trường thế giới đều được theo dõi chặt chẽ bởi các nhà lập pháp phương Tây, bên cạnh những khách hàng lớn nhất tại châu Á. Bất kỳ lí do gì gây gián đoạn dòng chảy đó cũng sẽ trở thành nguy cơ thúc đẩy giá dầu tăng cao, đặc biệt khi thế giới đã bước vào giai đoạn khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu được dự đoán sẽ vượt qua nguồn cung một cách đáng kể. 

Nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital Markets cho biết, thị trường hiện đang lo ngại Tổng thống Putin sẽ tuyên bố thiết quân luật, không cho công nhân đến các cảng và cơ sở năng lượng lớn để lấy hàng nên có khả năng làm ngừng xuất khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày ra nước ngoài.

Thêm vào đó, nguồn cung sẽ ngày càng eo hẹp trong những tháng tới do Arab Saudi cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 7.

Có thể bạn quan tâm